Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ tại đây, cảm ơn !

Cuối năm, “nóng” chuyện mua bán xe qua mạng 

Thứ sáu - 31/12/2021 19:19
BTN - Thời gian qua, nhiều đối tượng sử dụng các phương thức, thủ đoạn tinh vi để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người có nhu cầu mua xe sử dụng hoặc trục lợi từ việc mua bán xe lắp ráp sai quy định, xe giấy tờ giả.

Những thông tin mua bán xe trên mạng.

Rước hoạ vì ham xe rẻ

Gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện việc rao bán xe máy nhập khẩu giá rẻ, xả kho cuối năm, bán xe thanh lý của cơ quan chức năng… Nhiều tài khoản chào bán các loại xe mô tô có mức giá chỉ bằng 1/3 giá trên thị trường như SH Mode 17 triệu đồng, Exciter 10 triệu đồng, Vision mới 13 triệu đồng, Air Blade Thái 15 triệu đồng, Winner 14 triệu đồng… Những người bán hứa hẹn, bảo đảm số khung, số máy và giấy đăng ký khớp với xe.

Anh Trần Văn Thanh- ngụ phường Long Thành Bắc, thị xã Hoà Thành cho biết, anh cần mua xe nên tìm kiếm trên mạng thấy có nơi bán rẻ, thấp hơn phân nửa so với giá thị trường, anh liên hệ với chủ tài khoản hỏi mua xe SH Mode mà người này đang rao bán với giá 15 triệu đồng. Người bán cho biết, chỉ cần chuyển trước 2 triệu đồng đặt cọc, xe sẽ được chuyển đến tận nhà người mua. Sau khi nhận và kiểm tra phương tiện, khách mới thanh toán số tiền còn lại qua tài khoản ngân hàng.

“Khi tôi hỏi về giấy tờ xe, chủ tài khoản cho biết đây là xe không có giấy tờ nên bán với giá rẻ. Mọi người cần tỉnh táo trong việc mua xe giá rẻ, tránh trường hợp mua trúng phương tiện không có giấy tờ hoặc giấy tờ giả. Có thể những chiếc xe này là đồ nhập lậu, trộm cắp, thế chấp nên không có đầy đủ giấy tờ”- anh Thanh nói.

Anh N.T.D- ngụ TP. Tây Ninh bức xúc: “Tôi thấy trên mạng rao bán Air Blade Thái với giá 15 triệu đồng. Sau khi thoả thuận, họ yêu cầu phải chuyển 1,5 triệu đồng tiền đặt cọc thông qua tài khoản ngân hàng hoặc thẻ cào, sau đó sẽ giao xe đến nhà và thu số tiền còn lại. Nhận thấy số tiền đặt cọc không nhiều, tôi tin tưởng làm theo nhưng chờ mãi không thấy xe đâu, lúc ấy mới vỡ lẽ đã bị lừa. Cũng may số tiền không lớn, xem như bài học cho sự nhẹ dạ, cả tin”.

Chị T.A, ngụ huyện Tân Biên cho biết: “Để tìm mua xe máy cũ, tôi tìm vào một trang mạng xã hội chuyên bán xe, liên lạc hỏi mua và kết bạn để tiện trao đổi thông tin. Trong quá trình giới thiệu các dòng xe, đối tượng gửi hình ảnh đang giao dịch với người khác, giới thiệu mua xe, thông tin cửa hàng và yêu cầu chuyển tiền cọc. Sau khi chuyển khoản theo thoả thuận, đối tượng cho biết 5 ngày sẽ giao xe cùng các giấy tờ có liên quan nhưng cuối cùng mất tăm”.

Trên các trang mạng xã hội, nhiều người cũng phản ánh về việc bị lừa với thủ đoạn tương tự. Các đối tượng thường yêu cầu khách hàng đặt cọc trước từ 30%-50% tiền mua xe và các khoản phí khác, tuỳ thuộc vào từng loại phương tiện, thông qua hình thức chuyển khoản hoặc mua thẻ cào điện thoại. Đây thực chất là chiêu trò lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền của khách. Trò lừa này không mới nhưng đánh trúng tâm lý ham xe xịn, rẻ tiền nên đến nay vẫn có không ít người vì nhẹ dạ mà chuyển tiền cọc, cuối cùng tiền mất nhưng không thấy xe.

Có những trường hợp mua bán xe giá rẻ với mục đích cướp tài sản. Đối tượng dụ người mua đến điểm hẹn, sau đó cướp tiền và tài sản, nếu chống cự có thể nguy hiểm đến tính mạng. Người có nhu cầu mua xe cần thận trọng, không nên mua xe không có giấy tờ; khi giao dịch cần thực hiện trực tiếp và có 2 người trở lên; thực hiện phương thức giao dịch an toàn, lưu giữ hoá đơn, chứng từ.

