“Do có sự cảnh giác nên nhiều người thân đã gọi điện trực tiếp cho tôi để hỏi rõ sự việc. Lúc này, tôi mới biết có kẻ xấu mạo danh tôi qua mạng xã hội để lừa đảo. Tôi đã đăng bài cảnh báo mọi người không chuyển tiền cho đối tượng mạo danh; đồng thời báo cáo sự việc cho Facebook xử lý”- chị A cho hay.
Anh C.M (ngụ TP. Tây Ninh) chia sẻ, ngày 7.1.2022, một tài khoản Facebook mạo danh anh M để lừa đảo bán máy điện thoại “dỏm”. Trước đó, người quen, khách hàng của anh M nhận được lời mời kết bạn trên Facebook. Tài khoản này có tên, hình đại diện là của anh M. Sau đó, tài khoản mạo danh đã đăng bài giới thiệu bán các loại điện thoại chính hãng với giá rất thấp. “Tôi rất bất ngờ khi người quen nhắn tin để chốt đơn mua điện thoại với giá rẻ. Họ còn cung cấp cả hình ảnh, tin nhắn mà kẻ mạo danh đã nhắn tin lừa đảo. Tôi đã đăng bài cảnh báo khách hàng chú ý không chuyển tiền vào tài khoản lạ khi chưa xác định rõ để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra”- anh M nói.
Trước đó, ông V.V.Đ (ngụ huyện Châu Thành) cho biết, từng bị người khác tạo tài khoản Facebook có tên, hình ảnh gia đình ông để kết bạn với họ hàng, người quen. Sau đó, kẻ xấu đã đăng bài có nội dung: hỗ trợ làm hồ sơ vay vốn không thẩm định, không thế chấp. Thủ tục cần CMND, sổ hộ khẩu hoặc giấy phép lái xe. Hỗ trợ tất cả các nợ xấu, hồ sơ nhanh, giải ngân sau 30 phút, kèm theo số điện thoại để liên hệ.
Một luật gia thuộc Hội Luật gia tỉnh cho biết, Facebook được xem là trang thông tin điện tử. Hành vi giả mạo trang thông tin điện tử của cá nhân, tổ chức khác là vi phạm pháp luật (khoản 3, Điều 12 Luật Công nghệ thông tin). Tuỳ tính chất, mức độ mà hành vi giả mạo trang thông tin điện tử của cá nhân, tổ chức có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu hành vi gây thiệt hại còn phải bồi thường theo quy định pháp luật.
Căn cứ điểm d, khoản 3, Điều 99 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3.2.2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử thì tổ chức thực hiện hành vi giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác sẽ bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng. Trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức. Ngoài bị phạt tiền, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ đường dẫn đến thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn, thông tin vi phạm pháp luật; buộc thu hồi hoặc buộc hoàn trả tên miền do thực hiện hành vi vi phạm.
Trường hợp thực hiện hành vi giả mạo Facebook, Zalo của người khác nhằm chiếm đoạt tài sản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự với mức hình phạt cao nhất là tù chung thân. Nếu việc giả mạo tài khoản của người khác nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự người khác thì có thể bị truy cứu về tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự.
Vị luật gia cho rằng, để tránh bị giả mạo tài khoản, mọi người nên hạn chế công khai quá nhiều thông tin, hình ảnh cá nhân của mình trên mạng xã hội. Những thông tin này dễ dàng tạo điều kiện để kẻ xấu lợi dụng mạo danh hoặc quấy rối, gây ảnh hưởng đến bạn. Khi phát hiện bị kẻ xấu mạo danh tài khoản mạng xã hội, người dùng cần gửi thông tin tới nhà cung cấp để họ khoá các tài khoản giả mạo; đồng thời, cần thông báo ngay cho người thân, bạn bè biết để tránh thiệt hại. Đặc biệt, mọi người cảnh giác với các yêu cầu chuyển tiền hoặc thanh toán qua các ứng dụng, mạng xã hội; xác thực thông tin bạn bè hoặc người thân (qua điện thoại hoặc trực tiếp) trước khi thực hiện giao dịch chuyển tiền.
Đào Như