Trợ giúp viên pháp lý tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại tại một phiên tòa (ảnh chụp trước ngày 1.7.2021)
Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Lê Minh Hiền đánh giá, hoạt động trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh ngày càng đổi mới theo hướng tập trung vào các vụ việc, nhất là tham gia tố tụng. Từ các vụ việc như hình sự, dân sự… khi có yêu cầu được TGPL, Trung tâm luôn đáp ứng tốt các hình thức trợ giúp như tư vấn, bào chữa, bảo vệ trong quá trình tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng.
“Hoạt động TGPL cho người được TGPL rất quan trọng. Vì đây là nhóm đối tượng được xem là yếu thế nên rất cần được hưởng chính sách cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ khi bị xâm hại”, Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh cho biết.
Đội ngũ trợ giúp viên pháp lý khi được Trung tâm phân công thực hiện TGPL luôn tận tâm, nhiệt huyết, trách nhiệm với công việc. Một trợ giúp viên pháp lý chia sẻ, đối với vụ việc dân sự, trong giai đoạn khởi kiện và thụ lý vụ án, người thực hiện TGPL cần quan tâm kiểm tra, đối chiếu những dữ liệu, tài liệu mà đương sự cung cấp, nghiên cứu và chuẩn bị các giấy tờ, hồ sơ cần thiết để tư vấn cho đương sự cách giải quyết phù hợp nhất với quy định của pháp luật. Ở giai đoạn hoà giải, trợ giúp viên pháp lý nắm chắc nội dung vụ án, phân tích cho đương sự những thuận lợi, khó khăn, lợi ích nếu hoà giải thành. Khi tham gia phiên toà, trợ giúp viên pháp lý trình bày, phát biểu quan điểm, lập luận về đánh giá chứng cứ và pháp luật áp dụng để giúp đương sự bảo vệ yêu cầu, quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc bác bỏ yêu cầu của người khác…
Bên cạnh đó, trợ giúp viên pháp lý trong tham gia tố tụng hình sự không chỉ giúp đỡ người được TGPL về mặt pháp lý mà còn động viên tinh thần giúp họ vượt qua khủng hoảng tâm lý. Đơn cử, đối với những vụ án hình sự liên quan đến xâm hại tình dục, trợ giúp viên pháp lý phải nắm bắt được tâm lý của người bị hại, phải đặt mình vào trường hợp của họ, đồng cảm, xoa dịu cảm xúc, từ đó hướng dẫn những quy định của pháp luật để họ phối hợp một cách hiệu quả hơn.
Hay với trách nhiệm bào chữa cho người bị buộc tội là người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo trong vụ án hình sự, trong quá trình điều tra, trợ giúp viên pháp lý cố gắng giải thích cho người bị buộc tội về những quyền được pháp luật bảo đảm, chuẩn bị tâm lý cho họ được bình tĩnh, sáng suốt trong quá trình khai báo, giúp họ có những lời khai chính xác, trung thực. Tại phiên toà, trợ giúp viên pháp lý sẽ sử dụng mọi biện pháp để làm sáng tỏ những tình tiết liên quan đến sự thật của vụ án, nhằm chứng minh về sự vô tội hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo, từ đó làm cơ sở để đưa ra luận chứng bảo vệ cho bị cáo.
Nhiều vụ việc TGPL đã góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân, góp phần hạn chế thấp nhất các trường hợp oan sai, nâng cao chất lượng giải quyết vụ án của các cơ quan tiến hành tố tụng, có nhiều trường hợp được giảm án nhờ có TGPL… Đơn cử, trường hợp N.H.Y (ngụ xã Tân Bình, huyện Tân Biên) thuộc diện được TGPL, bị Viện KSND huyện Tân Biên truy tố về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.
Trước đó, N.H.Y điều khiển xe mô tô lưu thông trên quốc lộ 22B theo hướng từ cửa khẩu Xa Mát về xã Tân Bình. Khi đi đến đoạn đường thuộc ấp Tân Hoà, xã Tân Lập, N.H.Y không chú ý quan sát nên đụng vào chị N.T.B.C đi bộ bên lề phải cùng chiều phía trước, hậu quả làm chị C tử vong. Với tư cách là người bào chữa cho bị cáo, trợ giúp viên pháp lý đã đưa ra nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho Y, qua đó HĐXX đã cân nhắc, xem xét, quyết định cho bị cáo hưởng mức phạt thấp nhất là 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời hạn thử thách 4 năm. “Tôi rất biết ơn vì sự giúp đỡ của Trung tâm, nhờ vậy mà tôi nhận được sự khoan hồng của pháp luật”- Y chia sẻ.
Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp chặt chẽ với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc tổ chức thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng. Khi phát hiện có đối tượng thuộc diện được TGPL, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã thông báo để Trung tâm cử người thực hiện TGPL tham gia bào chữa hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL.
Năm 2021, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, hạn chế tập trung đông người, nên hoạt động truyền thông về công tác TGPL, tư vấn pháp luật gặp không ít khó khăn. Trung tâm tổ chức tư vấn pháp luật đối với những vụ việc mang tính chất đơn giản tại trụ sở cho 115 lượt người dân. Khi tiếp xúc với người có yêu cầu, trợ giúp viên pháp lý luôn hướng dẫn nhiệt tình, giải thích cặn kẽ và đưa ra phương án tối ưu, bảo đảm quy định pháp luật giúp người dân có cơ sở giải quyết vụ việc.
Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Lê Minh Hiền cho biết, để khẳng định là điểm tựa pháp lý cho người yếu thế trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, đơn vị sẽ tập trung thực hiện vụ việc TGPL, trong đó chú trọng vụ việc tham gia tố tụng; thực hiện truyền thông công tác TGPL kết hợp tư vấn pháp luật tại các địa phương phù hợp với tình hình phòng, chống dịch bệnh Covid-19; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc khắc phục khó khăn của dịch bệnh Covid-19 đối với hoạt động TGPL trong tố tụng; đẩy mạnh hoạt động triển khai thực hiện luật và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
Box: Tính từ ngày 1.1.2021 - 31.10.2021, Trung tâm thực hiện 327 vụ việc (trong đó, kỳ trước chuyển qua 125 vụ, thụ lý mới trong kỳ 202 vụ). Số lượt người được trợ giúp pháp lý 153 trường hợp, giảm 4,97% so với cùng kỳ.
Thiên Di