Người dân cần nâng cao nhận thức, hiểu và chấp hành tốt Luật Bảo môi trường năm 2020. Ảnh minh hoạ
Luật năm 2020 được bố cục lại so với Luật cũ, thể hiện rõ mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ các thành phần môi trường, bảo vệ sức khoẻ người dân, coi đây là nội dung trọng tâm, quyết định cho các chính sách bảo vệ môi trường khác.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 lần đầu tiên quy định cộng đồng dân cư là chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường, quy định tăng cường công khai thông tin, tham vấn, phát huy vai trò giám sát, phản biện, bảo đảm được quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư khi tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường.
Đồng bộ các công cụ quản lý môi trường theo từng giai đoạn của dự án, bắt đầu từ khâu xem xét chủ trương đầu tư, thẩm định, thực hiện dự án cho đến khi dự án đi vào vận hành chính thức và kết thúc.
Luật mới còn thiết kế khung chính sách hướng đến việc hình thành đạo luật về bảo vệ môi trường có tính tổng thể, toàn diện và hài hoà với hệ thống pháp luật về kinh tế - xã hội, cải cách mạnh mẽ, cắt giảm thủ tục hành chính, thời gian thực hiện các thủ tục, góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định cụ thể 14 hành vi bị nghiêm cấm, gồm vận chuyển, chôn, lấp, đổ, thải, đốt chất thải rắn, chất thải nguy hại không đúng quy trình kỹ thuật, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Xả nước thải, xả khí thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường ra môi trường. Phát tán, thải ra môi trường chất độc hại, vi rút độc hại có khả năng lây nhiễm cho con người, động vật, vi sinh vật chưa được kiểm định, xác súc vật chết do dịch bệnh và tác nhân độc hại khác đối với sức khoẻ con người, sinh vật và tự nhiên.
Sản xuất, kinh doanh sản phẩm gây nguy hại cho sức khoẻ con người, sinh vật và tự nhiên; sản xuất, sử dụng nguyên liệu, vật liệu xây dựng chứa yếu tố độc hại vượt mức cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
Che giấu, hành vi gây ô nhiễm môi trường, cản trở, làm sai lệch, thông tin, gian dối trong hoạt động bảo vệ môi trường dẫn đến hậu quả xấu đối với môi trường. Phá hoại, xâm chiếm trái phép di sản thiên nhiên. Phá hoại, xâm chiếm công trình, thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động bảo vệ môi trường. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường…
Đáng chú ý, Luật môi trường năm 2020 quy định rõ hơn trách nhiệm của Bộ Công an và lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, trong đó Bộ Trưởng Bộ Công an tổ chức kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường đối với dự án đầu tư, cơ sở thuộc bí mật nhà nước về an ninh trật tự; chỉ đạo lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường (điểm c, khoản 1, Điều 160).
Lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường tiến hành kiểm tra đối với tổ chức, cá nhân khi có dấu hiệu hoạt động tội phạm, vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm môi trường; khi có tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc có tin báo, phản ánh về vi phạm pháp luật liên quan đến tội phạm môi trường và thông tin cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cùng cấp để phối hợp; phối hợp kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong các trường hợp khác đối với tổ chức, cá nhân theo kế hoạch được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt. Hằng năm, gửi văn bản thông báo kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đến cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cùng cấp để tổng hợp, theo dõi.
Tại khoản 2, Điều 161 cũng bổ sung hình thức xử lý vi phạm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức, nhân sự phụ trách về bảo vệ môi trường có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây phiền hà, nhũng nhiễu cho tổ chức, cá nhân, bao che cho tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường hoặc thiếu trách nhiệm để xảy ra ô nhiễm, sự cố môi trường thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đối với việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt, Luật năm 2020 đẩy mạnh phân loại rác thải tại nguồn nhằm khắc phục tình trạng chôn lắp rác thải. Việc thu phí rác thải dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại thay cho việc tính bình quân theo hộ gia đình hoặc đầu người.
Rác thải sinh hoạt được phân thành 3 loại: chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác. Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại riêng thì không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân không phân loại hoặc phân loại không đúng quy định tại thì phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý như đối với chất thải rắn sinh hoạt khác.
Phương Thảo