Cờ của Việt Nam và EU. (Ảnh: Reuters)
Ngày 14/7, tại Trụ sở Ủy ban châu Âu (EC), Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên minh châu Âu (EU) Nguyễn Văn Thảo đã thực hiện nghi thức trình Thư ủy nhiệm lên Chủ tịch EC Ursula Von der Leyen.
Tại buổi lễ, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo đã chuyển lời thăm hỏi thân tình, lời chúc tốt đẹp và lời mời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Chủ tịch EC và mong bà thu xếp thăm chính thức Việt Nam vào thời gian thuận tiện.
Đại sứ bày tỏ vinh dự lớn lao khi được cử làm Đại sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại EU và khẳng định Việt Nam rất coi trọng, mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác toàn diện với EU.
Trên cương vị của mình, Đại sứ đã, đang và sẽ làm hết sức mình để tiếp tục đưa quan hệ Việt Nam-EU phát triển mạnh mẽ, thực chất, hiệu quả.
Cũng theo Đại sứ Nguyễn Văn Thảo, trong nhiệm kỳ 3 năm sắp tới, Đại sứ và Phái đoàn sẽ ưu tiên thúc đẩy hợp tác trên 4 trụ cột chính:
Thứ nhất là thúc đẩy thương mại, đầu tư và phát huy hơn nữa hiệu quả của Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA), nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động với nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng và các vấn đề về an ninh lương thực.
EU là một đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam. Dù chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-EU năm 2021 và 5 tháng đầu năm 2022 vẫn tăng trưởng ấn tượng.
Đại sứ mong EU sẽ tiếp tục khuyến khích hơn nữa hợp tác kinh tế đa dạng và tăng cường đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực quan trọng như phát triển bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp công nghệ cao, logistics, hạ tầng hiện đại…
Trụ cột thứ hai là tăng cường hợp tác, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với biến đổi khí hậu. Đại sứ Nguyễn Văn Thảo khẳng định dù là nước đang phát triển nhưng Việt Nam đặt ưu tiên cao và quyết tâm thực hiện thành công các cam kết tại Hội nghị COP-26, phấn đấu đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Đại sứ đề nghị hai bên tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này vì đây cũng là lĩnh vực EU rất quan tâm và ưu tiên cao.
Trụ cột thứ ba là hợp tác chuyển đổi năng lượng xanh và năng lượng bền vững. Đại sứ cho biết Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao việc Nhóm các nước công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) xem xét thiết lập Đối tác Chuyển đổi Năng lượng (JETP) với Việt Nam do Anh và EU làm điều phối viên.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã nhận được thư của Chủ tịch EC và Thủ tướng Anh và hiện Việt Nam đã xây dựng các đầu mối chính trị cũng như cấp kỹ thuật. Đại sứ Nguyễn Văn Thảo đề nghị hai bên phối hợp tiếp tục xúc tiến trao đổi đàm phán.
Đại sứ khẳng định chuyển đổi năng lượng có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam giai đoạn tới, đồng thời sẽ tạo dấu mốc trong quan hệ Việt Nam-EU.
Trụ cột cuối cùng là phối hợp mở rộng hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng khác. Đại sứ đánh giá cao việc EU vừa ban hành nhiều chiến lược quan trọng, trong đó có Chiến lược hợp tác với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Cửa ngõ Toàn cầu, La bàn chiến lược… thể hiện EU coi trọng vai trò của khu vực.
Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với EU trên cơ sở cùng có lợi, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên toàn thế giới.
Về phần mình, Chủ tịch EC Ursula Von der Leyen gửi lời cảm ơn và đề nghị Đại sứ Nguyễn Văn Thảo chuyển lời thăm hỏi, lời chúc tốt đẹp tới Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các vị lãnh đạo cấp cao của Việt Nam.
Bà cho biết sẽ thu xếp thăm Việt Nam vào thời gian thuận tiện để tiếp tục thúc đẩy quan hệ hai bên.
Bà Von der Leyen bày tỏ ấn tượng về những thành tựu phát triển kinh tế, xã hội cũng như quan hệ đối ngoại của Việt Nam sau hơn 30 năm đổi mới, đặc biệt là việc giữ vững đà phát triển kinh tế trong bối cảnh thế giới, khu vực có nhiều biến động.
Chủ tịch EC khẳng định EU luôn coi trọng vai trò, vị thế và quan hệ với Việt Nam, coi Việt Nam là đối tác quan trọng của EU tại khu vực và sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ Việt Nam phát triển toàn diện, bền vững. Hai bên cũng sẽ tiếp tục phối hợp ủng hộ lẫn nhau trong các diễn đàn khu vực và quốc tế, phù hợp với Chiến lược của EU về tăng cường quan hệ với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Chủ tịch EC nhất trí với các ưu tiên hợp tác mà Đại sứ Nguyễn Văn Thảo đề xuất, cho biết đây cũng là các lĩnh vực EU coi trọng và thúc đẩy trong thời gian tới, nhất là việc xúc tiến thương mại, đầu tư, thiết lập quan hệ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng (JETP) và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bà chúc mừng Đại sứ Nguyễn Văn Thảo được lãnh đạo Việt Nam tín nhiệm, cử sang làm Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại EU và bày tỏ hy vọng trong nhiệm kỳ của mình, Đại sứ sẽ có những đóng góp ý nghĩa vào việc duy trì, củng cố và phát triển mạnh mẽ hơn nữa quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam-EU.
Việt Nam và EU thiết lập quan hệ từ năm 1990. Hai bên hiện có quan hệ rất sâu rộng và đã ký nhiều thỏa thuận, hiệp định quan trọng, tiêu biểu là Hiệp định Đối tác và Hợp tác Toàn diện Việt Nam-EU (PCA), Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA), Hiệp định Đối tác tự nguyện về Lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản (VPA-FLEGT), Hiệp định khung về hợp tác Quốc phòng-An ninh (FPA).
Hai bên cũng đã thiết lập 8 cơ chế hợp tác và các khuôn khổ hợp tác này đã đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia trong khu vực có quan hệ toàn diện, sâu rộng nhất với EU.
Nguồn TTXVN/Vietnam+