Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ tại đây, cảm ơn !

Nhiều người dân “kêu cứu” vì lỡ vay tiền với lãi suất cao - Báo Tây Ninh Online

Thứ tư - 07/06/2023 07:31
Nhiều người dân “kêu cứu” cần làm rõ hoạt động cho vay tiền của bà D và ông M (ảnh cắt từ video clip) Khi người vay tiền không còn khả năng đóng lãi, bà...

Nhiều người dân “kêu cứu” cần làm rõ hoạt động cho vay tiền của bà D và ông M (ảnh cắt từ video clip)

Khi người vay tiền không còn khả năng đóng lãi, bà D và ông M thuê người tên H gọi điện, nhắn tin chửi bới, gửi hình ảnh các cây mã tấu để thị uy, đe doạ đâm chém cả nhà người vay tiền.

Thậm chí, tên H còn đến tận nhà người vay tiền để gây áp lực, trấn áp tinh thần để đòi nợ thay bà D và ông M. Quá áp lực trước những hành vi của bên đòi nợ, một số người đành bỏ trốn, chỉ dám lén lút về thăm gia đình.

Trao đổi với phóng viên, bà P không khỏi rơi nước mắt kể, bà làm công nhân tại một công ty trên địa bàn xã Thanh Điền, huyện Châu Thành. Cách nay khoảng 7 năm, bà P có vay của bà D số tiền 15 triệu đồng, lãi suất 1,5 triệu đồng/tháng, tức 120%/năm. Bà D giữ thẻ ATM và sổ BHXH của bà P xem như tài sản thế chấp. Mỗi tháng, đến ngày có lương, bà D dùng thẻ ATM của bà P rút tiền trong thẻ để lấy lãi cho vay, số tiền còn lại đưa cho bà P.

Thời điểm đó, lương của bà P được 5 triệu đồng/tháng, sau khi bị bà D rút thẻ ATM trừ vào khoản lãi cho vay, số tiền còn lại không đủ để bà P trang trải cuộc sống gia đình. Bà D tiếp tục gợi ý cho bà P vay thêm tiền, tất nhiên lãi suất cũng được tính theo cách như trên. Khi số tiền vay lên đến 30 triệu đồng, dịch Covid-19 ập đến, công ty không có hàng để làm nên nguồn thu nhập của bà P cũng bị ảnh hưởng, bà P không còn khả năng đóng lãi đều đặn.

“Từ đó, lãi chồng lãi, bà D chủ động quy số tiền gốc mà tôi đã vay và lãi tồn vào một đường dây hụi, với lý do để cho tôi có điều kiện hốt hụi trả nợ. Hằng tháng, tôi vừa đóng hụi, vừa đóng lãi trên tổng số tiền vay và lãi tồn cộng dồn. Nếu tháng nào tôi không có tiền đóng hụi thì bà D theo đó tính lãi phát sinh.

Sau một khoảng thời gian đóng hụi, tôi nghi ngờ đây chỉ là hụi ma do bà D vẽ ra nhằm tránh né pháp luật. Mặc dù bà D có chủ động kêu hụi cho tôi và tự cắt tiền cò nhưng trên thực tế tôi không hề giữ được đồng nào (bà D nêu lý do phải cấn trừ nợ), tôi cũng chưa từng thấy mặt các hụi viên. Cứ thế, tôi chưa rõ bà D tính toán kiểu gì mà đến nay buộc tôi phải trả số tiền hơn 400 triệu đồng”- bà P trình bày.

Bà P không còn khả năng trả nợ vay, đóng lãi, đóng tiền hụi cho bà D. Trước áp lực bị nhắn tin, gọi điện thoại chửi bới, đe doạ, đăng hình ảnh kèm theo các nội dung bôi nhọ danh dự của P trên mạng xã hội, bà P bỏ trốn khỏi nhà. Qua trao đổi với phóng viên, bà P mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, làm rõ hoạt động cho vay tiền kiểu như trên của bà D, để bà an tâm quay về làm việc nuôi con nhỏ.

Hình ảnh “hàng nóng” mà ông H nhắn gửi đến một số người dân đã vay tiền của bà D và ông M nhằm gây áp lực (ảnh do người dân cung cấp)

Năm 2019, ông T cũng vay của bà D số tiền 15 triệu đồng, lãi suất 1,5 triệu đồng/tháng. Bà D giữ sổ BHXH, thẻ ATM, CCCD của ông T. Sau đó, bà D cho ông T vay thêm 15 triệu đồng, nâng tổng số tiền mà ông T đã vay của bà D lên 30 triệu đồng, lãi suất 3 triệu đồng/tháng. Năm 2021, tại thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh, ông T không có khả năng đóng lãi, bà D cũng quy ra tiền hụi và buộc ông T hằng tháng phải đóng tiền lãi, tiền hụi tương tự như trường hợp của bà P.

“Tôi không biết bà D tính toán như thế nào mà đến nay buộc tôi phải trả tổng cộng số tiền 400 triệu đồng, mặc dù sau đại dịch tôi vẫn đóng tiền lãi và hụi đều đặn cho bà D mỗi tháng 6 triệu đồng. Hiện tôi không còn khả năng tiếp tục đóng tiền, bà D, ông M, ông H đến nhà tôi gây áp lực với cha và mẹ già. Bà D bảo cha tôi cầm cố “sổ đỏ” để trả nợ thay con nhưng cha tôi không đồng ý, bà D cho người đến chỗ tôi làm việc đe doạ chém, giết đủ điều.

Hiện tôi rất hoang mang nên đã trốn tránh bà D, ông M, ông H; đồng thời gửi đơn kêu cứu đến một số nơi, với mong muốn được cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ hoạt động cho vay tiền của bà D và ông M, xem xét số tiền mà tôi đã thực đóng cho bà D”- ông T cho hay.

Tương tự như trường hợp của bà P và ông T, trong đơn gửi đến Báo Tây Ninh còn có 7 người khác cũng vay tiền của bà D và ông M. Theo đơn trình bày, hầu hết những người này chỉ thực vay số tiền vài chục triệu đồng nhưng sau đó bà D và ông M quy ra thành hụi, rồi hiện nay tổng số tiền phải trả khoảng từ 100 triệu đồng đến vài trăm triệu đồng.

Nếu người nào chậm đóng tiền hoặc có biểu hiện trốn tránh do không còn khả năng đóng tiền thì bị ông H “dằn mặt” bằng những lời lẽ văng tục, côn đồ, đe doạ chém giết. Thậm chí, ông H còn sẵn sàng đến tận nhà người vay tiền để thị uy, gây áp lực kiểu “dân chợ búa” làm cho nhiều người hoang mang.

Ngày 30.5.2023, Công an huyện Châu Thành cho biết đã nhận được đơn tố giác tội phạm của chị H (một trong số 9 người có đơn gửi đến Báo Tây Ninh - P.V); chị H còn mang kèm theo một số đơn của công dân đến nộp trực tiếp tại Công an huyện.

Hiện Công an huyện đã tiếp nhận đơn, thụ lý tin báo tố giác tội phạm và đang trong quá trình xử lý theo quy định của pháp luật. Sau khi có kết quả điều tra, Công an huyện Châu Thành sẽ thông báo đến những người dân có đơn và chị H được biết.

Trường Lộ

Nguồn tin: baotayninh.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp