Bạn nghĩ sao nếu một ngày bước vào quán ăn, chạy ra dọn bàn, ghi thực đơn rồi sau đó mang đồ lên là người hùng làm nên lịch sử, giúp ĐT nữ Việt Nam lần đầu góp mặt ở World Cup?
Vào những dịp hiếm hoi được về nhà ở Bình Lục (Hà Nam), tuyển thủ Tuyết Dung thường lăng xăng phụ cha mẹ trong quầy tạp hóa và quán vịt. Với chiếc áo đội tuyển, cô không nề hà làm mọi việc, từ lau dọn, rửa chén bát đến bưng bê. Xa nhà nhiều, Tuyết Dung chỉ muốn đỡ đần bố mẹ mỗi khi có dịp. Không chỉ phụ bán hàng, cô cũng phải ra đồng gặt lúa nếu về đúng mùa vụ.
Giúp đỡ bố mẹ cũng là mong muốn lớn nhất của Chương Thị Kiều. Ở nơi hẻo lánh nhất của tỉnh Kiên Giang, nhiều năm trước gia đình cô vẫn sống trong ngôi nhà lá. Cô rời nhà năm 11 tuổi để lên Sài Gòn với chỉ 30 ngàn trong túi, hành trang chỉ là niềm đam mê đá banh. Những lúc nghĩ cực quá, cô còn mếu máo đòi về kiếm nghề khác thu nhập tốt hơn để phụ ba má. “Chứ ở trên đó toàn phải ăn ké người ta không à”, cô nói với ba.
Sau nhiều năm chơi bóng, ba má vẫn than thở Kiều hà tiện với bản thân dữ lắm, có bao nhiêu tiền đều gửi về nhà. Bây giờ, thay cho mái nhà lá bên dòng kênh KH15 là ngôi nhà gạch kiên cố. Không chỉ vậy, người cha bao năm đi làm mướn còn tự hào khoe chiếc xe máy cũng là Kiều mua cho.
Vậy thu nhập của các tuyển thủ nữ có cao không? Dĩ nhiên là không. Tiền đạo Phạm Hải Yến, ngày mới rời nhà lên Hà Đông tập luyện, Yến chỉ nhận phụ cấp vài trăm ngàn. Bắt đầu chơi chuyên nghiệp, số tiền này được nâng lên hơn 2 triệu. Cho đến hiện tại, thu nhập của Yến theo cô chia sẻ, tổng lương ở CLB Hà Nội vào khoảng 10 triệu đồng. Số tiền này cao hơn những gì Tuyết Dung đang nhận ở Hà Nam, chỉ 6,5 triệu đồng.
Đội tuyển nữ Việt Nam được FIFA thưởng 17 tỷ đồng
Theo quy định của FIFA, các đội tuyển nữ tham dự vòng bảng World Cup 2023 sẽ nhận được số tiền thưởng 750.000 USD, tương đương 17 tỷ đồng. Càng vào sâu, mức thưởng sẽ càng tăng lên. Tổng giải thưởng ở World Cup 2023 sẽ là 60 triệu USD. Trước đó, VFF đã thưởng 5,5 tỷ đồng cho hành trình ở Ấn Độ của thầy trò HLV Mai Đức Chung. Thủ tướng Phạm Minh Chính thưởng cho đội tuyển nữ Việt Nam 4 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa.H.M
Đó là lý do trước đây, Yến vừa tập bóng vừa thêu tranh chữ thập. Cô luôn cố gắng tự xoay xở để không làm phiền bố mẹ. Bây giờ nếu không phải thời gian đi thi đấu, nếu có thời gian rảnh Yến lại hỗ trợ các chị dạy ở các trung tâm bóng đá cộng đồng. Như Yến nói, nhiều đồng đội khác cũng phải xoay xở nhiều cách để có thêm thu nhập. Bán hàng online là một lựa chọn. Tiền vệ Thái Thị Thảo bán từ đồng hồ đến giày thể thao, đội trưởng Huỳnh Như phát triển thương hiệu “Nàng 9 dừa sáp Trà Vinh” bán đặc sản quê hương trong khi người khác thì bán mỹ phẩm. Mà mỹ phẩm, bản thân họ đâu có dám dùng nhiều, chỉ khi ra sân thi đấu mới gọi là có chút trang điểm, làm đẹp. Phần vì đắt đỏ, phần vì tất cả đã quen dạn dày mưa nắng.
Phía sau niềm vui chiến thắng, ánh hào quang là những vất vả, khó khăn đời thường của các nữ cầu thủ Việt Nam
Với các nữ cầu thủ, nhọc nhằn mưu sinh là một phần của cuộc đời bóng đá. Cũng không chỉ ở Việt Nam, những cô gái trên thế giới cũng chung cảnh ngộ. Alexia Putellas, người vừa nhận giải thưởng FIFA The Best 2021, chỉ nhận được 6.000 USD mỗi tháng (khoảng 135 triệu VNĐ) tại CLB Barca. Trong khi đó, cầu thủ trẻ như Ronald Araujo ở đội nam Barca nhận được hơn 300.000 USD/tháng (6,7 tỷ VNĐ).
Tuy nhiên, các nữ cầu thủ không phiền muộn vì sự bất công trong thu nhập. Họ chỉ buồn vì bóng đá nữ nhận được ít sự quan tâm. “Con gái đá bóng vốn chịu nhiều thiệt thòi, trở nên xấu xí mà đồng lương chẳng bao nhiêu. Nhưng tủi nhất là nhìn những khán đài vắng lặng trong khi các đồng nghiệp nam được người hâm mộ tung hô, cổ vũ đông đảo. Nhiều lần tôi buồn đến phát khóc”, Tuyết Dung chia sẻ trong một lần phỏng vấn.
Họ vẫn tiếp tục theo đuổi bởi đã trót đam mê, phải sống trọn với đam mê, đồng thời tự an ủi rằng thu nhập trong bóng đá dù sao vẫn tốt hơn các môn thể thao khác, hoặc nhiều bạn bè còn vất vả mưu sinh hơn. Nữ cầu thủ Hải Yến quan niệm, “chỉ cần không ngừng cố gắng, có thành tích sẽ nhận được những gì xứng đáng”.
Nguồn TPO