Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ tại đây, cảm ơn !

Cục CSGT lý giải hàng loạt thắc mắc liên quan đến đấu giá biển số ô tô - Báo Tây Ninh Online

Thứ sáu - 07/07/2023 13:24
Từ ngày 1/7/2023, Nghị quyết số 73/202/QH15 về thí điểm đấu giá biển số ô tô của Quốc hội chính thức có hiệu lực. Người dân sẽ được quyền lựa chọn, cạnh tranh...

Từ ngày 1/7/2023, Nghị quyết số 73/202/QH15 về thí điểm đấu giá biển số ô tô của Quốc hội chính thức có hiệu lực. Người dân sẽ được quyền lựa chọn, cạnh tranh để sở hữu biển số ô tô theo mong muốn. Để hiểu rõ hơn về những quy định này, phóng viên Báo Điện tử VOV trao đổi với Thiếu tướng Lê Xuân Đức - Phó Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an.

PV:  Từ 1/7/2023 Nghị quyết thí điểm đấu giá biển số xe ô tô của Quốc hội chính thức có hiệu lực. Xin ông cho biết đến thời điểm này công tác chuẩn bị về cơ sở hạ tầng, nhân lực và kho số cho đấu giá đã được thực hiện tới đâu? Liệu người dân có bắt đầu được tham gia đấu giá ngay từ đầu tháng 7 này?

Thiếu tướng Lê Xuân Đức - Phó Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an.

Thiếu tướng Lê Xuân Đức: Trước hết chúng ta cùng nhìn lại một chặng đường 30 năm về đấu giá biển số ô tô. Thực hiện sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, lấy người dân làm trung tâm, làm nguồn lực, động lực trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, ngày 1/7 là ngày Nghị quyết 73/2022/QH15 về thí điểm đấu giá biển số ô tô có hiệu lực, cũng là ngày Nghị định số 39 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Nghị quyết 73 có hiệu lực.

Chúng ta ghi nhận 3 mốc thời gian như sau: Năm 1993, Bộ Công an chỉ đạo Công an TP Hải Phòng thí điểm về cấp quyền lựa chọn biển số ô tô và có thu phí.

Đến năm 2008, Công an một số địa phương như Bà Rịa Vũng Tàu, Nghệ An, Bình Dương, Sơn La… đã báo cáo Bộ Công an, đề xuất Chính phủ cho phép lựa chọn phương thức đấu giá biển số ô tô. Tuy nhiên qua nhiều lần hội thảo và xin ý kiến thủ tướng, các bộ ngành thì vẫn vướng về mặt pháp lý, dư luận còn nhiều ý kiến khác nhau.

Chính vì vậy, tới năm 2011, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng cho phép dừng việc nghiên cứu thí điểm đấu giá biển số ô tô. Mốc thứ 2 đó là năm 2017, Văn phòng Chính phủ có thông báo của Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan để nghiên cứu đề án đấu giá biển số ô tô.

Qua 5 năm triển khai thực hiện, Bộ Công an đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính… nghiên cứu, xây dựng đề án thí điểm cấp quyền lựa chọn đấu giá biển số ô tô.

Tuy nhiên qua 5 năm, với nhiều cuộc hội thảo, lấy ý kiến các bộ ngành, thì thấy rằng vẫn còn vướng nhiều về pháp lý. Những quy định của pháp luật chưa phù hợp và khó thực hiện. Ví dụ như luật tài sản công, luật đấu giá tài sản... 

Chính vì vậy, chúng ta cần có một nghị quyết của Chính phủ khác với pháp luật hiện hành, để làm hành lang pháp lý, để chúng ta triển khai thực hiện việc đấu giá biển số ô tô.

Mốc thứ 3 đó là vào lúc 14h25 ngày 15/11/2022, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV đã thông qua dự thảo, Nghị quyết đấu giá biển số ô tô với tỷ lệ số phiếu 94,98%. Và 30 năm chúng ta đã về đích.

Đến giờ phút này chúng tôi đã xong về mặt pháp lý. Đồng thời đã chuẩn bị về nguồn nhân lực; xây dựng kế hoạch triển khai 2 nghị quyết; xây dựng nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin. 

Ngoài ra Bộ Công an sẽ lựa chọn một tổ chức đấu giá thực hiện những buổi đấu giá công khai, minh bạch. 

Chúng tôi cũng đưa ra một kho số để người lựa chọn. Theo dự kiến, phiên đấu giá đầu tiên sẽ diễn ra từ ngày 15/8 đến ngày 20/8.

PV: Việc đấu giá sẽ được thực hiện theo phương thức nào thưa ông? Người dân tham gia đấu giá cần thực hiện những bước nào ở trước, trong và sau phiên đấu giá? Ông có thế nói rõ hơn về việc Nghị quyết quy định như thế nào về quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá biển số xe ô tô; người nhận chuyển nhượng, trao đổi, được tặng cho, thừa kế xe ô tô gắn biển số trúng đấu giá? Một người có thể tham gia đấu giá bao nhiêu biển số?

