Đối với các trường hợp chống người thi hành công vụ, tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi và hậu quả do hành vi đó gây ra mà người vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị xử lý trách nhiệm hình sự.
Nếu bị xử lý vi phạm hành chính sẽ áp dụng Khoản 2, Khoản 3 Điều 20 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12.11.2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, cụ thể như sau:
Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ; có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ; xúi giục, lôi kéo hoặc kích động người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.
Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ; gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của người thi hành công vụ; đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác cho người thi hành công vụ để trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính.
Bên cạnh đó, còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu số tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác đối với hành vi đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác cho người thi hành công vụ để trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính.
Trong trường hợp bị xử lý hình sự, Điều 330 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định người phạm tội chống người thi hành công vụ thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù, mức thấp nhất là 6 tháng, cao nhất đến 7 năm.
Anh Tuyết