Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, toàn cầu hoá và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, an ninh phi truyền thống đang là thách thức đặt ra đối với toàn thế giới
An ninh con người là một nội dung lý luận mới lần đầu tiên được đưa vào Văn kiện Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trên thế giới, ý tưởng về an ninh con người (human security) xuất hiện vào những năm 60 của thế kỷ XIX cùng với sự hình thành nhận thức mới về mối quan hệ giữa an ninh và phát triển. Định nghĩa “an ninh con người” lần đầu tiên được Liên Hợp Quốc đưa ra năm 1994 trong “Báo cáo phát triển con người”. Từ đó đến nay, vấn đề này dần trở thành mối quan tâm đặc biệt của nhiều quốc gia trên thế giới, nhiều diễn đàn quốc tế, thậm chí đã kiến tạo một khuynh hướng lý luận coi “an ninh con người là trung tâm”.
Đối với Việt Nam, trải qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, đất nước “chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Tuy nhiên, chúng ta đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn.
Đó là nguy cơ tụt hậu kinh tế, rơi vào bẫy thu nhập trung bình, sự hạn chế trong việc phát triển văn hoá, bảo đảm phúc lợi xã hội, bảo đảm thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Sự diễn biến phức tạp của tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên; sự tác động tiêu cực của thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu; sự chống phá của các thế lực thù địch.
Những nguy cơ này ảnh hưởng tiêu cực đến sự nghiệp đổi mới của Việt Nam, trong đó có mục tiêu phát triển con người, bảo đảm an ninh con người. Vì vậy, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng đã đưa vấn đề “an ninh con người” vào Văn kiện Đại hội. Đây là một nội dung lý luận mới trong bảo vệ, chăm lo phát triển con người, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, đồng thời bảo vệ an ninh quốc gia.
“Báo cáo phát triển con người” của Liên Hợp Quốc vào năm 1994 khẳng định an ninh con người được hiểu là “sự an toàn của con người trước những mối đe doạ kinh niên như nghèo đói, bệnh tật và đàn áp, và những sự cố bất ngờ, bất lợi trong đời sống hằng ngày”.
Thực tế cho thấy con người đã phải gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề bởi các cuộc chiến tranh, xung đột, những mâu thuẫn nảy sinh trong đời sống xã hội và kế đó là những vấn đề an ninh phi truyền thống như khủng bố, thảm hoạ, thiên tai, dịch bệnh và sự cố do chính con người gây ra...
Các yếu tố này tác động đến con người từ nhiều góc độ: phương diện, hoàn cảnh, không gian, thời gian, điều kiện, môi trường, trực tiếp hoặc gián tiếp đến từng người, cộng đồng người nhất định. Do đó sự an toàn của con người, cũng như tạo môi trường để bảo đảm sự an toàn của con người chính là nội hàm của phạm trù “an ninh con người”, “bảo vệ an ninh con người”.
Cũng theo báo cáo trên, an ninh con người được cấu thành bởi 7 yếu tố cơ bản, bao gồm: An ninh kinh tế; an ninh lương thực, an ninh sức khoẻ, an ninh môi trường, an ninh cá nhân, an ninh cộng đồng, an ninh chính trị.
Trong đó, an ninh kinh tế được hiểu là việc bảo đảm cho con người có thu nhập ổn định; an ninh lương thực là sự bảo đảm về nguồn cung cấp lương thực cho con người; an ninh sức khoẻ chỉ việc bảo đảm cho con người an toàn về sức khoẻ, tránh khỏi hiểm hoạ bệnh tật; an ninh môi trường là sự an toàn của con người trước các mối đe doạ từ môi trường; an ninh cá nhân là sự an toàn của cá nhân con người; an ninh cộng đồng là sự an toàn của một cộng đồng dân cư; an ninh chính trị là việc bảo đảm sự tôn trọng các quyền cơ bản của con người.
Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, định nghĩa về “an ninh con người” của Liên Hợp Quốc là định nghĩa được đa số quốc gia chính thức thừa nhận. Tuy nhiên, ở nhiều quốc gia do điều kiện, hoàn cảnh, chế độ xã hội khác nhau nên cách tiếp cận vấn đề này cũng ít nhiều có ý kiến khác biệt.
Có một số quan điểm tuyệt đối hoá an ninh con người, hạ thấp vấn đề chủ quyền, an ninh quốc gia, cho rằng khái niệm an ninh cần thay đổi từ chỗ nhấn mạnh an ninh lãnh thổ sang an ninh con người.
Trên thực tế, con người không tồn tại một cách trừu tượng mà có tính cụ thể, vừa mang bản chất tự nhiên, vừa mang bản chất xã hội. Lợi ích của con người luôn gắn liền với lợi ích của cộng đồng, xã hội, gắn liền với sự ổn định và phát triển bền vững của quốc gia dân tộc mà họ sinh sống.
Khi chủ quyền quốc gia, an ninh quốc gia bị xâm phạm thì an ninh con người cũng không thể bảo đảm. Bởi vậy, không thể hạ thấp vấn đề này hoặc đề cao vấn đề kia mà phải đặt chúng trong mối quan hệ bền chặt, là tiền đề và điều kiện của nhau.
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến vấn đề con người, an ninh con người. Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng (1930) đã bước đầu khái quát được những nội dung an ninh con người trên các phương diện xã hội, chính trị, kinh tế.
Trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: mọi người sinh ra đều có quyền tự do, bình đẳng và “tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng, quyền tự do”.
Từ tư duy đó, vấn đề con người, an ninh con người đã được quán triệt qua các văn kiện quan trọng của Đảng cũng như Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, thuật ngữ “an ninh con người” lần đầu tiên chính thức được đưa vào Văn kiện với tư cách là một nội dung lý luận mới và được sử dụng khoảng 12 lần trong việc xác lập định hướng phát triển đất nước trong thời kỳ 2021-2030 và nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội, cũng như các nhiệm vụ, phương hướng, giải pháp cụ thể khác.
Đại hội XIII của Đảng chỉ ra 12 định hướng phát triển đất nước trong thời kỳ 2021-2030, trong đó có hai định hướng đề cập đến bảo đảm “an ninh con người”, cụ thể: Định hướng thứ 5 là: “quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; xây dựng môi trường văn hoá, đạo đức xã hội lành mạnh, văn minh...” và định hướng thứ 7 là “kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương…”. Nhiệm vụ thứ 4 trong 6 nhiệm vụ trọng tâm được Đảng xác lập trong nhiệm kỳ Đại hội XIII: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế; có chính sách cụ thể phát triển văn hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam”.
Theo quan điểm của Đảng, an ninh con người được xem xét trên hai khía cạnh chính: bảo vệ an ninh con người nhằm bảo đảm cho sự phát triển bền vững của con người và xã hội; bảo vệ an ninh con người là bảo vệ an ninh quốc gia, coi an ninh con người là một bộ phận của an ninh quốc gia.
Việt Đông
(còn tiếp)