Một vụ vận chuyển pháo lậu bị lực lượng chức năng phát hiện. Ảnh: Phương Thảo
Tội phạm về pháo diễn biến phức tạp
Tình hình vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng pháo phức tạp hơn so với năm trước, nhất là thời điểm cận tết. Lực lượng chức năng phát hiện, bắt, xử lý 126 vụ, 167 đối tượng (so với năm 2020 tăng 28 vụ, 37 đối tượng), chủ yếu bắt giữ các đối tượng trong quá trình vận chuyển.
Tình hình đốt pháo tuy không công khai nhưng diễn ra lẻ tẻ tại các khu vui chơi, công viên, huyện, thị xã biên giới. Hành vi đốt pháo khi đang tham gia giao thông, sử dụng dây cháy chậm để tránh bị bắt ngày càng phổ biến, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho người đi đường, loại pháo sử dụng chủ yếu là pháo banh được mua từ Campuchia.
Nhiều người dân phản ánh tình trạng các đối tượng thanh thiếu niên chạy xe ngoài đường đốt pháo bất ngờ gây ra những tiếng nổ lớn, ảnh hưởng đến tâm lý người tham gia giao thông. Ông Nguyễn Thành Tân, ngụ huyện Châu Thành cho biết: “Nếu không có “cầu” thì sẽ không có “cung”. Việc người dân bất chấp pháp luật, mua và tàng trữ pháo nổ để sử dụng vào dịp lễ, tết vô tình tiếp tay cho tội phạm buôn bán pháo lậu. Tai nạn do pháo nổ gây ra thường là chấn thương rất nặng như bỏng, mù mắt, giập nát bàn tay, đứt hai tay dẫn đến tử vong”.
Cán bộ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội- Công an tỉnh cho biết, có 4 nhóm đối tượng vi phạm về pháo gồm: chế tạo, sản xuất; mua bán; tàng trữ, vận chuyển; sử dụng trái phép.
Đối với nhóm chế tạo, sản xuất pháo trái phép, chủ yếu là thanh niên hiếu kỳ, lên mạng internet, mạng xã hội tìm mua hoá chất để tự chế tạo, sản xuất pháo sử dụng. Nhóm đối tượng mua bán pháo trái phép chủ yếu buôn lậu hàng hoá qua biên giới, người lao động tự do khu vực biên giới; trong nước đa phần là chủ hộ kinh doanh, cửa hàng tạp hoá, đối tượng có tiền án, tiền sự và người dân vì lợi nhuận nên mua pháo bán kiếm lời.
Đối với nhóm tàng trữ, vận chuyển pháo trái phép, các đối tượng buôn lậu hàng hoá qua biên giới, lái xe đường dài tuyến Bắc - Nam, người lao động tự do. Nhóm sử dụng pháo trái phép chủ yếu là thanh thiếu niên, công nhân tại các khu, cụm công nghiệp, thường đốt pháo tại khu vực công cộng, chỗ vắng, sử dụng dây cháy chậm, sau đó, bỏ trốn để tránh bị phát hiện, điều khiển xe máy đốt pháo ném ra đường và bỏ chạy.
Để kéo giảm các hành vi vi phạm liên quan đến pháo, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương ban hành nhiều văn bản chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân kịp thời tố giác vi phạm, hạn chế tình trạng đốt pháo nổ trái phép trước, trong và sau tết.
Công an rà soát, xác định, lên danh sách đối tượng theo 4 nhóm, phương thức thủ đoạn, tuyến, địa bàn, khu vực trọng điểm về hoạt động sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo trái phép- nhất là địa bàn, khu vực những năm trước còn xảy ra tình trạng đốt pháo nhiều, phức tạp về an ninh trật tự để vận động, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh ngăn chặn. Mở hồ sơ điều tra cơ bản, sưu tra, xác lập hiềm nghi, chuyên án để kịp thời đấu tranh, triệt phá các đường dây sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ pháo trái phép.
Dù tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lực lượng chức năng canh gác, tuần tra kiểm soát chặt chẽ nhưng các đối tượng vẫn lợi dụng đường mòn, lối mở để vận chuyển, mua bán pháo trái phép qua biên giới.
Vào ngày 16.12.2021, Công an xã Phước Vinh (huyện Châu Thành) phối hợp với Đồn Biên phòng Vàm Trảng Trâu tổ chức tuần tra, mật phục phát hiện tại đoạn sông Vàm Cỏ thuộc ấp Phước Trung có ghe chở hàng hoá đang hoạt động.
Tổ công tác ra hiệu lệnh dừng phương tiện, đối tượng đi trên ghe nhảy sông trốn thoát. Lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện 54 bịch nylon màu đen, bên trong mỗi bịch có 10 hộp pháo hoa xuất xứ từ Trung Quốc, tổng trọng lượng 837kg.
Các vi phạm về pháo sẽ bị xử phạt nặng
Để tăng sức răn đe, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến pháo, Chính phủ ban hành Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31.12.2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình với những quy định cụ thể, tăng mức phạt đối với các vi phạm trên lĩnh vực này.
Nghị định mới chính thức có hiệu lực từ ngày 1.1.2022, với mức xử phạt vi phạm về sử dụng pháo và các hành vi liên quan đến vật liệu nổ tăng gấp 5 lần so với Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Người dân cần nắm bắt kịp thời những quy định mới để chấp hành, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt với số tiền rất lớn.
Cụ thể tại khoản 2, Điều 10, Nghị định 167/2013/NĐ-CP, mức xử phạt về hành vi sử dụng pháo từ 1-2 triệu đồng. Trong khi đó, tại khoản 3, Điều 11, Nghị định 144, vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm, phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với một trong các hành vi: trao đổi, cho, tặng, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố vũ khí, công cụ hỗ trợ, pháo hoa nổ, pháo hoa nhập lậu hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép; sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép…
Mọi người cần hiểu đúng quy định pháp luật, chú ý phân biệt rõ pháo hoa và pháo nổ để tránh vi phạm. Cán bộ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh cho biết, theo quy định tại Điều 3, Nghị định số 137/2020/NĐ-CP, pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hoá hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian.
Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ. Như vậy, pháo nổ ở đây bao gồm pháo nổ và pháo hoa nổ, trong đó pháo nổ có chứa thuốc pháo nổ, khi sử dụng gây ra tiếng nổ (pháo bánh, pháo quả).
Còn pháo hoa nổ cũng có chứa thuốc pháo nổ, khi sử dụng gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian (pháo hoa nổ do lực lượng quân đội bắn vào các ngày lễ, tết, sự kiện chính trị lớn của đất nước, được Thủ tướng Chính phủ cho phép).
Trong khi đó, pháo hoa được quy định là sản phẩm chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hoá hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.
Do đó, pháo hoa ở đây được hiểu là sản phẩm khi đốt chỉ phát ra hiệu ứng, âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian và không gây ra tiếng nổ (que, nến khi châm lửa đốt phụt ra các tia sáng đủ màu sắc).
Đối với loại pháo này, cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì được sử dụng trong các trường hợp lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hoá, nghệ thuật. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng chỉ được mua pháo hoa của các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng bảo đảm các điều kiện về an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, phòng ngừa, ứng phó sự cố và bảo vệ môi trường. Trường hợp mua, sử dụng pháo hoa của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân không được phép kinh doanh sẽ bị xử lý hành chính theo quy định.
Để góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, mọi người chấp hành nghiêm các quy định về quản lý, sử dụng pháo; không sản xuất, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán pháo nổ, pháo hoa nổ trái phép; không đốt pháo nổ, pháo hoa nổ gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người khác; vận động người thân và mọi người xung quanh không vi phạm quy định pháp luật. Nếu phát hiện các trường hợp vi phạm về quản lý, sử dụng pháo nổ, vật liệu nổ, hãy báo ngay cho chính quyền, cơ quan Công an nơi gần nhất để kịp thời xử lý.
Phương Thảo