1. Báo SGGP, đơn vị tổ chức Giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam, vừa công bố tốp 5 cho cuộc bầu chọn năm 2022 và có khá nhiều điều thú vị, thậm chí là chưa từng xảy ra trong lịch sử giải thưởng.
Trong 5 cái tên có phiếu bầu chọn cao nhất ở bóng đá nam, xuất hiện đến 3 Quả bóng vàng của 3 kỳ trao giải gần nhất là Đỗ Hùng Dũng (2019), Nguyễn Văn Quyết (2020) và Nguyễn Hoàng Đức (2021). Trong khi đó, tốp 5 ở nữ có Huỳnh Như và Nguyễn Thị Tuyết Dung, những người đã đăng quang trong 4 kỳ gần nhất.
Trước năm 2018, ở bóng đá nam, các cái tên được lựa chọn gần như thay đổi theo từng năm. Biến động đến mức không thể nhìn thấy một sự nối tiếp nào. Dù điều này cho thấy một sự cạnh tranh cao, nhưng ở góc độ khác, nó cũng thể hiện sự thiếu ổn định của phong độ các cầu thủ hay rộng hơn, là chất lượng thi đấu của các CLB cũng như đội tuyển quốc gia. Nó tạo ra những “cầu thủ một mùa” hay “đội bóng một mùa”.
Thế nên mới có trường hợp như Phạm Thành Lương, chỉ trong vòng 7 năm có đến 4 lần đoạt danh hiệu Quả bóng vàng khi không ai giữ được sự ổn định như anh dù Lương “dị” cũng không quá xuất sắc. Thậm chí có đến 2 lần Phạm Thành Lương đoạt danh hiệu Quả bóng vàng với tư cách là cầu thủ đang khoác áo đội bóng có đẳng cấp hạng nhất.
Nhưng từ 2018 đến nay, 4 kỳ giải là 4 gương mặt khác nhau và cả 4 đều là những tuyển thủ quốc gia vừa chơi bóng ở AFF Cup 2022. Nếu tính rộng hơn, toàn bộ các cầu thủ nằm trong tốp 3 suốt 4 năm qua, cộng với tốp 5 vừa công bố đều đang là trụ cột của đội tuyển Việt Nam, với tổng cộng 11 cái tên khác nhau, tức là chiếm một nửa danh sách ưa thích của HLV Park Hang-seo.
Trong số này, trường hợp Đặng Văn Lâm “mới mà không mới” vì thực tế anh luôn là lựa chọn số 1 trong khung thành đội tuyển quốc gia. Nhưng vì chơi ở vị trí thủ môn, lại chủ yếu chơi bóng ở nước ngoài nên Văn Lâm không được “ưu ái”. Chỉ cần về Việt Nam thi đấu một thời gian, người giữ khung thành mang 2 dòng máu Việt - Nga ngay lập tức xuất hiện trong danh sách bầu chọn.
Đội tuyển Việt Nam và hành trình đầy hãnh diện trong năm 2022. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
2. Sir Alex Ferguson để đời với phát biểu: “Phong độ là nhất thời, đẳng cấp là mãi mãi”. Dù có những thời điểm thi đấu không thành công, thiếu thành tích, nhưng không có một nền bóng đá lớn nào trên thế giới lại thiếu đi dòng chảy tài năng trong sự phát triển của mình. Nói đâu xa, bóng đá Thái Lan là điển hình gần gũi nhất về khả năng duy trì sự tiếp nối của các thế hệ.
Họ có một vài thời điểm kém hơn Việt Nam về thành tích, cũng gặp khủng hoảng về tài năng, nhưng cứ nhìn cách họ vô địch 2 kỳ AFF Cup liên tiếp, nhất là những màn trình diễn trước Việt Nam, chúng ta cũng thấy họ luôn giữ được đẳng cấp và tính ổn định về con người. Điều này khác hẳn với Indonesia hay Malaysia, cũng như chính Việt Nam ở giai đoạn trước đây, luôn đánh mất nhịp điệu phát triển, luôn ở trong trạng thái “xóa đi, làm lại”.
Nhưng nhìn từ danh sách vừa được công bố của Quả bóng vàng Việt Nam 2022, mọi thứ đều giữ được sự ổn định khá vững vàng. Không chỉ ở giải nam, câu chuyện ở hạng mục dành cho nữ thú vị không kém. Huỳnh Như hiện đang chơi bóng ở nước ngoài nhưng xem ra, cô lại là ứng viên sáng giá nhất để thiết lập kỷ lục lần thứ 5 đăng quang.
Đơn giản vì cô gái vàng của chúng ta đang thành công tại châu Âu, xứng đáng với đẳng cấp của một tuyển thủ sẽ chơi bóng tại World Cup, là một bản hợp đồng “đáng giá đến từng xu” của Lank FC. Điều này chứng tỏ, bóng đá Việt Nam đã ở một chương mới của lịch sử, khi chúng ta đã xây dựng được nền móng bền vững, đủ để nâng đỡ cho những tham vọng chinh phục châu lục, hay thậm chí ở các phương trời lớn hơn.
3. Gần 30 năm trước, Giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam được Báo SGGP khởi xướng cũng từ một sự mộng mơ của những người làm báo. Thời điểm đó, bóng đá Việt Nam không có gì cả, ngoài… giấc mơ. Năm 1995, bóng đá nữ, futsal hay thậm chí là những giải đấu tuổi U dành cho các cầu thủ trẻ còn chưa có.
Đội tuyển Việt Nam cũng chỉ mới lần đầu tiên vào chung kết SEA Games sau 20 năm kể từ ngày thống nhất đất nước. Ngay trong trận chung kết đó, chúng ta thua Thái Lan đến 0-4, một khoảng cách vời vợi về trình độ chơi bóng, nói gì đến khái niệm xa xỉ: đẳng cấp.
Nhưng hãy nhớ, trong năm 2020, Việt Nam trở thành đội bóng Đông Nam Á đầu tiên có trận thắng ở vòng loại cuối cùng World Cup. Có tuyển thủ nữ đầu tiên ghi bàn ở giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu và đội tuyển nữ giành vé dự World Cup. Những mộng mơ ngày nào của Quả bóng vàng Việt Nam giờ thành hiện thực. Còn hơn thế, với dòng chảy tài năng chưa hề ngừng lại, đúng như Gabriel Tan đã viết: “Có một gã khổng lồ đã được đánh thức”…
Giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam năm 2022 do Báo SGGP tổ chức tiếp tục nhận được sự đồng hành, hỗ trợ về mặt chuyên môn của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF); nhận được sự tài trợ chính của Công ty TNHH Thái Sơn Nam, cùng các nhà đồng tài trợ: Tập đoàn Hưng Thịnh, Vingroup, Sun Group, FE Credit, Công ty TNHH Nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam, Vietnam Airlines, Khách sạn Rex Sài Gòn, Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền, Trường Đại học Quản lý và Công nghệ TPHCM (UMT), SEA Holdings, Trường Đại học Văn Hiến, Công ty Nutifood, Công ty Thép thông minh toàn cầu (GB Steel), ICO, Tập đoàn Tân Hiệp Phát, RTD Rehab...
Nguồn SGGPO