Hòa giải viên tham gia khóa bồi dưỡng nghiệp vụ.
TAND tỉnh cho biết, TAND hai cấp đã quan tâm thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Hoà giải, đối thoại tại toà án và các văn bản có liên quan dưới nhiều hình thức. Thành lập 10 trung tâm hoà giải, đối thoại tại Toà án và bổ nhiệm 36 hòa giải viên (cấp tỉnh 3 người, cấp huyện 33 người), đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, tiêu chuẩn được quy định trong luật và được tập huấn các khoá do TAND tối cao tổ chức.
Đội ngũ hoà giải viên được tuyển chọn là những người có nhiều kinh nghiệm trong công tác thực thi pháp luật và vận động quần chúng nhân dân. Các đơn vị tận dụng cơ sở vật chất hiện có để sắp xếp, bố trí phòng làm việc và các trang, thiết bị cần thiết nhằm tạo điều kiện phục vụ tốt nhất cho công tác hoà giải, đối thoại tại Toà án.
“Hầu hết các trung tâm đều tích cực trong công tác hoà giải, đối thoại, bước đầu đạt một số kết quả nhất định, góp phần giảm áp lực về số lượng vụ việc của ngành Toà án phải giải quyết; tiết kiệm được chi phí, thời gian, công sức của đương sự, Nhà nước góp phần giữ gìn ổn định trật tự xã hội”- một lãnh đạo TAND tỉnh chia sẻ.
TAND thị xã Trảng Bàng cho biết, ngay sau khi nhận được các văn bản chỉ đạo của TAND tỉnh về việc thi hành Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án, đơn vị đã nhanh chóng xem xét, lựa chọn 3 người đủ tiêu chuẩn và được TAND tỉnh bổ nhiệm hoà giải viên; chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiêt bị làm việc phục vụ cho công tác hoà giải, đối thoại.
Các hoà giải viên đều là những người có thâm niên công tác trong ngành Toà án, Kiểm sát và được tham gia tập huấn, cấp phát đầy đủ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác hoà giải, đối thoại. Ban lãnh đạo đơn vị quán triệt cán bộ Toà án khi tiếp xúc với các đương sự đều giải thích cho họ hiểu những thuận lợi trong việc lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng phương pháp hoà giải, đối thoại.
TAND thị xã Trảng Bàng cho hay, hầu hết người dân trên địa bàn thị xã đều là công nhân làm việc tại các công ty, khu công nghiệm nên rất khó xin nghỉ đến Toà án để hoà giải trong giờ hành chính. Vì vậy, đơn vị đã khuyến khích các hoà giải viên, thẩm phán tạo điều kiện cho đương sự đến Toà án để hoà giải vào ngày nghỉ cuối tuần, thậm chí ngày lễ nhưng phải đăng ký lịch trước để ban lãnh đạo theo dõi.
Trong năm 2021, đơn vị đã nhận 1.230 đơn khởi kiện các loại. Trong đó, số đơn đã chuyển sang hoà giải, đối thoại tại Toà án là 302 đơn; đã thực hiện hoà giải 266 vụ, còn lại 36 đơn đang tiến hành các thủ tục theo quy định, việc; kết quả hoà giải thành 232 vụ (đạt tỷ lệ 87,22%). Đặc biệt, chỉ sau hơn 2 tháng kể từ ngày Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án có hiệu lực thi hành, đơn vị đã tổ chức hoà giải thành được 9 vụ, việc về dân sự, hôn nhân và gia đình.
Bổ nhiệm hòa giải viên ở TAND huyện Bến Cầu.
Do Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án là một chế định hoàn toàn mới và chỉ mới bắt đầu thực hiện từ đầu năm 2021 nên trong quá trình thi hành TAND hai cấp còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật còn hạn chế, nhiều cán bộ tiếp dân chưa giải thích rõ về Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án; mặt khác, người dân muốn sự việc được giải quyết nhanh chóng, sớm đưa ra xét xử nên họ lựa chọn hình thức giải quyết này chưa nhiều.
Các hoà giải viên mới tham gia công tác này có phần lúng túng nên tỷ lệ hoà giải theo Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án chưa cao. Cơ sở vật chất, trang bị để phục vụ cho hoạt động hoà giải, đối thoại chưa đáp ứng được yêu cầu theo hướng dẫn của TAND tối cao.
TAND thị xã Trảng Bàng cho biết thêm, thời gian đầu thực hiện do chưa có hướng dẫn thống nhất về mẫu quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Toà án nên các quyết định ban hành ra còn chưa thống nhất về hình thức cũng như nội dung. Hiện nay, không có con dấu riêng của đơn vị hoà giải, đối thoại, các văn bản do hoà giải viên gửi cho đương sự chỉ có chữ ký của hoà giải viên và đóng dấu treo của Toà án nơi hoà giải viên làm việc, do đó, người dân có tâm lý không tin tưởng khi nhận được thông báo của hoà giải viên.
Ngoài ra, hiện chưa có quy định về cán bộ hỗ trợ cho hoà giải viên. Các hoà giải viên hầu hết lớn tuổi nên cần người hỗ trợ, nhất là trong việc sử dụng máy vi tính để soạn thảo văn bản. Các công việc hỗ trợ liên quan đến hoà giải, đối thoại tại Toà án chủ yếu do cán bộ Toà án đảm nhiệm, việc này càng làm tăng áp lực công việc cho cán bộ Toà án.
Chưa có quy định về chế độ đối với thẩm phán khi tham gia phiên họp ghi nhận kết quả hoà giải, đối thoại tại Toà án. Trường hợp đương sự yêu cầu Toà án công nhận kết quả hoà giải thành, đối thoại thành thì thẩm phán phải nghiên cứu hồ sơ, yêu cầu một trong các bên trình bày ý kiến về kết quả hoà giải thành, đối thoại thành, yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cung cấp tài liệu làm cơ sở cho việc ra quyết định…
Đồng thời, thẩm phán phải chịu trách nhiệm về việc ra quyết định công nhận kết quả hoà giải thành, đối thoại thành nên việc chưa có quy định về chế độ cho thẩm phán trong hoạt động hoà giải, đối thoại tại Toà án là chưa bảo đảm quyền lợi cho thẩm phán.
Để nâng cao hiệu quả thi hành Luật Hoà giải đối thoại tại Toà án, thời gian tới, TAND hai cấp cần chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hoà giải, đối thoại tại Toà án; kịp thời cung cấp cho các hoà giải viên những văn bản quy phạm pháp luật mới; tiếp tục áp dụng các quy định về tính linh hoạt của chế định hoà giải, đối thoại tại Toà án như thực hiện hoà giải, đối thoại ngoài trụ sở Toà án, ngoài giờ hành chính…
Từ ngày 1.1.2021 đến ngày 30.10.2021, TAND hai cấp đã nhận 4.255 đơn khởi kiện các loại (trong đó, không đủ điều kiện tiến hành hoà giải, đối thoại 27 đơn; 4.228 đơn đủ điều kiện tiến hành hoà giải, đối thoại). Đương sự đồng ý hoà giải, đối thoại là 642 đơn, kết quả đã hoà giải thành 331 vụ, việc.
Thiên Di