Số lượng bia mang nhãn hiệu Tiger và Angkor không có hóa đơn chứng từ bị lực lượng QLTT tạm giữ.
Trong thị trường nội địa, vẫn còn hộ kinh doanh bán thuốc lá điếu nhập lậu nhưng nhỏ lẻ, lén lút, cất giấu phân tán nhiều nơi nhằm tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng.
Trong tháng 3.2022, Cục Quản lý thị trường tỉnh Tây Ninh tiếp tục chỉ đạo các Đội QLTT kiểm tra, giám sát hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và hậu kiểm về an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh, các chợ, trung tâm thương mại, các điểm sản xuất, kinh doanh để kịp thời xử lý khi phát hiện vi phạm, góp phần tích cực trong tuyên truyền pháp luật, răn đe và phòng ngừa vi phạm. Đến nay, tiểu thương kinh doanh tại các chợ, trung tâm thương mại đã có ý thức chấp hành pháp luật, không còn bày bán công khai mà cất giấu kín đáo; phân tán hàng hoá vi phạm ở nhiều nơi và tổ chức vận chuyển nhỏ lẻ đến các đối tượng kinh doanh nhằm trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng.
Hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi khác nhau; trà trộn hàng giả, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ để bán cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, do công chức Quản lý thị trường chưa được đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại điện tử nên hoạt động kiểm tra, kiểm soát có phần hạn chế, kết quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trên các nền tảng mạng xã hội chưa cao.
Qua kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã có ý thức cao về an toàn thực phẩm, nhiều sản phẩm uy tín đáp ứng được nhu cầu về chất lượng được người tiêu dùng tin tưởng. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nhỏ, lẻ tự phát chưa bảo đảm an toàn thực phẩm, nhãn hàng hoá không đúng quy định, sử dụng nguyên liệu để sản xuất không rõ nguồn gốc, xuất xứ, kém chất lượng, khu vực bảo quản, chứa đựng thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm vẫn còn tiếp tục diễn ra, số lượng ít.
Bên cạnh đó, lực lượng QLTT trong tỉnh còn tiến hành kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật, chống gian lận về đo lường, chất lượng, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng hoá nhập lậu, hàng cấm, không rõ nguồn gốc, hàng giả các thương hiệu nổi tiếng. Tập trung đối với một số mặt hàng: rượu, đường cát, thuốc lá, phân bón, thuốc BVTV, xăng dầu, LPG, pháo, thuốc lá điếu nhập lậu, thực phẩm, đồng hồ, quần áo, ba lô, túi xách, ví... và các mặt hàng thiết yếu. Trong tháng 3.2022, trong tất cả các lĩnh vực, lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra phát hiện tổng số 19 vụ vi phạm (so với tháng 2.2022 tăng 9 vụ).
Ông Châu Thanh Long- Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết, thời gian tới, lực lượng Quản lý thị trường tiếp tục tham gia phối hợp tốt với các ngành chức năng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng và vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm. Thực hiện công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật đến các công chức Quản lý thị trường và giải đáp các vướng mắc khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường.
Khoảng 10 giờ, ngày 22.3, tại ấp Thành Tây, xã Thành Long, huyện Châu Thành, Đội Quản lý thị trường số 2 Cục Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra phương tiện xe ô tô tải biển số 65C-129.62 do tài xế Nguyễn Tuấn Tài (SN 1994, ngụ tại xã Biên Giới, huyện Châu Thành) điều khiển.
Qua kiểm tra phát hiện trên xe vận chuyển 300 thùng bia (loại 24 lon/thùng) do nước ngoài sản xuất các loại hiệu Tiger và Angkor không có hoá đơn chứng từ. Tại thời điểm kiểm tra, ông Tài thừa nhận mình là chủ số hàng hoá và toàn bộ hành vi vi phạm. Hiện Đội QLTT số 2 tạm giữ phương tiện và tang vật vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.
T.P