Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ tại đây, cảm ơn !

Người dân lo ngại việc khai thác cát gần bờ sông Sài Gòn gây sạt lở   

Thứ bảy - 06/11/2021 06:51
BTNO - Cách điểm khai thác cát mà người dân đang lo lắng không xa, đã từng diễn ra hoạt động tương tự, làm nhiều diện tích đất bán ngập cặp bờ sông Sài Gòn bị cuốn trôi theo dòng nước. Nên hiện nay, người dân tiếp tục kiến nghị cơ quan chức năng chấn chỉnh tại điểm hút mới.

Thời điểm này, phần lớn diện tích đất bán ngập ven sông Sài Gòn, đoạn ngang qua địa phận tỉnh Tây Ninh đã bị ngập nước. Kể cả đoạn sông tại khu vực đầu doi Hóc Môn (một dãy đất nhô ra sông Sài Gòn theo cách gọi của người dân địa phương), thuộc tổ 19, ấp Suối Bà Chiêm, xã Tân Hoà, huyện Tân Châu cũng không ngoại lệ.

Để đến được đầu doi Hóc Môn bằng đường bộ, từ khu trung tâm dân cư ấp Suối Bà Chiêm phải băng qua khoảng 10km đường rừng phòng hộ, lắm sình lầy, cây cối, hố sâu ngập nước hiểm trở. Nếu đi bằng đường thuỷ phải vòng từ hướng lòng hồ Dầu Tiếng ngược lên thượng nguồn hoặc từ bến Cây Khế (ấp Cây Khế, xã Tân Hoà) đổ dài xuống hạ lưu con sông này, cả hai hướng đều khá xa và bị lục bình cản trở phương tiện đường thuỷ nên phải mất nhiều thời gian mới đến được khu vực trên.

Gần hai tháng qua, khúc sông này “dậy sóng” tình trạng khai thác cát gần bờ bên địa phận tỉnh Tây Ninh. Theo một số hộ dân canh tác nông nghiệp trên vùng đất bán ngập tại đây cho biết, hằng ngày, có 5 tàu chuyên dụng khai thác cát xuất phát từ một bãi cát đặt phía bên kia bờ sông Sài Gòn thuộc địa phận tỉnh Bình Phước qua đây bơm hút cát gần bờ. Trung bình, mỗi tàu sau khi hút đầy cát chở về bãi từ 4 đến 5 chuyến/ngày.

Nhiều tàu đang khai thác cát cách bờ sông Sài Gòn hơn 30 mét tại khu vực đầu doi Hóc Môn

Ông Thạch Ngọc Sơn Lâm Thuỷ Thổ, người có đất gần điểm hút cát trình bày, do nước ngập, khó phân biệt lòng sông và vùng đất bán ngập. Thế nhưng, doanh nghiệp cho nhiều tàu khai thác cát mà không thả phao phân vùng theo quy định.

Lợi dụng sự “mập mờ” này, các tàu hút cát cứ lấn sâu vào bờ sông thuộc phía tỉnh Tây Ninh để khai thác. Khi người dân phát hiện, nhắc nhở, người điều khiển phương tiện cho tàu nhích ra hướng sông. Tuy nhiên, chỉ cần người dân quay lưng đi một đoạn, các tàu tiến vào gần bờ để bơm hút cát.

Qua quan sát thực tế vào ngày 2.11.2021 có 5 tàu bơm hút cát tại khu vực đầu doi Hóc Môn, hút bên bờ sông thuộc ấp Suối Bà Chiêm, xã Tân Hoà. Hoạt động bơm hút cát tại đây không được thả phao phân vùng theo quy định.

Các tàu đều có công suất lớn, thời gian để hút cát đầy tàu chỉ hơn 60 phút. Tại thời điểm quan sát, tàu khai thác cát cách bờ sông hơn 30m. Người quan sát ghi nhận được chữ, số trên 3 tàu là TN-0146, LĐ-0121, ĐN… 825 (bị che khuất số đầu).

Về việc người dân cho rằng điểm hút cát hiện tại là vùng đất bán ngập để bà con canh tác nông nghiệp vào mùa nước rút thì cần được cơ quan chức năng vào cuộc xác định, làm rõ. Riêng hoạt động khai thác cát với quy mô lớn như trên mà không thả phao, phân vùng theo giấy phép được cấp (nếu có) là trái quy định pháp luật. Vấn đề này cần được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, giám sát, xử lý.

Báo Tây Ninh từng có nhiều bài phản ánh tình trạng bơm hút cát sát bờ sông Sài Gòn gây sạt lở nghiêm trọng cách đoạn sông trên không xa, từ đầu doi Hóc Môn xuôi về hướng hạ lưu sông khoảng 1km (khu vực bến Hai Giàng, tổ 19, ấp Suối Bà Chiêm).

Vào thời điểm đó, cơ quan chức năng đã vào cuộc và xử lý nhiều tàu khai thác cát trái quy định. Hậu quả, có thể thấy rõ mức độ sạt lở rất nghiêm trọng khi mùa nước rút tại đoạn sông bến Hai Giàng, nhiều diện tích đất bán ngập đã bị cuốn trôi theo dòng nước.

Do vậy, người dân tiếp tục lo lắng việc khai thác cát như đang đề cập tại đầu doi Hóc Môn có nguy cơ gây sạt lở tương tự là nỗi lo không thừa, các cơ quan chức năng liên quan cần quan tâm chấn chỉnh kịp thời.

Cận cảnh một tàu đang khai thác cát

“Phía trên là đất rừng dự án, phía dưới là dãy đất bán ngập giáp sông Sài Gòn. Nhiều người dân dựa vào dãy đất bán ngập với diện tích ít ỏi này để canh tác nông nghiệp mưu sinh. Nhà nước có cho doanh nghiệp khai thác cát để nạo vét lòng sông thì ra lòng sông mà bơm hút cát.

Việc có nhiều tàu lớn cứ tiến vào gần bờ sông để khai thác cát là hoạt động cần phải được xử lý dứt điểm. Người dân cũng không thể nhắc nhở các chủ phương tiện hút cát từng ngày…” - ông Huỳnh Minh Côi, một hộ dân đang ngụ gần điểm hút cát nêu ý kiến.

Minh Quốc

Nguồn tin: baotayninh.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp