Tiến vào thị xã Tây Ninh ngày 29.4.1975- ký hoạ Võ Đồng Minh, tư liệu của Nguyễn Quốc Việt.
Tiểu đoàn 16 đang làm nhiệm vụ giữ chốt ở An Thạnh, Phước Lưu đánh địch phản kích để bảo vệ vùng mới giải phóng huyện Bến Cầu và ba xã cánh Tây huyện Trảng Bàng, đồng thời giữ sườn hướng Đông cho Binh đoàn 232 tiến xuống Đức Hoà, Đức Huệ, Nam Sài Gòn.
Đến trưa ngày 28.4.1975, Tiểu đoàn được lệnh hành quân gấp về căn cứ ở xã Thạnh Đức nhận nhiệm vụ mới. Ban Chỉ huy Tiểu đoàn hội ý chớp nhoáng, rồi triển khai mệnh lệnh các đại đội, đồng thời cho trung đội trinh sát do Tiểu đoàn phó Hoàng Ngọc Ẩn chỉ huy hành quân trước để chuẩn bị xuồng ghe và bến bãi cho đơn vị vượt sông Vàm Cỏ Đông.
Mấy ngày nay do ta đánh mạnh, thị xã Xuân Lộc đã được giải phóng, quân ta đang tiến xuống giải phóng Biên Hoà. Ở phía Nam, Binh đoàn 232 đã giải phóng Đức Hoà, Đức Huệ cắt lộ 4 áp sát Sài Gòn. Địch ở Tây Ninh rất hoang mang và co lại. Các trận địa pháo địch ở Trâm Vàng, Rạch Sơn do bị pháo binh ta kiềm chế nên không còn bắn như vãi đạn xuống trận địa chốt của ta như trước đây.
Đơn vị hành quân ban ngày với tinh thần hoả tốc, vừa đi vừa chạy, thẳng theo quốc lộ 1 (nay là quốc lộ 22) xuống ngã tư Mộc Bài rồi theo hương lộ từ Mộc Bài về Long Thuận, chợ Cầu Long Khánh, Long Giang đến khu vực đình Long Chữ thì trời cũng xẩm tối.
Trung đội trinh sát đã chốt ở bờ sông và cử các đồng chí biết bơi vượt sông vào ấp Bến Đổi mượn được 5 xuồng nhỏ, mỗi chiếc chở được 5 người. Lúc đó cũng khoảng mười giờ đêm. Tiểu đoàn cho thứ tự vượt sông…
Hành quân trên bờ kênh từ Long Chữ ra bờ sông Vàm Cỏ, đêm về khuya gió đông từ sông Vàm Cỏ thổi lên nhè nhẹ làm cho lá lúa đang thì con gái ở những ruộng hai bên bờ kênh cọ vào nhau xào xạc. Thỉnh thoảng, địch ở căn cứ Bến Kéo, bót Cẩm Giang bắn lên không trung vài phát pháo sáng xoá đi màn đêm tĩnh mịch như để soi đường cho quân ta đi.
Cuộc vượt sông thuận lợi an toàn. Đơn vị về đến nơi quy định. Anh em tranh thủ ngủ lấy sức sau một ngày đêm hành quân vất vả.
9 giờ sáng, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Thành Út và tôi lên sở chỉ huy tiền phương của Tỉnh đội ở rừng cao su Cầu Sắt báo cáo tình hình đơn vị và nhận nhiệm vụ. Anh Hai Dương (Tỉnh đội trưởng) hỏi tình hình và biểu dương đơn vị hơn một tháng qua đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vùng mới giải phóng huyện Bến Cầu và 3 xã cánh Tây Trảng Bàng, đồng thời bảo vệ hành lang cho Binh đoàn 232 tiến về Sài Gòn thuận lợi.
Rồi anh phổ biến tình hình ta, địch trong tỉnh từ ngày 26.4 đến nay. Để cùng toàn miền Nam bước vào Chiến dịch Hồ Chí Minh với tinh thần xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh, cùng với các binh đoàn chủ lực giải phóng miền Nam trước mùa mưa này: “Nhiệm vụ của Tiểu đoàn 16 là nhanh chóng bổ sung đạn dược.
Ngay chiều nay vận động vào khu vực chợ Trường Lưu đánh tiểu đoàn Bảo an 352 đóng chốt án ngữ từ chợ Trường Lưu đến cầu Đoạn Trường Kiều để mở toang vùng Nam Toà Thánh. Tạo điều kiện cho tiểu đoàn 14 và các đơn vị khác tiến vào giải phóng huyện Toà Thánh và thị xã Tây Ninh”.
Nhận nhiệm vụ xong, tôi và tiểu đoàn trưởng Nguyễn Thành Út nhanh chóng trở về đơn vị.
