Ông Trần Quốc Bảo – Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phát biểu tại hội thảo.
Dự hội thảo có ông Trần Quốc Bảo- Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; bà Kim Thị Minh- Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh; đại diện Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội LHPN cấp huyện và công chức Văn hoá – Xã hội các xã, phường, thị trấn.
Với vị trí địa lý thuận lợi, tỉnh ta là một trong những địa điểm trung chuyển nạn nhân của tội phạm mua bán người. Lợi dụng tình hình các casino, công ty game online phía ngoại biên thiếu nguồn lao động, các đường dây tội phạm nhất là mua bán người, tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài hoạt động có chiều hướng gia tăng với thủ đoạn lừa gạt “việc nhẹ lương cao”, đã lôi kéo nhiều người Việt Nam có nhu cầu qua Campuchia lao động trái phép hoặc dụ dỗ, tổ chức đưa dẫn người xuất cảnh trái phép qua đường mòn, đường tắt trên biên giới để làm việc trong các casino, công ty game online. Đây là nhóm người có nguy cơ cao trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người.
Xác định công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật và các thủ đoạn của tội phạm mua bán người là cốt lõi, các đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức thiết thực, phù hợp với mọi lứa tuổi. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan như: Tư pháp, Công an, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tổ chức 6 lớp tập huấn triển khai các văn bản quy phạm pháp luật; kỹ năng tiếp cận, giao tiếp và truyền thông thay đổi hành vi trong công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân cho hơn 220 lượt người; tuyên truyền cho 2.000 hội viên phụ nữ tại các xã biên giới và xã có nạn nhân có nguy cơ bị mua bán.
Đại diện Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài phát biểu tại hội thảo.
Về công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm mua bán người qua biên giới trên địa bàn tỉnh, theo thống kê của ngành chức năng, trong năm 2022, Công an mời 34 đối tượng ở khu vực gần biên giới có nghi vấn liên quan việc đưa người qua lại biên giới trái phép; vận động 350 hộ sống khu vực biên giới về chấp hành các quy định pháp luật, đồng thời chủ động phòng ngừa và cảnh giác với tội phạm đưa người sang biên giới trái phép; tiếp nhận 44 trường hợp cầu cứu và báo tin bị mua bán, phối hợp Bộ Công an, Sở Ngoại vụ giải cứu 15 trường hợp, có 4 trường hợp gia đình cùng nạn nhân tự giải cứu, 16 trường hợp nạn nhân và gia đình trả tiền tự trở về. Trong năm 2022, khởi tố 1 vụ với 3 đối tượng.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về thực trạng công tác đấu tranh, triệt phá và xác định nạn nhân bị mua bán; dự báo xu hướng hoạt động của tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh và các giải pháp phòng ngừa tội phạm; công tác phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an, Ngoại vụ trong việc tiếp nhận, hỗ trợ và chuyển tuyến nạn nhân bị mua bán, những thuận lợi, khó khăn và đề xuất kiến nghị; hoạt động tuyên truyền về phòng chống mua bán người trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Phương Thảo