Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ tại đây, cảm ơn !

Cấp phúc thẩm huỷ án sơ thẩm vì chưa đủ căn cứ và vi phạm tố tụng1 

Thứ năm - 20/01/2022 14:46
BTN - Trong vụ án này, điều khá lạ là, người đi cùng xe với bị cáo kiên quyết xin nhận tội, còn cha bị hại cho rằng cấp sơ thẩm truy tố bị cáo là không đúng người, đúng tội nên có đơn kháng cáo toàn bộ bản án.

\

Bị cáo Kỳ Anh tại phiên toà phúc thẩm.

Như báo đã đăng trong số kỳ trước, dù bị cáo Phạm Kỳ Anh luôn khẳng định mình không phải là người điều khiển xe dẫn đến tai nạn, cũng như người đi cùng xe với bị cáo là Lê Văn Long thú nhận mình là người điều khiển xe, nhưng Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm TAND huyện Tân Châu vẫn cho rằng, Kỳ Anh là người điều khiển xe gây tai nạn nên bị tuyên phạt 3 năm tù.

Trong vụ án này, điều khá lạ là, người đi cùng xe với bị cáo kiên quyết xin nhận tội, còn cha bị hại cho rằng cấp sơ thẩm truy tố bị cáo là không đúng người, đúng tội nên có đơn kháng cáo toàn bộ bản án.

Cha bị hại: Gia đình anh Long nhiều lần mang tiền đến bồi thường

Cha bị hại là ông Trịnh Văn Ngôn cho rằng, toà sơ thẩm xác định người điều khiển phương tiện gây tai nạn là Kỳ Anh là không đúng người phạm tội. “Tôi khẳng định người điều khiển phương tiện gây tai nạn là Lê Văn Long.

Có nhiều chứng cứ thể hiện rõ người điều khiển phương tiện gây tai nạn là anh Long như lời khai nhận của Long tại bút lục số 162, lời khai của nhân chứng Nguyễn Văn Sơn. Tại phiên toà, luật sư bào chữa cho bị cáo Kỳ Anh cung cấp chứng cứ là tin nhắn qua Facebook của anh Long gửi cho bạn gái, trong đó thừa nhận chính mình mới là người điều khiển phương tiện gây tai nạn làm chết người, nhưng TAND huyện Tân Châu không làm rõ nội dung quan trọng này”- đại diện bị hại viết trong đơn kháng cáo.

Cha của bị hại cho biết thêm, trong suốt quá trình điều tra, truy tố xét xử, bị cáo Kỳ Anh kêu oan và không có lời khai nhận tội. Trong khi đó, ngay từ lúc tai nạn mới xảy ra, cha mẹ, ông nội anh Long đã nhiều lần đem tiền đến nhà ông Ngôn bồi thường, tổng cộng là 31 triệu đồng và yêu cầu gia đình ông viết đơn bãi nại, gia đình anh Long sẽ bồi thường tiếp nhưng ông không đồng ý. “Nếu anh Long không phải là người gây ra tai nạn, hà cớ gì phải bồi thường cho gia đình tôi và năm lần bảy lượt yêu cầu tôi viết đơn bãi nại cho anh Long” - ông Ngôn viết trong đơn.

Luật sư: nhân chứng mô tả hiện trường không đúng vị trí xảy ra tai nạn

Bào chữa cho bị cáo Kỳ Anh tại phiên toà phúc thẩm, luật sư Nguyễn Hữu Lộc- Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh phân tích, đại diện VKS khẳng định rằng anh Long không phải là người điều khiển xe. Căn cứ dấu vết tại hiện trường, lời khai nhân chứng nên VKS khẳng định “người mặc áo đỏ” chính là người điều khiển xe, tức bị cáo Kỳ Anh.

Tuy nhiên theo luật sư, lời trình bày của nhân chứng là hoàn toàn không đúng với thực tế. Cụ thể, các bản ảnh tại hiện trường và bản ảnh dựng lại hiện trường theo lời nhân chứng cho thấy, hiện trường mà nhân chứng Trần Mạnh Hoàng và Nguyễn Quý Giản mô tả, trình bày với cơ quan điều tra là “không đúng với vị trí nơi xảy ra tai nạn”.

Theo bản ảnh hiện trường, nơi xảy ra tai nạn là tại vị trí “lề đường trống” không có vườn cây cao su, còn bản ảnh dựng lại hiện trường thì vị trí tai nạn nằm kế bên vườn cao su, cụ thể là bên cạnh cây cao su.

“Nếu lời trình bày của các nhân chứng là đúng, thì vị trí gây tai nạn trong bản ảnh hiện trường mà cơ quan điều tra thu thập là không đúng hay sao? Và nếu như vị trí gây tai nạn của CQĐT thu thập là đúng thì các nhân chứng trình bày là hoàn toàn sai, tức là các nhân chứng không có mặt tại hiện trường” - luật sư Lộc phân tích.

Tại phiên toà, luật sư Lộc cũng chỉ ra lời trình bày của các nhân chứng mâu thuẫn nhau. Anh Hoàng, anh Giản thì khai rằng “người ngồi sau mặc áo khoác màu đen, người ngồi trước mặc áo màu đỏ”; còn nhân chứng Đỗ Văn Dũng cho biết, người lái xe Nouvo mặc áo khoác đen. Theo luật sư, bản ảnh hiện trường cho thấy, CQĐT không tiến hành thu thập các dấu vết và các vật chứng.

Cụ thể, CQĐT không ghi nhận và thu giữ các vết máu tại hiện trường để giám định xem là máu thu được là của ai? CQĐT không ghi nhận và thu giữ khẩu trang tại hiện trường để giám định khi tai nạn xảy ra để xác định anh Long và bị cáo “có văng ra khỏi xe hay là nằm tại chỗ như lời khai của nhân chứng”.

Theo bản ảnh, xe bị cáo và anh Long sử dụng đụng vào xe bị hại thì đầu xe bị cáo sử dụng thụt vào, anh Long và Kỳ Anh có bị văng ra xa hay là nằm tại chỗ như lời khai của nhân chứng? Nếu xác định bị cáo và anh Long nằm tại chỗ nơi xảy ra tai nạn như lời khai của nhân chứng thì hoàn toàn không phù hợp với quy luật về quán tính trong vật lý.

Thông thường khi 2 xe va chạm nhau, người ngồi phía sau sẽ văng về phía trước, nếu hai xe va chạm mạnh, đấu đầu nhau với tốc độ cao thì người ngồi phía sau có khả năng bay lên không trung về phía trước theo hướng di chuyển của xe,

Luật sư Lộc cũng cho biết, theo hồ sơ vụ án, anh Long bị chấn thương “gãy cung gò má trái và nứt thành trước xoang trán và bị thương cằm” là phù hợp với vết thương của người cầm lái điều khiển xe nhưng không phù hợp với vị trí và tư thế ngã như lời khai của các nhân chứng dựng lại hiện trường.

Trong hồ sơ thể hiện, các thương tích của bị cáo và anh Long lại không phù hợp với tư thế ngã và vị trí ngã như lời các nhân chứng. Từ những phân tích trên, luật sư đề nghị HĐXX chấp nhận đơn kháng cáo của bị cáo, tuyên huỷ bản án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra lại để tránh bỏ lọt tội phạm, tránh oan sai cho người vô tội.

Cấp phúc thẩm: Lời khai nhân chứng mâu thuẫn

Tại phiên phúc thẩm diễn ra tại TAND tỉnh, thay mặt HĐXX, thẩm phán Lê Thị Thu Trang nhận định, về đặc điểm và trang phục của anh Long thì những người làm chứng thấy anh mặc áo sơ mi màu xám, áo khoác màu đen. Tuy nhiên, cũng có lời khai nhân chứng cho rằng, cả bị cáo và anh Long đều mặc áo khoác màu đen.

Về nhân chứng, HĐXX nhận định, các nhân chứng điều khiển xe đi cùng chiều với bị cáo có lời khai với CQĐT “không thống nhất”, có lúc họ trình bày “không để ý”, “không chắc lắm”, với lý do xe bị cáo chạy qua nhanh, nhưng có lúc họ lại “khẳng định rõ đặc điểm, màu áo, khẳng định hình dáng từng người”. Khi tai nạn xảy ra, các nhân chứng không chứng kiến mà lúc sau, khi đến nơi xảy ra tai nạn, họ lại khẳng định “người điều khiển xe mặc áo màu đỏ, người ngồi sau mặc áo màu đen” là không đủ cơ sở.

