Đường Cách Mạng Tháng Tám sẽ được đầu tư ngầm hoá trong thời gian tới.
Tiếp tục đầu tư nhiều công trình quan trọng
Lãnh đạo UBND thành phố Tây Ninh cho biết, địa phương tăng cường phối hợp với các sở, ngành của tỉnh tiếp tục đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, định hướng đến năm 2025, hoàn thành các tiêu chí đô thị loại II, có được nền tảng cơ bản của đô thị loại I (trên 50% tiêu chí về hạ tầng đô thị).
Theo đó, tập trung đầu tư các công trình hạ tầng đô thị quan trọng. Triển khai thực hiện quy hoạch chung và rà soát điều chỉnh các quy hoạch phân khu, lập quy hoạch chi tiết để kêu gọi đầu tư, xây dựng các khu đô thị mới, khu nhà ở mới đạt chuẩn; kiên cố hoá nhà ở trong khu dân cư, xây dựng thêm trường học đạt chuẩn quốc gia; nâng cấp mở rộng trụ sở UBND phường, xã.
Xây dựng và kêu gọi đầu tư nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội trên địa bàn. Xây dựng cơ sở dữ liệu, đầu tư phần mềm quản lý công khai thông tin quy hoạch và các hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, với độ chính xác cao, đáp ứng các yêu cầu về dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước và công khai thông tin cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn thành phố Tây Ninh.
Thành phố tiếp tục đầu tư nâng cấp các công viên, xây dựng thêm các công viên, vườn hoa, nơi tập thể dục thể thao ngoài trời, trò chơi cho trẻ em ở các khu vực đất do Nhà nước quản lý chưa sử dụng trên địa bàn, góp phần tăng cường không gian xanh, phục vụ cho nhu cầu vui chơi, giải trí, rèn luyện sức khoẻ, nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Đồng thời, UBND Thành phố cũng đang đề xuất UBND tỉnh quan tâm thực hiện ngầm hoá đường dây điện, điện thoại, cáp truyền hình, internet khu vực nội thành theo đồ án quy hoạch đã phê duyệt. Nâng cao chất lượng nếp sống văn minh gắn với phường văn minh đô thị. Tổ chức thực hiện tốt các nhóm giải pháp của Chương trình phát triển đô thị thị xã Tây Ninh (nay là thành phố Tây Ninh), giai đoạn 2012-2025.
Hoàn chỉnh những chỉ tiêu chưa đạt và bổ sung những chỉ tiêu đã đạt nhưng chỉ đạt ở mức tối thiểu. Xây dựng chợ Thành phố đạt chuẩn chợ hạng 1 văn minh; đồng thời triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng các chợ hạng 2, 3 trên địa bàn Thành phố theo hướng văn minh, hiện đại, giai đoạn 2021-2025.
Tích cực vận động các nguồn vốn hỗ trợ phát triển (ODA), vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nguồn vốn trong doanh nghiệp và nhân dân để đầu tư phát triển cho Thành phố. Thúc đẩy, tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ, kết nối chuỗi giá trị sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Tập trung triển khai các dự án trọng điểm, phát triển thành phố Tây Ninh theo quy hoạch, nhất là dự án phát triển Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen; các dự án phát triển đô thị; thương mại - dịch vụ; phát triển kinh tế đêm 24 giờ.
Thành phố Tây Ninh định hướng tăng tỷ lệ sử dụng nước sạch của người dân trong khu vực để có thể sử dụng hiệu quả tối đa công suất thiết kế của nhà máy nước như: tăng cường vận động nhân dân sử dụng nước sạch nhằm bảo đảm sức khoẻ, hỗ trợ người dân lắp đặt đồng hồ nước; mở rộng mạng lưới phân phối nước chính tới tất cả các khu vực trên địa bàn.
Song song đó, đẩy nhanh tiến độ dự án xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải giai đoạn 1, bảo đảm nước thải phải được thu gom về trạm xử lý trước khi xả ra nguồn, phục vụ nhu cầu cho đô thị và tiếp tục triển khai giai đoạn 2.
Chú trọng phát triển lưới điện truyền tải 110kV, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện đồng thời giảm tổn thất điện năng trên lưới truyền tải đáp ứng nhu cầu phụ tải hiện tại và trong tương lai. Nâng cao chất lượng hệ thống lưới điện, phối hợp với ngành chức năng của tỉnh thực hiện ngầm hoá mạng lưới điện, cáp viễn thông trong khu vực nội thành và khu đô thị mới phát triển.
Thành phố Tây Ninh đẩy mạnh hoàn thành hệ thống thu gom, nhà máy xử lý nước thải giai đoạn 1 vào năm 2025 và tiếp tục đầu tư giai đoạn 2.
Để thành phố trở thành nơi đáng sống
Để thành phố Tây Ninh phát triển bền vững, trở thành thành phố sinh thái, trong thời gian tới, Đảng bộ và chính quyền Thành phố định hướng phát triển chung, thành phố Tây Ninh trở thành thành phố văn minh, hiện đại, thông minh, sinh thái và đáng sống. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, thành phố Tây Ninh cơ bản đạt 75% tiêu chuẩn của đô thị loại I, lấy thương mại, dịch vụ và du lịch làm động lực phát triển chính.
Với mục tiêu đó, Thành phố xác định khu vực phường 1 là “lõi” trung tâm đô thị thành phố, làm cơ sở mở rộng không gian phát triển có tính lan toả, kết nối đồng bộ hài hoà giữa các khu vực và định hướng phát triển đô thị đối với 3 xã Tân Bình, Thạnh Tân, Bình Minh; định hướng chỉnh trang, thiết kế đô thị khu vực hai bên rạch Tây Ninh; quy hoạch xây dựng quảng trường trung tâm, không gian công cộng, công trình công cộng, hồ điều hoà và không quy hoạch đất công nghiệp trong thành phố.
Thành phố Tây Ninh sẽ tập trung huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông, đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối. Xây dựng kế hoạch cụ thể, khả thi thực hiện kế hoạch đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng du lịch.
Tranh thủ các nguồn lực mở rộng, nâng cấp, tạo các tuyến giao thông mang tính kết nối giữa Thành phố với các huyện lân cận. Từng bước nghiên cứu, thực hiện ngầm hoá hạ tầng kỹ thuật điện, nước, trước mắt là ưu tiên kiến nghị thực hiện đường Cách Mạng Tháng Tám. Tiếp tục chỉnh trang, nâng cấp đô thị theo hướng xanh, sạch, đẹp. Tăng cường quản lý trật tự, kỷ cương đô thị, từng bước xây dựng Thành phố theo tiêu chí đô thị văn minh, hiện đại.
Khai thác tối đa hiệu quả cơ sở vật chất các thiết chế văn hoá ở cơ sở hiện có, khắc phục tình trạng dàn trải kém hiệu quả; trong đó quan tâm nâng cao chất lượng hoạt động các Trung tâm Văn hoá Thể thao và Học tập cộng đồng, tăng cường bố trí các dụng cụ luyện tập thể dục thể thao, vui chơi tại các điểm sinh hoạt công cộng (công viên, trung tâm văn hoá thể thao và học tập cộng đồng, nhà văn hoá…) theo hướng kêu gọi xã hội hoá; phát huy giá trị các di tích lịch sử, lịch sử - văn hoá trên địa bàn. Nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.
Tấn Hưng