Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) - UBND tỉnh vừa ban hành văn bản về việc tổng rà soát, giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm và nâng cao hiệu quả công tác xử lý vi phạm pháp luật về môi trường.


Lực lượng Công an phát hiện một nhà máy chế biến tinh bột khoai mì đặt ống xả lén nước thải chưa qua xử lý ra môi trường vào năm 2024
Những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm môi trường trên cả nước nói chung, tỉnh Tây Ninh nói riêng đã trở thành một trong những vấn đề đáng lo ngại, đặc biệt là trong bối cảnh đô thị hoá, công nghiệp hoá và sự gia tăng dân số. Mặc dù Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm, thường xuyên có nhiều văn bản chỉ đạo trên lĩnh vực môi trường, tuy nhiên công tác nắm tình hình và giám sát việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường có lúc, có nơi còn chưa hiệu quả; sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đôi lúc chưa chặt chẽ, thiếu quyết liệt.
Các biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường chưa được triển khai một cách đồng bộ, toàn diện và triệt để dẫn đến công tác cải thiện môi trường thiếu tính bền vững và chiều sâu. Nếu để thực trạng trên kéo dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của người dân, tiềm ẩn nguy cơ suy thoái giống nòi, gây ra những tổn thất về kinh tế, làm giảm chất lượng sống và đe doạ đến an ninh, trật tự trên địa bàn.
Để giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm và nâng cao hiệu quả công tác xử lý vi phạm pháp luật về môi trường, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội; các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện nghiêm túc các nội dung.
Trong đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các nguồn gây ô nhiễm môi trường (nước thải, khí thải, chất thải rắn, tiếng ồn…) trong hoạt động xả thải, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm đối với các dự án, cơ sở hoạt động không đúng quy hoạch, không có hồ sơ môi trường, vi phạm pháp luật gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường trong hoạt động thẩm định, cấp phép, tư vấn, kiểm tra, giám sát, quan trắc, vận hành, phân bổ nguồn lực… Phát hiện, ngăn ngừa hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong các hoạt động trên để kịp thời phối hợp điều tra, xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức pháp luật về công tác bảo vệ môi trường, trong đó nhấn mạnh các tác động tiêu cực của ô nhiễm môi trường đến sức khoẻ và chất lượng cuộc sống; công khai các điểm ô nhiễm để người dân giám sát và cùng tham gia cải thiện môi trường, từ đó tạo ra sự đồng thuận trong xã hội và nâng cao ý thức, thúc đẩy hành động bảo vệ môi trường từ cấp độ cá nhân đến tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng.
Phối hợp Công an tỉnh thực hiện tổng rà soát, lên danh sách các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; các tổ chức, cá nhân có chức năng, nhiệm vụ về thẩm định, cấp phép, tư vấn, quan trắc, vận hành, quản lý, phân bổ nguồn lực... về bảo vệ môi trường có dấu hiệu, hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến bảo vệ môi trường; các tổ chức, cá nhân hoạt động tiếp nhận, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải hoặc thực hiện các dịch vụ khác về bảo vệ môi trường có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Căn cứ phân công, phân cấp chủ động quản lý, có giải pháp phòng ngừa, xử lý khắc phục theo quy định.
Trong quá trình thanh tra, kiểm tra phát hiện các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu phạm tội về môi trường phải kịp thời trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh (Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường) để tiến hành điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
UBND tỉnh đề nghị Công an tỉnh chủ trì, áp dụng đồng bộ các biện pháp công tác Công an, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức tổng rà soát, đánh giá, phân loại, lập danh sách các cơ sở gây ô nhiễm, khu vực, địa điểm ô nhiễm môi trường; hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật gây ô nhiễm môi trường và các hành vi có liên quan trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở kết quả rà soát, tiến hành tổ chức tổng kiểm tra, điều tra, xử lý các hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật (nếu có) theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền và quy định của pháp luật. Đồng thời, mở rộng hoạt động điều tra, xác minh làm rõ các hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật khác trong quản lý, thẩm định, cấp phép đầu tư, xây dựng, khai thác, sử dụng đất đai, tài nguyên, thuế, hóa đơn... nhằm xử lý triệt để, tận gốc các nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Công an tỉnh chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương, nhất là ngành Nông nghiệp và Môi trường, ngành Xây dựng trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở, khu vực, địa điểm có nguy cơ ô nhiễm môi trường; trao đổi thông tin, tài liệu về vụ việc có dấu hiệu tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường; thực hiện cưỡng chế, đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở vi phạm theo quy định.
Sở Công thương phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan thẩm định, đánh giá tác động môi trường đối với các dự án công nghiệp, thương mại, năng lượng trước khi đi vào hoạt động; quản lý, kiểm soát, kiểm tra, giám sát tình trạng môi trường từ các hoạt động sản xuất có nguy cơ ô nhiễm cao như sản xuất tinh bột mì, chăn nuôi, tái chế rác thải, hóa chất, nhựa, cao su, dệt nhuộm, chế biến nông sản, thực phẩm…
Tổ chức các đợt tuyên truyền, phổ biến kiến thức, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực công thương cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nhằm hướng đến việc áp dụng công nghệ sản xuất sạch, sử dụng năng lượng tái tạo, đầu tư công nghệ xử lý ô nhiễm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh góp phần tiết kiệm năng lượng, giảm khí thải nhà kính, phát triển kinh tế, sản xuất bền vững.
UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng của từng ngành để phối hợp xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường tuỳ theo lĩnh vực quản lý, từng địa phương.
Tấn Hưng