Đối với nhóm người làm trong vườn cao su, HĐXX nhận định, cả nhóm đứng cách xa hiện trường từ 200-300m, không trực tiếp chứng kiến mà chỉ có mặt khi tai nạn đã xảy ra. Họ chỉ dựa vào việc chứng kiến vị trí, tư thế nằm của bị cáo và anh Long khi xảy ra tai nạn mà khẳng định ai là người điều khiển xe gây tai nạn là hoàn toàn không có cơ sở.

Mặt khác, căn cứ vào các bản ảnh, hai xe va chạm bị hư hỏng, đầu xe biến dạng. Khi tai nạn xảy ra, bị hại cũng không nằm ở chỗ vị trí tai nạn, còn bị cáo và anh Long bị thương rất nặng, vết thương ở vùng trước, sau xoang hàm, hốc mắt, tụ máu dưới màng não… cho thấy trước khi cả hai rơi xuống đất, hai xe va chạm rất mạnh.

Do đó, HĐXX nhận định, việc các nhân chứng khẳng định bị cáo và anh Long giữ nguyên vị trí trên xe rồi ngã sang trái, xe đè lên hai người là không có căn cứ. Tất cả những người làm chứng trong vụ án này hoàn toàn không chứng kiến trực tiếp tai nạn xảy ra và lời khai có nhiều mâu thuẫn.

Về thủ tục nhận dạng, HĐXX nhận định, tại bút lục 381, 386 thể hiện CQĐT, cho tiến hành nhận dạng nhưng chỉ đưa ra hai tấm ảnh là không đúng quy định tại Điều 190 Bộ luật Tố tụng hình sự là “số người, ảnh hoặc vật đưa ra để nhận dạng ít nhất phải là ba và bề ngoài phải tương tự nhau, trừ trường hợp nhận dạng tử thi”. Như vậy, CQĐT đã thực hiện hành vi tố tụng không đúng quy định Bộ luật Tố tụng hình sự nên bút lục 381, 386 không có giá trị xem xét, đánh giá chứng cứ.

Về lời trình bày của anh Giản, anh Dũng tại biên bản nhận dạng, HĐXX thấy rằng, trước đó anh Hoàng và anh Của có những lời khai không thống nhất. Tại bút lục 20, anh Hoàng trình bày thời điểm xảy ra tai nạn anh không nghe tiếng hai xe đụng nhau, không nghe tiếng thắng, tiếng kèn gì cả, vì lúc đó xe bị cáo đã chạy trước anh khoảng 200m.

Tuy nhiên, khi nhận dạng tại bút lục 283, thì anh khẳng định rõ xe mô tô bị cáo đụng với xe mô tô đi ngược chiều, anh thấy bị cáo và anh Long không đổi vị trí cho nhau nhưng sau đó trong biên bản nhận dạng lại trình bày thấy hai người này bị ngã, xe đè lên.

Trong khi đó, anh Của trình bày là lúc đó xe mô tô của bị cáo chạy qua xe anh với tốc độ nhanh, anh chỉ để ý người ngồi sau mặc áo khoác bên ngoài màu đen. Khi tai nạn xảy ra, anh đến hiện trường thì thấy người nằm phía trước mặc màu đỏ, người phía sau mặc áo màu đen nhưng tại bút lục khác anh khẳng định người mặc áo màu đỏ là người điều khiển xe. Như vậy, lời khai của anh Hoàng và anh Của không bảo đảm tính khách quan.

Từ những nhận định, HĐXX cho rằng cấp sơ thẩm kết luận bị cáo Kỳ Anh là người điều khiển xe gây ra tai nạn để xét xử về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” tại điểm b Khoản 2 Điều 260 BLHS là chưa đủ cơ sở vững chắc nên tuyên huỷ bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ cho Viện KSND huyện Tân Châu điều tra lại.

ĐỨC TIẾN

Các nhân chứng khẳng định bị cáo và anh Long giữ nguyên vị trí trên xe rồi ngã sang trái, xe đè lên hai người là không có căn cứ. Tất cả những người làm chứng trong vụ án này hoàn toàn không chứng kiến trực tiếp tai nạn xảy ra và lời khai có nhiều mâu thuẫn. (Nhận định Hội đồng xét xử phúc thẩm)

Nguồn tin: baotayninh.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp