Trong giờ nghỉ, cán bộ, chiến sĩ Đại đội 105, Ban CHQS huyện Tân Biên lại cùng đọc cuốn “Sổ tay chiến sĩ” và trao đổi những điều còn chưa nắm chắc.
Qua đó, bồi dưỡng phẩm chất cách mạng, nâng cao trình độ, năng lực và ý thức chấp hành kỷ luật, đồng thời bảo đảm tốt hơn đời sống văn hóa tinh thần cho bộ đội, góp phần hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Tại Đại đội 105, Ban CHQS huyện Tân Biên, ngay sau khi tiếng còi nghỉ giải lao vang lên, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị tiến hành giá súng và đọc sách, thấy ai cũng đọc một cuốn sách bìa màu đỏ giống nhau.
Tìm hiểu chúng tôi được biết đây là cuốn “Sổ tay cẩm nang quân nhân” gồm lịch sử và truyền thống về Đảng, đoàn, đất nước, quân đội; một số nội dung cơ bản của Hiến pháp, pháp luật và các văn bản luật; Luật Nghĩa vụ quân sự … các phong trào thi đua, các cuộc vận động lớn trong quân đội; một số vấn đề nhận thức chung như: Chức năng nhiệm vụ của quân đội, chế độ phép, chế độ trợ cấp khó khăn …
Thượng úy Nguyễn Duy Khánh- Chính trị viên Đại đội 105 giải thích: “Cuốn “Sổ tay chiến sĩ” do Tổng cục Chính trị biên soạn và phát hành. Đây được xem “bảo bối” cung cấp cho cán bộ, chiến sĩ chúng tôi những thông tin, kiến thức rất hữu ích, gần gũi, thiết thực, nên mọi người rất thích đọc. Trước đây khi chưa có cuốn sách này, việc tra cứu thông tin khiến chúng tôi mất rất nhiều thời gian và công sức”.
Trung sĩ Trần Công Việt- Tiểu đội trưởng Tiểu đội 1, Trung đội 1, Đại đội 105 chia sẻ: “Đọc “Sổ tay chiến sĩ” rất bổ ích, mình biết thêm được nhiều điều về lịch sử, về quan điểm, đường lối của Đảng, Quân đội một cách cụ thể, dễ hiều, dễ nhớ.
Qua đọc sổ tay chiến sĩ mà tôi biết rõ hơn quan điểm của Đảng về đối tượng của cách mạng Việt Nam trong tình hình mới là những thế lực có âm mưu, hành động chống phá mục tiêu của cách mạng nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Bất ngờ khi nhận thấy một số chiến sĩ trẻ mới nhập ngũ chưa lâu đã nắm chắc quan điểm của Đảng về đối tượng của cách mạng Việt Nam. Trung sĩ Việt tự tin cho biết, tất cả chiến sĩ trong trung đội đều nắm chắc quan điểm này nhờ có sổ tay chiến sĩ.
Được biết, trên địa bàn đóng quân của đơn vị là vùng biên giới của huyện Tân Biên, nơi có đông giáo dân và dân tộc thiểu số, người dân Campuchia sang buôn bán, khám chữa bệnh, thăm thân … Mỗi khi cán bộ, chiến sĩ ra ngoài đơn vị thực hiện nhiệm vụ dân vận là chỉ huy các cấp rất lo, bởi số cán bộ trẻ, chiến sĩ mới chưa có hiểu biết và nắm chắc các phong tục tập quán, ngôn ngữ người dân địa phương, người dân Campuchia nên rất khó tiếp cận.
Thế nhưng từ khi có “Sổ tay chiến sĩ” những lo lắng trước đây đã giảm. Nhờ những kiến thức học được từ “Sổ tay chiến sĩ” cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị có thêm kinh nghiệm tiếp xúc, gần gũi, hòa đồng với nhân dân địa phương để tuyên truyền, vận động họ chấp hành nghiêm những quy định của pháp luật, cùng đơn vị bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn.
Cuốn “Sổ tay chiến sĩ” rất bổ ích, nó không chỉ cung cấp những kiến thức cơ bản về xã hội, pháp luật, kỷ luật, mà còn giải đáp những thắc mắc về chế độ, chính sách cho cán bộ, chiến sĩ trong toàn đơn vị. Với cán bộ, chiến sĩ trong LLVT tỉnh Tây Ninh, đây là cuốn sách “gối đầu giường” không thể thiếu được của mỗi người.
Huy Thường