Phương tiện sử dụng giấy chứng nhận đăng ký không do cơ quan có thẩm quyền cấp bị Cảnh sát giao thông tạm giữ.

Phát hiện, bắt nhiều trường hợp xe sử dụng giấy tờ giả

Anh Nguyễn Thanh Tùng, ngụ thị xã Hoà Thành, gắn bó với nghề sửa xe hơn 15 năm cho biết, nhiều xe gian, xe không rõ nguồn gốc được “phù phép”, đủ kiểu để mua bán. Dòng xe Suzuki Sport (thường gọi là Su Xipo) đã ngưng sản xuất từ rất lâu.

Tuy nhiên, giới trẻ vẫn thường xuyên tìm kiếm dòng xe này nhằm thể hiện cá tính. Xe Suzuki Sport cũ chính hãng có giá lên đến hàng trăm triệu đồng. Thanh niên thường chọn dòng xe giá rẻ sau đó bỏ tiền ra để lắp ráp, thay thế các bộ phận cho giống với Suzuki Sport chính hãng. Chi phí bỏ ra để lắp ráp những chiếc xe này thường dao động từ 20-30 triệu đồng, nếu sử dụng phụ tùng nước ngoài sẽ có giá cao hơn.

M.H, ngụ TP. Tây Ninh nói: “Có những trường hợp đi mua từng bộ phận trôi nổi trên thị trường rồi nhờ người lắp ráp xe hoàn chỉnh; cũng có người tìm kiếm xe cũ để mua nhưng vì giá quá cao nên đành mua xe đểu. Những người chấp nhận chạy Su Xipo lắp ráp thường rất sợ bị Cảnh sát giao thông phát hiện, bởi khi bị bắt giữ thì coi như mất xe. Các trường hợp này khi lưu thông trên đường thấy Công an thì sẽ lập tức bỏ chạy”.

Cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh cho biết, lợi dụng thị hiếu chuộng giá rẻ của khách hàng, các đối tượng thường sử dụng xe không rõ nguồn gốc, thay đổi tem, hình dáng phương tiện, dùng giấy chứng nhận đăng ký xe giả để bán cho người mua.

Một số trường hợp biết rõ là xe giả nhưng vẫn mua, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, công tác điều tra, xử lý vi phạm, tai nạn giao thông của lực lượng Công an. Trong năm 2021, Cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra, phát hiện và xử lý nhiều trường hợp sử dụng giấy chứng nhận đăng ký xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Các đối tượng muốn thay đổi hình dáng xe, lắp ráp phương tiện đang sở hữu giống với một dòng xe “huyền thoại” nào đó sẽ tìm cách để hợp thức hoá giấy tờ. Để qua mặt cơ quan chức năng, họ đục sửa số khung, số máy, sử dụng giấy chứng nhận đăng ký xe giả, dùng giấy tờ các loại xe khác để thay thế hoặc sử dụng xe giấy “mẹ bồng con” (một giấy cho nhiều xe).

Trong quá trình tuần tra, kiểm soát, khi phát hiện trường hợp nghi ngờ, Cảnh sát giao thông sẽ dừng phương tiện để kiểm tra giấy tờ, tra cứu trên hệ thống, nếu không khớp thông tin sẽ lập biên bản, tìm hiểu nguồn gốc xuất xứ phương tiện, giám định số khung, số máy và chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền tiếp tục điều tra và xử lý.

Dịp cuối năm, nhu cầu mua sắm phương tiện tăng cao, các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm liên quan diễn biến phức tạp với thủ đoạn tinh vi. Người dân tuyệt đối không mua xe của các đối tượng lừa bán trên mạng xã hội; tỉnh táo khi mua xe rẻ và không mua bán, sử dụng phương tiện không hợp lệ hoặc dùng giấy đăng ký giả để tránh rước hoạ vào thân.

Phương Thảo

Trong năm 2021, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh phát hiện, bắt giữ 50 vụ với 52 xe mô tô, 2 xe ô tô sử dụng giấy chứng nhận đăng ký xe, giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật không do cơ quan có thẩm quyền cấp; 2 vụ, 2 đối tượng làm giả giấy đăng ký xe, giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định xe ô tô; 4 vụ sử dụng hồ sơ có quyết định tịch thu giả để đăng ký xe; 1 vụ với 1 xe mô tô có số khung, số máy không đúng với giấy đăng ký xe.

Nguồn tin: baotayninh.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp