Ông Lê Minh Vương (bên trái) trao đổi với cán bộ Hội Nông dân xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng
Hơn hai mươi năm trước, một bộ phận nông dân thuộc các xã cánh Tây huyện Trảng Bàng (nay là thị xã) rất phấn khởi với sự hiện diện của cây thuốc lá vàng- một loại cây trồng ngắn ngày, thích hợp với vùng đất gò. Nếu so với cây lúa và các loại hoa màu khác, hiệu quả kinh tế cây thuốc là vàng hơn hẳn.
Nhiều nông dân khá lên nhờ trồng thuốc lá vàng
Ông Lê Minh Vương- Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Bình Phước, xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng cho biết, ông đã gắn bó với cây thuốc lá vàng 21 năm qua. Những năm trước, ông trồng 60 cao (6.000m2), từ 7 năm nay, ông tăng diện tích lên 1 ha. Đất của ông làm được 3 vụ, gồm hai vụ lúa và một vụ thuốc lá.
Vụ thuốc lá năm nay được mùa, cây cao, lá lớn, ông đã hái lá 4 đợt, mà trên cây vẫn còn nhiều lá, ông còn hái 3 đợt nữa mới hết. Ông Vương cho biết thêm, trồng thuốc lá cực hơn làm lúa và rau màu, vốn đầu tư cũng lớn, cần nhiều công lao động, có thể gặp rủi ro do thời tiết (mưa trái mùa), nhưng bù lại thu nhập khá hơn các loại cây trồng khác. Gia đình ông Vương cũng như nhiều hộ nông dân có ruộng trên cánh đồng Bình Phước rất “mặn mà” với cây thuốc lá vàng.
Vì vào vụ Đông - Xuân, cánh đồng ở đây không đủ nước để làm lúa, cũng chưa có cây trồng nào khác hiệu quả hơn so với cây thuốc lá. Bình quân mỗi vụ, nông dân thu nhập từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng/ha (sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư).
Ở ấp Bình Phước có hơn 100 nông hộ, nhiều năm qua luôn gắn bó với cây thuốc lá vàng, với tổng diện tích trồng hằng năm gần 100 ha. Trên địa bàn ấp có 5 cơ sở sấy thuốc (mỗi cơ sở nhận sấy khoảng 20 ha/vụ).
Theo ông Vương và các nông dân khu vực cánh đồng Bình Phước, khó khăn hiện nay của người dân ở đây là đường giao thông nội đồng. Bà con mong các cấp lãnh đạo, các ngành chức năng sớm đầu tư nâng cấp, giúp nông dân đi lại và vận chuyển hàng hoá nông sản thuận tiện hơn, nhất là vào mùa mưa.
Anh Hồ Văn Trọ ở ấp Bình Phú trồng thuốc lá vàng hơn 20 năm, anh Trọ cho biết, những năm tới, nếu thời tiết thuận lợi, các lò sấy ở địa phương còn hoạt động, còn có công ty thu mua lá thuốc sấy khô với giá cả hợp lý, anh tiếp tục trồng cây thuốc lá vàng. Theo anh Trọ, trồng thuốc lá vàng cực, nhưng có thu nhập cao. Trước đây, anh trồng mỗi vụ 70 cao đất. Những năm gần đây, anh tăng lên 90 cao. Nếu không gặp rủi ro do thiên tai (mưa ngập úng), mỗi vụ anh có thu nhập khoảng 50 triệu đồng (sau khi trừ các khoản chi phí)…
Góp phần giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn
Ông Trần Văn Lộc, chủ cơ sở sấy thuốc lá ở ấp Bình Phước cho biết, năm 2000, ông xây dựng cơ sở sấy thuốc lá. Ban đầu, ông đầu tư làm 14 lò sấy bằng đất. Những năm sau này, ông thay thế bằng lò xây gạch. Hiện cơ sở có 6 lò xây gạch. Đã 23 năm vừa trồng thuốc lá vàng, vừa nhận sấy thuốc cho bà con trong xã, đến nay ông vẫn tiếp tục với nghề này.
Người lao động ghim lá thuốc.
Theo lời ông Lộc, ở vùng biên giới này từ trước đến nay chưa có cây trồng nào qua cây thuốc lá vàng. Hơn 20 năm làm lò sấy, ông có 2 lần bị lỗ nặng là vào năm 2004 và 2012, do bị mưa ngập úng, ruộng thuốc lá của ông và những người đăng ký sấy thuốc ở cơ sở của ông đều bị thất trắng. Còn lại những năm khác ông đều có lãi.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ đăng ký trồng thuốc lá, ông Lộc cung cấp cây giống, ứng trước các khoản vốn đầu tư cho người trồng, sau đó sấy khô lá thuốc và thu mua lại. Vụ thuốc lá năm nay, ông Lộc công khai giá thu mua thuốc lá sấy khô loại 1 là 44.000 đồng/kg, loại 4 (không có loại trung gian 2, 3 như trước đây) là 27.000 đồng/kg.
Hằng năm, nếu số diện tích nông dân đăng ký nhiều (đủ công suất cơ sở lò sấy), ông trồng 1 ha, năm nào nông dân đăng ký ít thì ông trồng 3 ha. Vụ này, ông trồng 1 ha. Mỗi vụ thuốc lá vừa trồng vừa nhận sấy, gia đình ông Lộc thu nhập trên 500 triệu đồng (đã trừ các khoản chi phí đầu tư, nhưng chưa trừ công lao động của gia đình), những năm gần đây, giá củi và các chi phí khác tăng hơn trước, nên mức thu nhập của gia đình có giảm, còn khoảng 300 triệu đồng/vụ.
Không như sản xuất lúa là gần như cơ giới hoá từ A đến Z, trồng thuốc lá vàng chỉ trừ khâu làm đất, còn lại hầu hết là lao động chân tay, do đó cần rất nhiều lao động, nhất là khi thu hoạch. Người trồng phải thuê nhiều lao động, với nhiều công đoạn khác nhau: người hái lá thuốc, rồi gom lại thành từng gộp; người đi gom tập trung vào một chỗ chất thành đống; người ghim lá thuốc (ghim làm bằng tre dài 6 tấc). Tuỳ theo lá thuốc dày hay mỏng, mỗi ghim có khoảng từ 40 lá đến 45 lá. Ghim xong phải cần người chất lên phương tiện vận tải chở đến lò sấy. Sau khi sấy xong, người trồng còn phải thuê người phân loại lá thuốc đã sấy khô, trước khi cân bán cho chủ lò sấy…
Người lao động ôm vác lá thuốc.
Đang cẩn thận xỏ từng lá thuốc vào cây ghim tre, bà Phạm Thị Bế (61 tuổi) chia sẻ, năm nào vào mùa thu hoạch thuốc lá bà cũng đi ghim lá thuốc mướn, mỗi buổi bà ghim được 60 ghim, mỗi ghim được trả 1.000 đồng (được 60.000 đồng). Còn những người trẻ, khoẻ làm nhanh hơn thì ghim được nhiều hơn. Có người làm giỏi khoảng 150 ghim/ngày.
Người hái và người vác lá thuốc thì tính theo giờ lao động. Anh Trịnh Hoài Phúc, ở ấp Bình Phú cho biết vào mùa thu hoạch, anh đi vác mướn, mỗi buổi thu nhập 200.000 đồng.
Giá thuê người vác thuốc (đa số là nam) hiện nay là 50.000 đồng/giờ, còn người hái là 35.000 đồng/giờ. Hái và vác lá thuốc tính tiền công theo giờ, còn ghim lá thuốc thì tính tiền theo số ghim. Vì vậy mà người lao động tích cực làm việc, bất kể giờ giấc, khi người trồng có nhu cầu thu hoạch. Các chủ lò sấy cũng như người trồng thuốc lá còn phải thuê mướn nhân công bốc xếp thuốc lá vào lò, ra lò, lựa lá thuốc sau sấy…
Lao động trẻ ở nông thôn ngày càng khan hiếm, đa số đi làm công nhân ở các xí nghiệp, những người không có điều kiện đi làm công nhân vẫn có việc làm và thu nhập ổn định vào mùa thu hoạch thuốc lá vàng.
D.H