Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ info@tintuctayninh.com, cảm ơn !

Tập trung xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học - Báo Tây Ninh Online

Thứ hai - 12/12/2022 09:06
BTN - Cục Thú y đề nghị các địa phương chủ động giám sát dịch bệnh- nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện; tổ chức rà soát tiêm phòng, tiêm phòng bổ sung vaccine phòng các bệnh, đặc biệt các dịch bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh, viêm da nổi cục, dại...

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến tham quan một số sản phẩm OCOP trưng bày của tỉnh tại hội nghị

Sáng 10.12, UBND tỉnh phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi cuối năm 2022 và đầu năm 2023, do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến và Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long đồng chủ trì. Dự hội nghị có lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT, Sở NN&PTNT 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, năm 2022, tình hình dịch Covid-19 đã được kiểm soát tốt, tạo thuận lợi cho chăn nuôi phát triển. Tuy nhiên, nguy cơ các loại dịch bệnh động vật xảy ra trong thời gian tới là rất cao.

Thứ trưởng đề nghị các địa phương, các đơn vị báo cáo bổ sung để làm cơ sở trao đổi, thống nhất, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục chỉ đạo triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật để phát triển chăn nuôi trong năm 2023.

Ngành chăn nuôi tiếp tục tăng trưởng

Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, trong bối cảnh dịch bệnh trên đàn vật nuôi được kiểm soát tốt, nhiều địa phương trong cả nước đầu tư lớn cho hạ tầng cơ sở chăn nuôi, thể chế của ngành chăn nuôi cơ bản hoàn thiện. Năm 2022, tổng đàn heo cả nước ước tăng 12,4%, tổng đàn gia cầm tăng khoảng 5,4%, tổng đàn bò tăng khoảng 3,5% so với cùng thời điểm năm 2021.

Trong đó, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt trên 5 triệu tấn, trên 13 tỷ quả trứng và gần 1 triệu tấn sữa; giá trị sản xuất lĩnh vực chăn nuôi ước tính tăng từ 4% đến 4,5% so với năm 2021. Dự báo năm 2023 sẽ tiếp tục tăng trưởng khoảng 5% so với năm 2022, ước lượng thịt hơi cung cấp cho thị trường đạt trên 7,2 triệu tấn; trứng trên 19 tỷ quả, sữa đạt trên 1,25 triệu tấn.

Ước tính tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp năm 2022 đạt khoảng 20 triệu tấn (giảm 7% so với năm 2021). Giá trị sản xuất chăn nuôi năm 2022 cả nước ước tăng khoảng 5% - 6% so với năm 2021. Trong đó, sản lượng thịt các loại ước đạt 6,98 triệu tấn; sản lượng trứng ước đạt trên 18,4 tỷ quả (tăng 4,6%); sản lượng sữa khoảng 1,16 triệu tấn (tăng 8,3%).

Tỷ lệ gia súc, gia cầm được giết mổ tập trung tăng khoảng 25% - 30%. Cả nước hiện có 108 cơ sở chế biến thịt, trứng và sữa quy mô công nghiệp, trong đó, có 67 nhà máy chế biến thịt các loại và sản phẩm thịt chế biến khoảng 1,3 triệu tấn; 6 nhà máy chế biến trứng và sản lượng trứng chế biến khoảng 100 - 110 triệu quả trứng/năm.

Về xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi: 11 tháng năm 2022 đạt 361 triệu đô la (USD) tại các thị trường chính: Hongkong (40%), Nhật Bản (15%), Thái Lan (7%)… nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi trên 3 tỷ USD, trong đó, thịt trâu, bò đông lạnh chiếm 43%.

Dịch bệnh trên đàn vật nuôi được kiểm soát tốt

Theo Cục Thú y, từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước xảy ra 1.217 ổ dịch tả heo châu Phi tại 53 tỉnh, thành phố, số heo phải tiêu huỷ tại các ổ dịch giảm gần 80%; 48 ổ dịch cúm gia cầm tại 38 huyện của 22 tỉnh, thành phố, giảm 60% so với cùng kỳ năm 2021, số gia cầm bị dịch phải tiêu huỷ giảm hơn 78%; 18 ổ dịch lở mồm long móng tại 11 huyện của 8 tỉnh, thành phố, số gia súc mắc bệnh giảm 83,26%. Về bệnh viêm da nổi cục, từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước phát sinh 247 ổ dịch tại 16 tỉnh, thành phố, số gia súc mắc bệnh giảm 98,9%. Đặc biệt, cả nước chỉ phát sinh 1 ổ dịch tai xanh tại tỉnh Thái Nguyên.

Các dịch bệnh thông thường khác trên gia súc, gia cầm như: dịch tả lợn cổ điển, tụ huyết trùng, phó thương hàn, đóng dấu lợn, newcastle, gumboro... được phát hiện và kiểm soát tốt, không gây thành dịch lớn.

Về xây dựng vùng an toàn dịch bệnh (ATDB), luỹ kế từ năm 2016 đến nay, cả nước đã xây dựng được 2.394 vùng, cơ sở ATDB tại 55 tỉnh, thành phố.  Đối với Hệ thống thông tin dịch bệnh trực tuyến (VAHIS), được đưa vào sử dụng từ năm 2018, hiện hệ thống đã triển khai tại 63 tỉnh, thành phố.

Tuy nhiên, ông Phan Văn Minh- Trưởng Phòng Dịch tễ, Cục Thú y nhận định: việc phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, khó khăn như: việc chấp hành các quy định của pháp luật về thú y của một số tổ chức, cá nhân còn chưa cao, chưa tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, biện pháp phòng bệnh bằng vaccine. Công tác chủ động giám sát phát hiện, báo cáo và công bố dịch bệnh chưa kịp thời. Công tác quản lý vận chuyển chưa tốt, chưa đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh….

Do đó, để kiểm soát tốt dịch bệnh trên đàn vật nuôi, Cục Thú y đề nghị các địa phương chủ động giám sát dịch bệnh- nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện; tổ chức rà soát tiêm phòng, tiêm phòng bổ sung vaccine phòng các bệnh, đặc biệt các dịch bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh, viêm da nổi cục, dại... Tập trung đẩy mạnh xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; đặc biệt các chuỗi, các vùng cần ATDB theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (OIE/WOAH) để phục vụ xuất khẩu.

Tăng cường thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, thời gian trước và sau tết nguyên đán hằng năm là thời điểm nhạy cảm, nguy cơ phát sinh dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm rất cao.

Vì vậy, các địa phương cần tập trung các nguồn lực để tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định, nhất là phê duyệt và triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh ngay từ năm 2023, đẩy mạnh tiêm phòng, tiêm phòng bổ sung cho đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt các dịch bệnh nguy hiểm trên động vật, bệnh truyền lây giữa động vật và người; tuyên truyền, hướng dẫn chủ vật nuôi áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động phòng bệnh; tiếp tục triển khai tháng tổng vệ sinh, sát trùng tiêu độc trước và sau tết nguyên đán để tiêu diệt các loại mầm bệnh.

Đồng thời, tập trung xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học để hướng đến xuất khẩu. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển cung ứng các loại thuốc, vaccine thú y, hoá chất cần thiết phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh động vật.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức để người dân hiểu rõ các biện pháp trong phòng, chống dịch trên đàn gia súc, gia cầm, nhằm hạn chế tối đa dịch bệnh xảy ra. Tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới.

Minh Dương

Nguồn tin: baotayninh.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp