Sinh thời, Bác Hồ kính yêu luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với thương binh, liệt sĩ, những người đã hy sinh thân thể, tính mạng cho công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc. Tháng 6.1947, Bác đã chỉ thị chọn 1 ngày trong năm làm “Ngày Thương binh”.
Thực hiện chỉ thị của Người, hội nghị trù bị gồm đại biểu các cơ quan, các ngành ở Trung ương, khu và tỉnh họp tại Phú Minh, Đại Từ, Thái Nguyên nhất trí lấy ngày 27.7.1947 là “Ngày Thương binh, Liệt sĩ”. Bác căn dặn, sự đền ơn, đáp nghĩa thương binh và gia đình liệt sĩ cần phải được thể hiện bằng những việc làm cụ thể, bằng sự giúp đỡ về vật chất và tinh thần do Nhà nước và nhân dân cùng thực hiện, nên coi đó là nghĩa vụ mà không phải là việc làm phúc.
Hiện nay, Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 ngày 9.12.2020 ưu đãi người có công với cách mạng nêu cụ thể những nội dung liên quan đến vấn đề trên như thế nào?
Trước tiên về đối tượng, Điều 3 Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng quy định có 2 nhóm đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, đó là người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng.
Trong đó, người có công với cách mạng bao gồm: Người hoạt động cách mạng trước ngày 1.1.1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 1.1.1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; liệt sĩ; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Anh hùng LLVT nhân dân; Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31.12.1993; người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học; người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày; người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế; người có công giúp đỡ cách mạng. Thân nhân của người có công với cách mạng bao gồm: cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi, người có công nuôi liệt sĩ.
Chăm lo sức khoẻ, đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng là trách nhiệm của Nhà nước và xã hội. Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân quan tâm, giúp đỡ và thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.
Do đó, Điều 5 Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng quy định tuỳ từng đối tượng, người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng được hưởng trợ cấp hằng tháng, phụ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần và các chế độ ưu đãi khác theo quy định.
Bên cạnh đó, trong lĩnh vực này, Điều 7 Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng quy định nghiêm cấm khai báo gian dối, giả mạo giấy tờ để hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền lợi của người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng; vi phạm nguyên tắc quản lý, sử dụng kinh phí bảo đảm thực hiện các chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa; lợi dụng việc thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng để vi phạm pháp luật.
Khoản 4 Điều 55 Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng quy định người có hành vi lợi dụng chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng để trục lợi, thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong giai đoạn cách mạng mới, Đảng và Nhà nước ta đã tiếp tục xác định thực hiện tốt chính sách người có công; đẩy mạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa; tiếp tục cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công; bảo đảm chế độ ưu đãi người có công và gia đình người có công phù hợp với xu hướng tăng trưởng kinh tế, tiến bộ và công bằng xã hội. Hiện nay, tính đến tháng 7.2022, toàn quốc đã xác nhận được hơn 9,2 triệu người có công.
LG Ánh Tuyết