Nhan nhản các video hướng dẫn làm pháo tự chế trên mạng.
Hôm 5.12.2022, hai học sinh Trường THCS Canh Nậu, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang đã chế tạo thuốc pháo bằng cách cho nguyên liệu vào máy xay sinh tố rồi xay dẫn đến thuốc phát nổ, làm một em bị giập nát bàn tay trái, em còn lại bị thương ở phần ngực và tay trái.
Hay ngày 25.12.2022, tại thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana, tỉnh Đăk Lăk, 5 em học sinh bị thương vong khi tự chế tạo pháo bằng các hoá chất, vật liệu được mua qua mạng xã hội.
Tuy nhiên, việc chế tạo pháo đã gây ra nổ lớn, làm 2 em tử vong và 1 em bị thương nặng. Các vụ việc này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tính chất nguy hiểm của việc tự chế pháo nổ.
Mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp tuyên truyền cảnh báo, cho người dân ký cam kết không vi phạm; thậm chí bắt giữ, xử lý hình sự nhiều đối tượng mua bán, vận chuyển, tàng trữ, chế tạo pháo nổ trái phép nhưng tình trạng này vẫn tồn tại.
Nguy hiểm hơn, việc hướng dẫn chế tạo pháo cũng như mua bán sản phẩm để chế tạo pháo xuất hiện tràn lan trên các trang mạng xã hội. Các video được đăng tải một cách công khai, không giới hạn độ tuổi xem cũng như cảnh báo nguy hiểm, thu hút hàng triệu lượt xem.
Theo đó, mọi người không khó để chuẩn bị nguyên liệu và chế tạo từ nén pháo, dồn pháo, đốt pháo với từng loại pháo như pháo hoa, pháo que bông, pháo cối, pháo bi... Hầu hết các video đều hướng dẫn làm thuốc nổ từ 3 nguyên liệu gồm bột Kali Clorat (KClO3), lưu huỳnh và bột than. Các nguyên liệu này rất dễ tìm mua tại các cửa hàng hoặc trên trang thương mại điện tử với nhiều mức giá khác nhau, dao động từ vài chục ngàn đồng đến hàng trăm ngàn đồng.
Anh Phạm Hồng Thái- Tổng phụ trách Đội Trường THCS Thị trấn (huyện Châu Thành) cho biết, tình trạng thanh thiếu niên tự chế tạo pháo là do sự buông lỏng quản lý của gia đình, các bậc phụ huynh cho con cái tiền tiêu xài nhưng không quan tâm các em sử dụng như thế nào.
Bên cạnh đó, các em thường có tâm lý tò mò, thích khám phá nên dễ học theo những video có nội dung độc hại trên mạng. Đã có nhiều vụ nổ pháo tự chế gây nguy hiểm đến sức khoẻ và cả tính mạng.
Để phòng ngừa, ngăn chặn thanh thiếu niên, học sinh tàng trữ, chế tạo và sử dụng pháo nổ trái phép, nhà trường có các buổi sinh hoạt tuyên truyền về phòng, chống pháo nổ; cấm chế tạo, sử dụng pháo; cho học sinh ký cam kết không mua bán, tàng trữ, chế tạo, sử dụng pháo.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác nắm tình hình, phát hiện, đấu tranh quyết liệt đối với các vi phạm về pháo nổ; khi phát hiện trường hợp vi phạm, sẽ gửi thông báo về cho chính quyền địa phương, gia đình để phối hợp quản lý, giám sát và giáo dục các em.
Một luật gia thuộc Hội Luật gia tỉnh cho biết, tuỳ vào tính chất và mức độ vi phạm, hành vi tự ý chế tạo pháo nổ trái phép có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật.
Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31.12.2021 của Chính phủ quy định phạt tiền 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép, phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với các hành vi như chế tạo, trang bị, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép phụ kiện nổ; vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo, thuốc pháo hoặc nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất pháo; hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện trái phép cách thức chế tạo, sản xuất, sửa chữa hoặc sử dụng pháo dưới mọi hình thức.
Đối với người có hành vi hướng dẫn chế tạo pháo, sau đó đăng video lên mạng xã hội có thể bị xử lý hành chính 10 - 20 triệu đồng theo quy định tại điểm e, khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3.2.2020.
Nếu hành vi chế tạo pháo nổ có tính chất nghiêm trọng sẽ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ (Điều 305) hoặc tội sản xuất, buôn bán hàng cấm (Điều 190) Bộ luật Hình sự.
“Tai nạn do pháo tự chế gây ra rất nghiêm trọng. Tuỳ vào lượng thuốc nổ và tính chất quả pháo mà có thể gây ra tổn thương nặng ở vùng mặt, mắt, tay, cổ, ngực…; thậm chí là tử vong.
Để hạn chế tai nạn đáng tiếc liên quan đến pháo tự chế, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết cho người dân về nguy hại của pháo nổ, thuốc nổ; xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm trong việc mua bán, vận chuyển, sử dụng pháo nổ trái phép; rà soát, gỡ bỏ những nội dung độc hại trên các trang mạng. Bên cạnh đó, người dân cần chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về quản lý và sử dụng pháo nổ; không tự ý chế tạo thuốc nổ, pháo nổ”- vị luật gia chia sẻ.
Mới đây, Bộ Công an đã đưa ra cảnh báo nguy hiểm từ việc tự sản xuất, chế tạo, sử dụng trái phép pháo nổ dịp tết. Theo đó, càng gần đến thời điểm Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về pháo diễn biến phức tạp, đặc biệt là hoạt động chế tạo, sản xuất, sử dụng pháo trái phép. Đây là những hành vi vi phạm pháp luật, tiềm ẩn mối nguy hiểm khôn lường tới tính mạng, sức khoẻ và tình hình an ninh, trật tự.
Để đón một năm mới an toàn, bình yên, Bộ Công an khuyến cáo người dân cần chú ý nâng cao nhận thức, đồng thời quản lý giáo dục con em trong gia đình chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật- trong đó có các quy định về quản lý, sử dụng pháo.
Không được phép nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ (trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ theo quy định).
Đối với các sản phẩm pháo hoa được phép sử dụng, cần chú ý khi sử dụng phải đáp ứng các điều kiện về năng lực hành vi dân sự; sử dụng trong các trường hợp được phép, bảo đảm an toàn trong quá trình sử dụng và chỉ mua tại các cửa hàng được phép kinh doanh theo quy định của pháp luật. Nếu phát hiện các trường hợp cố ý vi phạm quy định về phòng, chống pháo nổ, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để xử lý theo quy định.
THIÊN DI