Sau khi triển khai quán triệt nhiệm vụ trong Đảng uỷ- Ban Chỉ huy Tiểu đoàn, rồi triển khai ra đơn vị, hạ quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao, với tinh thần 1 ngày bằng 20 năm.
16 giờ ngày 29.4.1975, đơn vị xuất phát từ ngã 3 suối Trảng Bông vào ấp Trường Đức. Đến gần chợ Trường Lưu thì bộ phận đi đầu phát hiện địch. Đơn vị triển khai đội hình và nổ súng.
Trời còn sáng, địch có công sự và hoả lực mạnh. Chúng chống trả quyết liệt. Đại đội 3 hy sinh 5 đồng chí, trong đó có 2 cán bộ trung đội. Trinh sát của Tiểu đoàn hy sinh 1 tiểu đội trưởng. Trước tình hình đó, Ban Chỉ huy Tiểu đoàn cho đơn vị bám sát, bao vây địch. Trời tối, chiếm qua sân vận động Trường Lưu, lên chiếm lĩnh hai thánh thất Cao Đài. Đêm đó, Tiểu đoàn Bảo an 352 rút chạy khỏi Trường Lưu.
Sáng 30.4, đơn vị để lại một bộ phận thu dọn trận địa, chôn cất liệt sĩ, còn lại tiếp tục hành tiến theo trục đường Thiên Thọ Lộ mà không gặp sự kháng cự nào của địch. Vào gần sân banh Long Hoa thì nhân dân đã ra đứng hai bên đường chào đón Quân Giải phóng.
Trên đường rải rác quần áo, mũ sắt, giày, vũ khí của lính nguỵ vứt lại để chạy trốn. Hai bên là từng nhóm người vẫy tay, khăn hay áo, nón. Đó đây rầm rộ tiếng hoan hô. Thấy vậy, tôi vội mở chiếc đài bán dẫn đeo bên mình thì nghe trên Đài Phát thanh Sài Gòn đang truyền đi lời tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh.
“Tôi, Đại tướng Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn, kêu gọi Quân lực Việt Nam Cộng hoà hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bố chính quyền Sài Gòn từ trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn”.
Sau đó là lời tiếp nhận đầu hàng của đại diện Quân Giải phóng.
Quá đỗi vui mừng, tôi nói to với anh em: “Sài Gòn giải phóng rồi; Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng rồi”. Coi đồng hồ đã quá 12 giờ. Lúc này trên đường phố Long Hoa, nhân dân đổ ra đường càng lúc càng đông để mừng Quân Giải phóng, mừng giờ phút hoà bình đầu tiên. Có người còn chạy ra bắt tay chúng tôi đang trên đường hành tiến.
Từ Báo Quốc Từ đến Cua Lý Bơ, bộ phận đi đầu của tiểu đoàn gặp một xe có 3 lính nguỵ. Anh em bắt và giải về Tiểu đoàn. Qua khai thác nhanh, một người khai là Thiếu tá Tạ Kim Lời, chức vụ Tham mưu phó Hành quân Tiểu khu Tây Ninh; người kia khai là Thiếu tá Tô Minh Chở, Trưởng ban Một, Tiểu khu Tây Ninh, còn một người là lái xe.
Tạ Kim Lời khai được Đại tá Bùi Đức Tài, Tiểu khu trưởng tiểu khu Tây Ninh cử xuống khu vực Long Hoa gặp Bộ Chỉ huy Quân Giải phóng để bàn việc đầu hàng và bàn giao chính quyền. Tôi điện về Chỉ huy sở tiền phương báo cáo sự việc, và được anh Hai Dương chỉ thị tôi đưa họ đến trụ sở xã Long Thành (nay là trụ sở thị trấn Long Hoa) giao lại cho Chỉ huy sở. Tôi cùng một liên lạc đưa hai thiếu tá nguỵ về bàn giao… Lúc đó là 12 giờ 30 phút.
Tiểu đoàn 16 chiếm lĩnh từ cửa số 7 Toà thánh về đến Cua Lý Bơ. 4 giờ chiều hôm đó được lệnh về tiếp quản căn cứ Bến Kéo. Tới căn cứ Bến Kéo trời đã tối mịt. Lính ở Bến Kéo đã chạy hết, để lại hai khẩu pháo 105mm còn nguyên vẹn và nhiều vũ khí, quân trang quân dụng ngổn ngang…
48 năm, gần nửa thế kỷ đã trôi qua! Những sự kiện về cuộc Tổng tấn công mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mà Tiểu đoàn 16 được tham gia và chứng kiến sự hân hoan, vui mừng của nhân dân vùng Toà Thánh- Long Hoa, trong giờ phút đầu tiên của ngày giải phóng 30.4.1975 ở Tây Ninh còn mãi trong tâm trí tôi như mới xảy ra ngày hôm qua.
Hồi ký của Ngô Mạnh Siêu
(nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 16 Tây Ninh, 1975)