Thiếu tướng Lê Xuân Đức: Theo quy định tại Nghị quyết 73, Bộ Công an lựa chọn một công ty đấu giá độc lập với các cơ quan quản lý nhà nước, đấu giá trực tuyến trên mạng.

Như vậy mọi người dân ở mọi nơi đều có thể truy cập vào trang đấu giá của công ty đấu giá đưa ra, thực hiện các bước trình tự thủ tục theo video hướng dẫn chúng tôi vừa gửi đến quý vị khán giả. Tôi khẳng định một điều là mọi lợi ích của người dân theo quy định của pháp luật đều được pháp luật đáp ứng, các cơ quan pháp luật phục vụ.

Nghị quyết 73 đã đáp ứng được nhu cầu của người dân đó là quyền sử dụng biển số xe đã trúng đấu giá. Người dân trúng đấu giá được quyền mua bán, chuyển nhượng, thừa kế biển số. Nhưng cần hiểu rằng với một phương tiện lưu hành được trên đường thì phải có đăng ký phương tiện, kiểm định an toàn mới đủ điều kiện lưu thông trên đường.

Còn một biển số đứng độc lập thì sẽ không có giá trị gì cả. Chính vì vậy mà người trúng đấu giá khi thực hiện quyền là phải đi đăng ký theo quy định về đăng ký xe. Thứ hai là thời hạn đăng ký. Thứ ba là biển số đó phải gắn với xe thì mới đảm bảo đủ các quyền đã được quy định cụ thể trong Nghị quyết.

Chúng ta thấy rằng pháp luật rất mở, không hạn chế quyền của người dân. Người dân có thể tham gia đấu giá ở tất cả các tỉnh trên cả nước, không hạn chế số lần đấu giá, không hạn chế số phương tiện đấu giá. Miễn là việc đăng ký đấu giá của người dân theo đúng quy định đấu giá của pháp luật được quy định cụ thể trong Nghị quyết 73 và Nghị định 39 của Chính phủ.

PV: Người dân rất quan tâm đến giá khởi điểm, tiền đặt trước, bước giá, tiền thu được từ đấu giá biển số xe ô tô, ông có thể thông tin cho người dân biết về vấn đề này như thế nào, thưa ông?

Thiếu tướng Lê Xuân Đức: Có 2 vấn đề mà chúng ta cần quản lý đó là quản lý về con người và quản lý về phương tiện.  Quản lý về con người thì Bộ Công an đã có đề án về định danh mã công dân. Quản lý phương tiện sẽ có định danh biển số ô tô.

Về mức giá khởi điểm đấu giá 40 triệu đồng, đây là mức giá bằng 5% của những phương tiện ô tô phổ thông nhất mà người dân đang lưu thông hiện nay. Đó là một mức khởi điểm rất phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân hiện nay.

Về giá đặt cọc, theo Nghị quyết, sẽ bằng giá khởi điểm. Bước giá tối thiểu là 5 triệu đồng và người đấu giá có thể đặt các bước giá 5 triệu đồng x n (n không giới hạn).

Phương thức đấu giá là đấu giá lên và toàn bộ số tiền đấu giá sẽ được nộp vào ngân sách nhà nước. Khi phân bổ ngân sách, Bộ Tài chính sẽ báo cáo Chính phủ và Chính phủ trình Quốc hội để giải ngân nguồn ngân sách này.

PV: Đối với những trường hợp không phải biển số trúng đấu giá tuy nhiên khi bán xe vẫn cố ý không nộp lại biển số mà giữ lại để chuyển nhượng thì chúng ta có cách quản lý nào để ngăn chặn tình trạng này hay không thưa ông?

Thiếu tướng Lê Xuân Đức: Trường hợp này chúng ta đã có những quy định cụ thể. Đơn cử, tại Nghị định 100 đã nêu rõ, xử phạt những chủ phương tiện không làm thủ tục chuyển quyền sở hữu sau khi mua, bán xe. Quy định về trách nhiệm của chủ phương tiện đối với mọi hoạt động của phương tiện khi tham gia giao thông.

Với hai quy định trên, dần dần với ý thức của người dân là thượng tôn pháp luật thì công tác quản lý đối với chủ phương tiện sẽ chặt chẽ.

PV: Xin ông cho biết việc định danh biển số sẽ được hiểu như thế nào và điều này khi áp dụng sẽ mang lại lợi ích gì cho người dân và cơ quan quản lý?

Thiếu tướng Lê Xuân Đức: Khi chúng ta thực hiện đấu giá biển số trên môi trường mạng thì việc tấn công mạng làm tê liệt quá trình đấu giá hoặc làm sai lệch kết quả đấu giá là nguy cơ có thể xảy ra và đều đã được Bộ Công an tính đến, chuẩn bị kỹ lưỡng để đảm bảo an ninh mạng. Trong quá trình thực hiện đấu giá, chúng tôi đảm bảo công khai, minh bạch và an toàn.

Định danh biển số là một cụm từ khá mới. Ở đây chúng tôi chỉ thay đổi cách quản lý. Định danh biển số ô tô được hiểu rằng, khi người dân mua bán, sang tên phương tiện, thì biển số của người dân vẫn sẽ được giữ lại và tiếp tục đăng ký cho chiếc xe khác.

Số trên biển sẽ giống như sim điện thoại, có thể lắp trên bất kỳ chiếc máy nào. Như vậy có thể hiểu rằng, khi chủ phương tiện bán xe của mình đi thì được giữ lại biển số để đăng ký cho chiếc xe khác.

Làm như vậy có thể thực hiện tốt cho công tác quản lý của nhà nước, đặc biệt là xử lý những vi phạm hành chính.

Hiện nay khi gửi những thông báo vi phạm đến chủ phương tiện thì chủ phương tiện đã bán cho người khác, vì vậy rất khó có những quy định để yêu cầu chủ phương tiện và yêu cầu người vi phạm thực hiện quyết định xử phạt.

Hoặc khi xảy ra tai nạn, truy được ra trách nhiệm của chủ phương tiện và trách nhiệm của người điều khiển phương tiện gây tai nạn sẽ rất khó khăn.

Như vậy, tiến tới định danh biển số ô tô là để phục vụ tốt cho công tác quản lý của nhà nước và đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ của người dân trong việc tham gia giao thông khi sử dụng phương tiện.

PV:Theo quy định định danh biển số, mỗi người dân sẽ được sở hữu tối đa bao nhiêu biển số thưa ông?

Thiếu tướng Lê Xuân Đức: Đây là vấn đề mà người dân rất quan tâm và đã được quy định cụ thể tại Chỉ thị số 10 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong tình hình mới.

Trong đó giao cho Bộ Công an xây dựng một đề án về định danh biển số ô tô để phục vụ cho công tác quản lý nhà nước.

Khi xây dựng đề án này, bản chất của vấn đề là phục vụ cho công tác quản lý của nhà nước về đảm bảo an toàn trật tự an toàn giao thông, nhằm quản lý tốt để đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Có 5 yếu tố để tạo thành đề án này: Thứ nhất là quy hoạch hạ tầng giao thông hiện nay. Nếu như mật độ phương tiện gia tăng như hiện nay từ 10-15% hàng năm, các chung cư mọc lên trong khi đường sá mới chỉ đáp ứng được một mức độ nhất định, thì chắc chắn đến một ngày nào đấy ở Hà Nội, TP.HCM và các đô thị lớn sẽ đông kín ô tô xe máy.

Thứ hai, cần làm tốt giao thông công cộng để người dân cảm thấy thuận tiện khi tham gia giao thông công cộng, thấy tốt hơn là điều khiển phương tiện cá nhân. Thứ ba là người dân cần phải ý thức thượng tôn pháp luật khi tham gia giao thông.

Thứ tư, để hạn chế phương tiện giao thông thì cần có hình thức tăng mức phí của phương tiện cá nhân khi vào nội đô.

Cuối cùng là định danh biển số ô tô. Đến một thời điểm nhất định, mỗi người dân sẽ có quyền đăng ký một số lượng phương tiện nhất định. Khi vượt quá số lượng nhất định đấy thì phải trả một mức phí để hạn chế phương tiện cá nhân gia tăng, giảm ùn tắc ở các đô thị. Định danh biển số là một trong những biện pháp nằm trong tổng thể đề án.

PV:Về kho biển số thì sao thưa ông? Trong đợt đầu tiên của phiên đấu giá dự kiến có bao nhiêu biển số được đưa ra và là giải biển số của những địa phương nào?

Thiếu tướng Lê Xuân Đức: Trong Nghị quyết 73, chúng ta sẽ tổ chức đấu giá tất cả các biển số của 63 địa phương, để người dân có quyền lựa chọn biển số của tất cả các địa phương. Ví dụ người dân ở TP.HCM nếu thích vẫn có thể lựa chọn và đấu giá biển số ở Hà Nội.

Theo dự kiến của Cục CSGT, trong thời gian một quý, chúng tôi sẽ cấp khoảng 100.000 biển số để đưa ra đấu giá. Và số biển này sẽ là một phiên đấu giá, trong phiên đấu giá sẽ có nhiều cuộc đấu giá; không phải một lúc chúng ta đấu giá 100.000 biển số, mà còn tùy theo tình hình thực tế, nhu cầu của người dân… chúng ta có thể đấu giá 1.000 biển, 10.000 biển...

Công dân Việt Nam trên mọi miền Tổ quốc đều có thể tham gia đấu giá. Khi người dân đến đăng ký đấu giá biển số xe thì chỉ cần mang theo CCCD và đăng ký ở nơi thường trú hoặc tạm trú. Đây là một chính sách rất mở của Bộ Công an, lấy người dân làm trung tâm.

PV: Xin cảm ơn Thiếu tướng!

Nguồn VOV

Nguồn tin: baotayninh.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp