Tự ý giữ xe, đòi tiền sau va chạm giao thông
Theo đơn tố cáo hành vi chiếm đoạt tài sản được bà Nguyễn Thị Th. (trú tại xã Thủy Đường, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) gửi tới Công an huyện Thủy Nguyên, khoảng 18h30 ngày 18/5/2023, bà Thủy điều khiển xe ô tô BKS 74A - 152.8X trên đường Đỗ Mười, huyện Thủy Nguyên đã xảy ra va chạm với ô tô BKS 15K - 088.9X do ông Vũ Thanh Ng. điều khiển.
Vụ va chạm giao thông xảy ra ở phường Hạ Lý (TP Hải Phòng) không phức tạp nhưng dẫn tới việc anh Trần Thái Hưng bị đánh hội đồng.
Sau khi xảy ra tai nạn, bà Th. xuống xe nhận lỗi do tấp xe vào lề quá nhanh dù đã kịp bật đèn tín hiệu. Bà Th. đã nhận trách nhiệm bồi thường tổn thất từ vụ tai nạn trên với ông Ng.
Tuy nhiên, trong lúc hai bên đang đàm phán với nhau, xuất hiện một nhóm người, trong đó có một phụ nữ giới thiệu tên H., là vợ ông Ng.
Bà Th. có trao đổi với bà H. nguyện vọng muốn đưa chiếc xe va chạm đến hãng xe để kiểm tra xe thế nào rồi giải quyết tiếp. Nhưng bà H. nói xe ô tô này là của bà, không có một loại bảo hiểm nào nên hai bên sẽ tự thỏa thuận giải quyết.
Cả nhóm người đi cùng bà H. đến đe dọa, yêu cầu bà Thủy lên xe của bà H. và đọc cho bà Th. viết biên bản xác nhận tai nạn. Vì là nữ giới, chỉ có một thân một mình, nên bà Th. đành làm theo mọi yêu cầu của nhóm người này. Sau đó, bà H. yêu cầu bà Th. chuyển số tiền 200 triệu đồng vào tài khoản cho bà H. coi như đặt cọc đền bù.
Do tài khoản của bà Th. lúc đó không có đủ tiền, nên bà Th. đã chuyển vào tài khoản Đinh Thị Thu H. ở Ngân hàng V. số tiền 100 triệu đồng. Tuy vậy, bà H. vẫn giữ hết giấy tờ tùy thân, bằng lái xe ô tô và giấy tờ xe của bà Th. để làm tin.
Tưởng sự việc đến thế đã là tận cùng, bà Th. nín nhịn ra xe định đi về thì bà H. yêu cầu để xe lại với lý do giấy tờ (bằng lái xe, giấy tờ tùy thân) đó không có giá trị.
“Không có đủ 200 triệu thì phải để lại xe”, bà H. tuyên bố và buộc bà Th. phải để lại xe để làm cơ sở bồi thường. Không thể đàm phán, trước sự cương quyết của bà H. cùng nhóm người đi cùng, bà Th. đành phải để xe lại.
Nhiều ngày sau, bà Th. liên tục gọi điện cho bà H. và ông Ng. đề nghị tới hãng xe cùng với bộ phận bảo hành lên phương án khắc phục hậu quả do vụ tai nạn, chi phí sẽ do bà Th. chịu trách nhiệm 100%. Tuy nhiên, 2 vợ chồng này nhất định không đến với lý do bận. Chiếc ô tô của bà Th. vẫn tiếp tục bị hai vợ chồng ông Ng., bà H. giữ.
Ngày 23/5, bà H. đưa ra yêu cầu với bà Th. phải mua xe mới đền hoặc là chuyển cho bà H. 400 - 500 triệu đồng thanh toán tiền sửa xe thì bà Th. mới được lấy xe về. Bà H. và ông Ng. nói: “Đã biết hiện trạng xe hỏng cái gì và đã làm việc với hãng xe, bà Th. không cần tới hãng, cứ chuyển đủ tiền thì lấy xe về ”.
