Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ tại đây, cảm ơn !

Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo Deepfake

Thứ bảy - 14/12/2024 08:53
Nhiều người dùng mạng xã hội đã bị lừa tiền bởi đoạn video, cuộc gọi video hay đoạn hội thoại giả mạo người thân được tạo ra từ công nghệ này.

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nhiều người dùng mạng xã hội đã bị lừa tiền bởi đoạn video, cuộc gọi video hay đoạn hội thoại giả mạo người thân được tạo ra từ công nghệ này.

Tình trạng lừa đảo sử dụng công nghệ cao ngày càng phổ biến với thủ đoạn, phương thức tinh vi. Gần đây xuất hiện một loại thủ đoạn tinh vi hơn được các đối tượng lừa đảo sử dụng đó là Deepfake.

Đây là công nghệ có thể mô phỏng khuôn mặt con người, cho phép người dùng tạo ra những hình ảnh, đoạn video giả mạo gần giống với người thật. Nhiều người dùng mạng xã hội đã bị lừa tiền bởi đoạn video, cuộc gọi video hay đoạn hội thoại giả mạo người thân được tạo ra từ công nghệ này.

Lực lượng Công an đẩy mạnh tuyên truyền trên các nhóm Zalo.

Một số ý kiến cho rằng, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đang giúp ích rất nhiều trong đời sống con người. Tuy nhiên những kẻ xấu đã lợi dụng công nghệ này để sao chép giọng nói, hình ảnh từ việc chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội, sau đó nghiên cứu tin nhắn, cách xưng hô, lịch sử giao dịch... để tạo ra những cuộc gọi giả và lừa tiền người thân, gia đình của tài khoản bị chiếm đoạt.

Với thủ đoạn Deepfake, video giả mạo có độ chính xác cao, khó phân biệt thật giả. Tuy nhiên, video do đối tượng tạo sẵn thường có nội dung chung chung, không phù hợp hoàn toàn với ngữ cảnh giao tiếp thực tế, có thể khiến nạn nhân nghi ngờ, phát hiện. Để che lấp khuyết điểm trên, các đối tượng thường tạo ra video với âm thanh khó nghe, hình ảnh không rõ nét giống cuộc gọi video có tín hiệu chập chờn được thực hiện trong khu vực phủ sóng di động, wifi yếu.

Anh N.T.A, ngụ phường 1, thành phố Tây Ninh cho biết, hơn 1 tháng trước, anh nhận tin nhắn của người thân cần mượn gấp một số tiền. Sợ bị lừa đảo, anh chưa chuyển khoản, mà tiếp tục nói chuyện với người này để xác nhận thêm thông tin.

Sau đó, đối tượng đã chủ động gọi video cho anh để chứng minh bản thân là tài khoản thật. Tuy nhiên, quá trình gọi video, anh nhận thấy khuôn mặt người thân không được tự nhiên, ánh sáng khá mờ, không nhìn rõ người và vật xung quanh, có khá nhiều tiếng ồn. Đối tượng viện lý do đang ở khu vực có sóng yếu nên không thể nhìn rõ hình ảnh. Do liên quan đến vấn đề tài chính, anh khá thận trọng, thường xác nhận rõ thông tin thì mới thực hiện chuyển khoản. Sau một lúc nói chuyện không đạt được mục đích, đối tượng đột ngột tắt cuộc gọi và không liên hệ nữa.

Hội Phụ nữ các cấp tăng cường tuyên truyền pháp luật, nâng cao ý thức phòng, chống tội phạm cho chị em phụ nữ (ảnh minh hoạ)

Trước tình trạng lừa đảo sử dụng công nghệ cao ngày càng diễn biến phức tạp, chị P.N.L, ngụ phường Hiệp Tân, thị xã Hoà Thành cho rằng: “Khi nhận cuộc gọi yêu cầu chuyển tiền gấp, chúng ta cần bình tĩnh, liên hệ trực tiếp với người thân, bạn bè thông qua một kênh khác để xác minh tính chân thật; kiểm tra kỹ số tài khoản được yêu cầu chuyển tiền. Nếu là tài khoản lạ thì không nên tiến hành giao dịch ngay. Khi nhận các cuộc gọi video có chất lượng kém, chập chờn để mượn tiền, tôi thường cảnh giác hơn, nghi ngờ về tính xác thực của cuộc gọi, tránh trở thành nạn nhân của tội phạm lừa đảo”.

Theo Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh, hoạt động sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo Deepfake tạo ra âm thanh, hình ảnh, video giả mạo để tống tiền hoặc tung tin sai sự thật có xảy ra trên địa bàn tỉnh. Tuỳ tính chất, nội dung vụ việc cụ thể, lực lượng Công an sẽ xác minh làm rõ, xác định đối tượng để xử lý theo quy định của pháp luật.

Kết quả xử lý có thể là mời làm việc, giáo dục, răn đe không tái phạm. Nếu vụ việc tung tin sai sự thật thì đề nghị xử phạt hành chính từ 10 - 20 triệu đồng về hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”.

Cần cảnh giác trước công nghệ Deepfake.

Nếu vụ việc tống tiền thì có thể xử phạt hành chính từ 3 - 5 triệu đồng về hành vi “Dùng thủ đoạn hoặc tạo ra hoàn cảnh để buộc người khác đưa tiền, tài sản” quy định tại Nghị định 144 của Chính phủ. Trong trường hợp vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng thì Cơ quan Công an sẽ khởi tố vụ án để điều tra theo quy định của pháp luật hình sự, tội danh có thể là cưỡng đoạt tài sản, tội vu khống hoặc tội làm nhục người khác.

Để không trở thành nạn nhân của tội phạm lừa đảo bằng thủ đoạn Deepfake, cơ quan Công an khuyến cáo mọi người cần hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng xã hội như: ngày sinh, căn cước công dân, số điện thoại, tài khoản ngân hàng, hình ảnh, video của bản thân, các thành viên trong gia đình, đặc biệt là trẻ vị thành niên. Trường hợp nghi ngờ hoặc xác định rõ đang vướng vào vụ việc thì thông báo cho Cơ quan Công an nơi gần nhất để được tiếp nhận và giải quyết.

Công nghệ sẽ liên tục thay đổi, chiêu trò lừa đảo luôn biến hoá khôn lường, là công cụ để đối tượng lừa đảo sử dụng. Việc phòng, chống các vụ lừa đảo trên không gian mạng không chỉ đơn giản là vấn đề kỹ thuật mà cần sự phối hợp đồng bộ về công nghệ, pháp lý và cơ chế. Ngoài ra, người dùng cần chủ động nâng cao cảnh giác, bảo vệ thông tin cá nhân, tránh bị sập bẫy lừa đảo.

An Đông

Nguồn tin: baotayninh.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp