Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc- Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ Công tác triển khai Đề án 06; ông Phạm Tiến Dũng- Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đồng chủ trì.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh.
Tham dự tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh có Đại tá Trần Văn Luận- Phó Giám đốc Công an tỉnh; các thành viên Tổ công tác triển khai Đề án 06 trên địa bàn tỉnh; đại diện lãnh đạo các ngân hàng.
Với việc xây dựng thành công cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, căn cước công dân điện tử, định danh và xác thực điện tử cũng như triển khai có hiệu quả Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6.1.2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, tiến trình chuyển đổi số ở Việt Nam đang được đẩy nhanh và hướng tới các hoạt động thực chất, mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp, xã hội.
Nguồn tài nguyên về dữ liệu là tài nguyên vô hạn, càng khai thác càng tạo ra giá trị mới nên phải nỗ lực tạo ra nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp. Với mong muốn thu hút nguồn lực từ cộng đồng tài năng trẻ đồng hành cùng Bộ Công an, Chính phủ trong phát huy tính sáng tạo để nhanh chóng hình thành các ý tưởng và sản phẩm công nghệ thông tin thiết thực phục vụ tiến trình chuyển đổi số, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội phối hợp với Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đài Truyền hình Việt Nam và Báo Điện tử VNExpress và các đơn vị tài trợ (Công ty cổ phần Tập đoàn MK, Tổng Công ty công nghệ - viễn thông toàn cầu (Gtel), Công ty cổ phần marketing Mặt trời vàng (Goldsun), Công ty cổ phần hệ thống công nghệ (ETC - EPAY), Công ty TNHH một thành viên ứng dụng kỹ thuật và sản xuất (Tecapro), Tập đoàn FPT) tổ chức cuộc thi tìm kiếm giải pháp công nghệ “Dữ liệu với cuộc sống” phục vụ xây dựng chính phủ số, xã hội số và kinh tế số.
Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu các tỉnh, thành phố.
Cuộc thi nhằm cổ vũ các ý tưởng sáng tạo khai thác dữ liệu một cách hiệu quả đề hình thành các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ công nghệ thiết thực phục vụ 3 trụ cột: Chính phủ số (các giải pháp thúc đẩy dịch vụ công hiệu quả), Xã hội số (các giải pháp thúc đẩy các dịch vụ an sinh xã hội), Kinh tế số (các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế); tìm ra các ý tưởng, sản phẩm để ươm tạo thành các sản phẩm hoàn thiện, hình thành các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; hình thành hệ sinh thái thúc đẩy chia sẻ dữ liệu, chia sẻ ý tưởng và giải pháp khai thác dữ liệu thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia.
Đối tượng dự thi là công dân Việt Nam đang sinh sống ở trong nước hoặc nước ngoài; người nước ngoài sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Ban tổ chức cung cấp các kho dữ liệu mở (từ nguồn hợp pháp, công khai) cùng với các định hướng sản phẩm. Các đội thi đăng ký tham gia hạng mục phù hợp, ví dụ như Chính phủ số, Xã hội số, Kinh tế số (có thể phục vụ nhiều hơn một trụ cột), kèm tên ý tưởng sản phẩm. Ban tổ chức cũng sẽ cung cấp danh sách các chuyên gia để hỗ trợ các đội thi lên ý tưởng và triển khai sản phẩm. Các đội trải qua 3 vòng thi gồm sơ loại (chọn ra top 30), chung khảo (bình chọn top 10), chung kết (top 5).
Buổi lễ cũng đã công bố website diễn đàn chuyển đổi số quốc gia với tên miền là www.diendanchuyendoiso.gov.vn. Việc xây dựng diễn đàn với mục đích thu hút các chuyên gia về lĩnh vực công nghệ, pháp lý cùng trao đổi, thảo luận để tham mưu, đưa ra những phương án cho công tác chuyển đổi số trong quản lý dân cư, căn cước công dân, định danh và xác thực điện tử.
Tại điểm cầu Tây Ninh.
Để phục vụ xây dựng và phát triển nhóm tiện tích phát triển kinh tế - xã hội về ứng dụng dữ liệu dân cư, Bộ Công an nghiên cứu triển khai việc ứng dụng dữ liệu dân cư trong đánh giá khả tín khách hàng vay được sử dụng bởi các tổ chức tài chính - ngân hàng để cho phép người dân.
Đặc biệt là nhóm người yếu thế trong xã hội có cơ hội tiếp cận nguồn vốn chính thống với mức lãi suất phù hợp, dần giảm thiểu tiêu cực của tín dụng đen trong đời sống. Các đại biểu đã thảo luận xoay quanh một số vấn đề như: dữ liệu tín dụng và thực trạng sử dụng dữ liệu tín dụng trong hoạt động tài chính - ngân hàng tại Việt Nam; ứng dụng mô hình đánh giá khả tín khách hàng vay trong hoạt động cấp tín dụng bán lẻ tại ngân hàng, thực trạng và đề xuất;
Ứng dụng đánh giá khả tín khách hàng vay trong phê duyệt và quản lý sau vay tại các đơn vị tài chính - ngân hàng; các nội dung về pháp lý Nghị định 13 bảo vệ dữ liệu cá nhân trong vấn đề sử dụng dữ liệu dân cư trong đánh giá khả tín khách hàng vay cung cấp cho các đơn vị tài chính - ngân hàng; thực trạng tín dụng tại Việt Nam và đánh giá ứng dụng phân tích dữ liệu giảm thiểu tín dụng đen.
Phương Thảo