Hành xử “luật rừng” dễ vướng vòng lao lý
Anh Trần Thái Hưng điều trị tại bệnh viện vì chấn thương sọ não, vỡ xương hốc mắt, rách mi mắt.
Bức xúc trước sự bất hợp tác và hành vi chiếm giữ tài sản bất hợp pháp của vợ chồng bà H., ngày 23/5, bà Th. làm đơn trình báo vụ việc lợi dụng vụ tai nạn giao thông để có dấu hiệu cưỡng đoạt tài sản tới Công an huyện Thủy Nguyên.
Phóng viên Báo Giao thông đã làm việc với Công an huyện Thủy Nguyên và được biết, khoảng 14h30 chiều 23/5, sau khi bà Th. có đơn trình báo và tố cáo hành vi cưỡng đoạt tài sản, vợ chồng bà H. đã mang ô tô BKS 74A - 152.8X của bà Th. đến Công an huyện bàn giao cho cơ quan công an.
Được biết, Công an huyện Thủy Nguyên sẽ tách 2 vụ việc tai nạn giao thông và thu giữ tài sản để điều tra riêng.
Theo luật sư Bùi Đức Hải, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, trong vụ TNGT giữa bà Th. và ông Ng., cách xử lý đúng pháp luật là 2 bên thông báo cho lực lượng CSGT về vụ tai nạn. CSGT sẽ tiến hành điều tra nguyên nhân vụ tai nạn, kết luận ai là người sai để có căn cứ bồi thường.
Việc người trong cuộc, ở đây là vợ chồng ông Ng., bà H. có cách hành xử là tự ý giữ xe, đòi tiền chuộc mới trả xe trong khi đây là tài sản của người khác là có dấu hiệu cưỡng đoạt tài sản.
“Cưỡng đoạt tài sản được hiểu là hành vi đe dọa dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản. Trong sự việc này, bà H. và ông Ng. đã có dấu hiệu lợi dụng việc va chạm giao thông để cưỡng đoạt xe, 100 triệu đồng của bà Th., sau đó bà H. còn yêu cầu bà Th. chuyển 400 - 500 triệu đồng mới trả xe”, luật sư Hải cho hay.
Về nội dung này, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM khuyến cáo, đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, khi xảy ra va chạm, TNGT phải trình báo để cơ quan công an xác nhận, lập biên bản hiện trường. Kể cả khi hòa giải, có cơ quan công an chứng thực mới là cơ sở pháp lý.
“Thực tế đã chứng minh, người bị va chạm, TNGT tự thỏa thuận miệng, không có cơ quan công an làm chứng, không có một chứng cứ nào, sau này xảy ra tranh chấp, khiếu kiện sẽ rất phức tạp. Còn tự ý đe dọa, tịch thu tài sản, ép buộc người liên quan đưa tài sản cho mình sau va chạm sẽ đối mặt với việc bị xử lý hình sự”, luật sư Hậu cho hay.
Trước đó, khoảng 20h45 ngày 28/5, anh Trần Thái Hưng (SN 1985, ở TP Hải Phòng) lái xe qua 1 quán bia ở phường Hạ Lý (TP Hải Phòng) đã va vào ô tô 7 chỗ đậu bên phải do đoạn đường quá hẹp.
Sau sự cố, anh Hưng đã nhận lỗi về mình nhưng khi một số người yêu cầu đưa giấy tờ xe cho họ thì anh Hưng từ chối và nói chỉ làm việc với chủ xe 7 chỗ nên lập tức anh bị đánh hội đồng dẫn tới chấn thương sọ não, vỡ xương hốc mắt, rách mi mắt.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, Trưởng Công an phường Hạ Lý, ông Phan Đức Xạ cho biết: “Đơn vị đã tiếp nhận đơn của anh Hưng trình báo. Hiện đơn vị đã báo cáo lên Công an quận Hồng Bàng về vụ việc trên, đồng thời đang tích cực điều tra và làm rõ theo đúng quy định”.
Nguồn baogiaothong