Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ tại đây, cảm ơn !

Giám định tâm thần bà Phương Hằng và các tình huống - Báo Tây Ninh Online

Thứ năm - 23/02/2023 04:37
Tùy vào từng giai đoạn tố tụng và kết quả trưng cầu giám định tâm thần để cơ quan tiến hành tố tụng ra các quyết định.

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, con riêng của bà Nguyễn Phương Hằng là Nguyễn Quang Tuấn (33 tuổi, ngụ TP.HCM) đã gửi đơn đề nghị không giám định tâm thần cho mẹ mình.

Ông Tuấn đưa ra bốn lý do cho đề nghị nêu trên, trong đó có việc lo sợ bị thâu tóm tài sản. Theo Tuấn, trước đó, ông Huỳnh Uy Dũng (chồng bà Hằng) đã nhiều lần gửi đơn yêu cầu cơ quan điều tra (CQĐT), VKS trưng cầu giám định tâm thần đối với mẹ mình.

Vậy cơ quan tố tụng sẽ ra quyết định tố tụng gì nếu kết quả giám định cho thấy sức khỏe tâm thần của bị can Nguyễn Phương Hằng không bình thường?

Bị can Nguyễn Phương Hằng trong một buổi livestream trước khi bị khởi tố. Ảnh cắt từ clip/PLO

Khi nào bắt buộc giám định tâm thần?

ThS Võ Văn Tài, Phó khoa Kiểm sát hình sự, Trường Đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP.HCM, cho biết: Nếu nhận thấy bị can, bị cáo có dấu hiệu không bình thường thì cơ quan tiến hành tố tụng sẽ thu thập thêm thông tin như hồ sơ bệnh án, thông tin từ người nhà… để đánh giá người này có tiền sử bị tâm thần hay không.

Theo khoản 1 Điều 206 BLTTHS thì bắt buộc phải trưng cầu giám định khi cần xác định: Tình trạng tâm thần của người bị buộc tội khi có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ; tình trạng tâm thần của người làm chứng hoặc bị hại khi có sự nghi ngờ về khả năng nhận thức, khả năng khai báo đúng đắn về những tình tiết của vụ án.

Do đó, nếu cơ quan tiến hành tố tụng cảm thấy nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của bà Hằng thì buộc phải đi giám định và ngược lại. Quyền đánh giá và quyết định là ở cơ quan tiến hành tố tụng.

Tùy từng giai đoạn tố tụng mà CQĐT, VKS, tòa án phải trưng cầu giám định pháp y tâm thần.

Vào đầu tháng 2-2023, VKSND TP.HCM đã trả hồ sơ cho cơ quan CSĐT để tiếp tục điều tra làm rõ các nội dung liên quan đến phát ngôn của TS luật Đặng Anh Quân. Do đó, vụ án của bà Phương Hằng vẫn còn đang trong giai đoạn điều tra nên CQĐT sẽ có quyền yêu cầu trưng cầu giám định nếu thấy cần thiết.

Trường hợp VKS trưng cầu giám định tâm thần

Theo Điều 450 BLTTHS, nếu vụ án ở giai đoạn truy tố thì VKS có thể trưng cầu giám định pháp y tâm thần đối với bị can. Nếu xác định bị can tâm thần, VKS sẽ ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh, đồng thời tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án.

Nếu cơ quan trưng cầu giám định xác định bị can bị tâm thần trước, trong và sau khi phạm tội thì sẽ đình chỉ vụ án. Còn bị can bị tâm thần khi bị điều tra, truy tố thì VKS sẽ tạm đình chỉ vụ án, ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh, khi nào hết bệnh sẽ phục hồi vụ án để tiếp tục các hoạt động tố tụng.

ThS VÕ VĂN TÀI, Phó khoa Kiểm sát hình sự, Trường Đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP.HCM

Các khả năng có thể xảy ra

Theo Điều 449 BLTTHS, khi CQĐT trưng cầu giám định pháp y tâm thần mà kết quả giám định xác định bị can mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi thì CQĐT gửi văn bản đề nghị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh cùng kết luận giám định cho VKS cùng cấp để xem xét, quyết định.

Trong thời hạn ba ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của CQĐT cùng kết luận giám định, VKS quyết định áp dụng biện pháp chữa bệnh đối với bị can hoặc yêu cầu CQĐT trưng cầu giám định bổ sung, giám định lại nếu thấy chưa đủ căn cứ để quyết định.

Trường hợp VKS ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh thì CQĐT phải ra quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ điều tra đối với bị can.

Nói rõ hơn về việc khi nào thì tạm đình chỉ hoặc đình chỉ điều tra đối với bị can, ThS Võ Văn Tài cho biết: Nếu kết quả trưng cầu giám định tâm thần xác định lúc phạm tội bị can không bị tâm thần, hoàn toàn bình thường trong nhận thức cũng như điều khiển hành vi nhưng khi bị điều tra, nhất là lúc bị tạm giam làm cho bệnh nhân rối loạn, tâm thần thì CQĐT sẽ tạm đình chỉ điều tra đối với bị can, khi nào hết bệnh sẽ phục hồi điều tra. Nếu cơ quan trưng cầu giám định xác định bị can bị tâm thần trước, trong và sau khi phạm tội thì sẽ đình chỉ điều tra đối với bị can.

“Trường hợp cơ quan trưng cầu giám định tâm thần xác định bị can hoàn toàn bình thường thì việc điều tra đối với bị can sẽ tiếp tục” - ThS Võ Văn Tài nói.

Có thể miễn trách nhiệm hình sự?

Theo Điều 451 BLTTHS, trong giai đoạn xét xử, nếu có căn cứ cho rằng bị can, bị cáo không có năng lực trách nhiệm hình sự thì tòa án trưng cầu giám định pháp y tâm thần.

Căn cứ vào kết luận giám định, tòa án có thể ra một trong những quyết định: Quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh (nếu xác định bị can, bị cáo bị tâm thần); miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh (nếu xác định bị can, bị cáo bị tâm thần).

Và dĩ nhiên, vụ án sẽ được đưa ra xét xử bình thường nếu việc tòa án trưng cầu giám định xác định bị can, bị cáo không mắc bệnh tâm thần và hoàn toàn bình thường.

Nguồn PLO

Nguồn tin: baotayninh.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp