Thông tin cá nhân được mua bán công khai trên mạng xã hội.
Trong vai một người cần mua thông tin CCCD/CMND, chúng tôi liên hệ với tài khoản facebook N.A. Chủ tài khoản này cho biết, tuỳ vào số lượng, CCCD/CMND gốc hay không mà có giá tiền khác nhau. CCCD/CMND không phải bản gốc có giá 50.000 đồng/cái; còn bản gốc có giá 200.000 đồng. Đặc biệt, CCCD/CMND có ảnh có giá cao hơn gấp 2-3 lần. Người này còn có thông tin cá nhân theo từng độ tuổi, năm sinh.
Đã có không ít trường hợp bị những đối tượng lừa đảo sử dụng thông tin cá nhân vào mục đích xấu. Chị H.T.M.T (ngụ xã Trường Đông, thị xã Hoà Thành) cho biết, trước đây, chị có mua trả góp một số thiết bị điện tử. Trong lúc thực hiện giao dịch, cửa hàng yêu cầu chị cung cấp hình ảnh chứng minh nhân dân, hộ khẩu để làm hồ sơ. Chị đã trả góp xong. Tuy nhiên, cách đây khoảng một tháng, chị bị đối tượng xấu lấy thông tin cá nhân và hình ảnh đăng tải lên mạng xã hội, tố giác chị T lừa đảo với thủ đoạn vay vốn công ty tài chính nhưng không trả tiền.
“Tôi chưa bao giờ vay tiền của bất kỳ tổ chức tài chính nào. Không hiểu tại sao các đối tượng lại có được thông tin cá nhân, hình ảnh, chứng minh nhân dân của tôi. Tôi cho rằng thông tin cá nhân của mình đã bị lộ lọt ra ngoài từ đợt mua hàng trả góp nói trên. Tôi có gọi điện trao đổi với cửa hàng nhưng họ bảo không biết”- chị T bức xúc.
Tương tự, chị Đ.N (ngụ xã Thái Bình, huyện Châu Thành) chia sẻ, khoảng 10 ngày trước, chị nhận được 3 cuộc gọi từ các số điện thoại khác nhau. “Nội dung các cuộc gọi chủ yếu quảng cáo, mời chào mua bảo hiểm. Không hiểu họ lấy đâu thông tin về từng người trong gia đình mà tư vấn tôi nên mua bảo hiểm loại nào”- chị N bức xúc nói.
Ông P.V.V (ngụ phường Hiệp Tân, thị xã Hoà Thành) cho biết, trước đây ông có ký hợp đồng với nhà mạng cung cấp chữ ký số cho văn phòng của ông, chủ yếu để ký các báo cáo thuế tháng, quý, năm với Tổng cục Thuế. Tuy nhiên, khi sắp hết hạn, hàng loạt website và e-mail với danh xưng nhà mạng đã cung cấp chữ ký số cho ông V báo giá và báo thời hạn sử dụng chữ ký số của ông đã hết hạn, cần phải chuyển tiền để gia hạn, nếu không các hoạt động của văn phòng sẽ bị ảnh hưởng…
“Khi hỏi nhà mạng đã cung cấp chữ ký số cho tôi thì họ bảo đó là những trang website giả mạo. Vấn đề đặt ra là vì sao nhà mạng để lộ lọt thông tin của tôi ra ngoài. Nếu không lộ làm sao các website giả đó có thể biết tôi ký hợp đồng với ai và khi nào hết hạn? Liệu ngoài thông tin bị lộ lọt còn những thông tin khác, chữ ký số có bị làm giả để nhân danh cá nhân tôi… làm việc gì đó trái pháp luật!?”- ông V thắc mắc.
Trước đó, vào giữa tháng 5.2021, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an) đã triệt phá một đường dây tội phạm chuyên mua bán các thông tin, dữ liệu cá nhân quy mô lớn.
Qua điều tra, lực lượng chức năng xác định Lại Thị Phương (Giám đốc Công ty VNIT Tech, ngụ TP. Hà Nội) và Dư Anh Quý (chồng Phương) đã tổ chức đường dây thu thập, chiếm đoạt, mua bán và sử dụng trái phép gần 1.300 GB dữ liệu, chứa hàng tỷ thông tin về các cá nhân, tổ chức trên toàn quốc là khách hàng điện lực; phụ huynh, học sinh tại các trường trên cả nước; khách hàng của nhiều ngân hàng, trong đó có các ngân hàng lớn nhất Việt Nam; thông tin đăng ký kinh doanh, nhân sự cơ quan nhà nước, bảo hiểm, hộ khẩu; dữ liệu viễn thông, thuê bao điện thoại của các nhà mạng viễn thông lớn nhất Việt Nam; thông tin khách hàng tại các dự án bất động sản trên toàn quốc; khách hàng điện máy trên toàn quốc…
Theo Bộ Công an, hiện nay, hành vi mua bán dữ liệu cá nhân đang diễn ra dễ dàng, phổ biến theo 2 hình thức chính. Cụ thể, doanh nghiệp, công ty kinh doanh dịch vụ có thu thập dữ liệu cá nhân của khách hàng, cho phép các đối tác thứ ba tiếp cận thông tin dữ liệu cá nhân nhưng không có yêu cầu, quy định chặt chẽ, để đối tác thứ ba chuyển giao, buôn bán cho các đối tác khác. Ngoài ra, các doanh nghiệp chủ động thu thập thông tin cá nhân của khách hàng, hình thành kho dữ liệu cá nhân, phân tích, xử lý các loại dữ liệu đó để kinh doanh, buôn bán.
Để phòng ngừa việc lộ, lọt dữ liệu cá nhân, người dân tuyệt đối không công khai trên mạng xã hội những thông tin này, việc này có thể dẫn tới bị đối tượng xấu sử dụng trái phép. Các cơ quan, tổ chức sử dụng thông tin cá nhân khách hàng khi đến giao dịch cần có biện pháp bảo đảm bí mật các thông tin đó.
Thiên Di
Ý kiến của Luật sư Phan Văn Vĩnh, Đoàn Luật sư Tây Ninh:
Thông tin khách hàng hay dữ liệu khách hàng là những thông tin cá nhân, được tổng hợp và lưu trữ bởi các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ. Việc thông tin khách hàng bị sử dụng ngoài ý muốn cho nhiều mục đích không còn quá xa lạ. Thu thập, mua bán, trao đổi, tặng cho, sử dụng trái phép thông tin, dữ liệu cá nhân là hành vi vi phạm pháp luật và cần bị xử lý nghiêm. Tuỳ theo mức độ vi phạm mà xử phạt vi phạm hành chính hoặc hình sự.
Khoản 5, Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3.2.2020 của Chính phủ quy định hành vi mua bán hoặc trao đổi trái phép thông tin người sử dụng dịch vụ viễn thông thì tổ chức vi phạm có thể bị xử phạt 50-70 triệu đồng. Trường hợp thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật, thì tổ chức vi phạm có thể bị xử phạt từ 10-20 triệu đồng theo điểm e, khoản 3, Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP (đối với cá nhân chịu mức phạt bằng 50% của tổ chức).
Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định việc mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hoá thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó mà thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tiền từ 30-200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Ở khung tăng nặng, thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng - 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 2-7 năm và một số hình phạt bổ sung kèm theo.