Trọng tài Trần Thị Trà My cầm còi chính ở nhiều trận đấu.
Bất chấp ngày nắng chói chang hay mưa tầm tã, các nữ trọng tài luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Những “bóng hồng áo đen” chẳng cần trang điểm hay mang giày cao gót nhưng họ lại toả sáng bằng nét đẹp mạnh mẽ, nghiêm minh và cũng không kém phần duyên dáng.
Ở Việt Nam, trọng tài nữ không hiếm, thậm chí nhiều người từng tham gia các giải chuyên nghiệp dành cho nam. Trong những năm gần đây, số lượng trọng tài nữ trong nước có chiều hướng gia tăng.
Hầu hết họ là giáo viên dạy thể dục ở các trường học, tranh thủ khoảng thời gian nghỉ hè để tích luỹ kinh nghiệm, đồng thời kiếm thêm thu nhập. Thông qua những giải đấu trẻ, các trọng tài nữ dần tự tin, bản lĩnh hơn, nhằm chuẩn bị lực lượng cho các sân chơi lớn hơn.
Có những trận đấu được điều hành bởi cả 4 trọng tài nữ
Một tín hiệu đáng mừng cho những cô gái yêu thích nghề này là Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đang ra sức tạo điều kiện để họ phát triển, nâng cao trình độ bằng cách cử tham gia nhiều giải, nhất là trong giai đoạn thiếu hụt trọng tài.
Điển hình như ở vòng loại Giải thiếu niên toàn quốc 2023, bảng Tây Ninh có tổng cộng gần 20 trọng tài, trong đó gồm 6 trọng tài nữ. Có những trận đấu mà cả tổ trọng tài đều là nữ và cũng có khi các trọng tài nữ điều hành tới 2 trận trong cùng một ngày.
Khoảng 1/3 số lượng trọng tài tham gia vòng loại Giải bóng đá thiếu niên toàn quốc 2023 là nữ.
Dù nữ giới có phần thiệt thòi hơn nam giới khi làm nghề này, nhưng những “bông hồng thép” trên sân cỏ đều quan niệm rằng đã chọn theo đuổi đam mê thì khó khăn, vất vả chỉ là thử thách.
Để được phân công làm nhiệm vụ, các trọng tài nữ phải vượt qua nhiều bài sát hạch khắt khe và không phải ai cũng đủ điều kiện tham dự giải. Ngoài những áp lực về chuyên môn, trọng tài nữ còn phải đối mặt với những lời trêu chọc và cả yếu tố thời tiết, thể lực. Vì vậy, họ phải luôn bỏ ngoài tai những lời bàn tán, giữ cho mình thái độ điềm tĩnh, tập trung vào công việc.
Anh Thư