Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ tại đây, cảm ơn !

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững - Báo Tây Ninh Online

Thứ ba - 23/05/2023 09:58
BTN - Tập trung đầu tư hạ tầng nông nghiệp, thuỷ lợi, giao thông, lưới điện... gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chú trọng phát triển kinh tế nông nghiệp, kinh tế tuần hoà...

Mô hình nhà màng trồng dưa lưới mang lại giá trị kinh tế cao.

Ngày 20.2.2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 382/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, với mục tiêu nâng cao lợi thế cạnh tranh, giá trị gia tăng và hướng tới phát triển bền vững. Sau hơn 5 năm thực hiện Đề án, ngành nông nghiệp tỉnh đã có bước chuyển biến mạnh mẽ cả nhận thức và hành động.

Cơ cấu cây trồng chuyển biến rõ nét

Trong giai đoạn 2017-2022, tổng diện tích chuyển đổi cây trồng trên địa bàn tỉnh khoảng 40.870 ha, chủ yếu từ các cây trồng kém hiệu quả: lúa, cao su, mía sang trồng các loại cây ăn trái tiềm năng có giá trị cao như nhãn, sầu riêng, bưởi, mít và một số loại cây hằng năm như bắp, mì, rau các loại, nâng giá trị sản phẩm bình quân thu được trên đất trồng trọt đến năm 2022 đạt 106 triệu đồng/ha, tăng 12,9% so với năm 2017.

Từ năm 2017-2022, ngành nông nghiệp tỉnh đã hỗ trợ trên 120 cơ sở chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP) với tổng diện tích 9.016,9 ha (971,8 ha rau; 1.879,5 ha cây ăn quả và 6.165,6 ha lúa).

Nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: hệ thống nhà lưới, nhà màng kết hợp các kỹ thuật tưới tiết kiệm, cung cấp dinh dưỡng qua hệ thống tưới, điều tiết ẩm độ, ánh sáng với diện tích 120 ha (dưa lưới 35 ha, hoa lan 85 ha); kỹ thuật tưới phun mưa, nhỏ giọt cho các loại cây trồng mía, mì và cây ăn quả với diện tích 114.560 ha; ứng dụng công nghệ sinh học trong phòng trừ sâu bệnh. Đến cuối năm 2022, tỷ lệ diện tích áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh đạt 30%, tăng 17,5% so năm 2017 (12,5%); tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 37%.

Ứng dụng cơ giới hoá trong sản xuất ngày càng đồng bộ, tập trung trên các cây trồng như lúa, mía, mì... Các vườn cây ăn trái cũng có xu hướng cơ giới hoá trên nhiều khâu chăm sóc với các loại máy: xới cỏ, tưới phun, tưới nhỏ giọt, hệ thống tưới nước và phân bón.

Từ năm 2019 đến nay, cơ quan chuyên môn của ngành nông nghiệp đã thực hiện cài đặt phần mềm cho 247 cơ sở sản xuất với tổng diện tích là 1.728,01 ha, hỗ trợ in 130.500 tem truy xuất nguồn gốc cho 5 loại sản phẩm như: xoài, bưởi da xanh, dưa lưới, mãng cầu ta (na), mãng cầu Thái (na hoàng hậu).

Nông dân huyện Bến Cầu triển khai trồng bắp có hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp.

Chăn nuôi chuyển từ nhỏ lẻ sang quy mô tập trung, bảo đảm an toàn sinh học

Trong lĩnh vực chăn nuôi, tính đến cuối năm 2022, tổng đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh có khoảng 9 triệu con (tăng 52,4% so với năm 2017), sản lượng thịt đạt 49.000 tấn (tăng 81,5%); đàn bò đạt 103.000 con (tăng 8,3%), sản lượng thịt đạt 7.550 tấn (tăng 11%). Trong đó, đàn bò sữa đạt 13.300 con (tăng 27,5%), sản lượng sữa tươi đạt 51.000 tấn (tăng 124,4%); đàn heo đạt 231.810 con (tăng 34,9% so năm 2017), sản lượng thịt đạt 48.000 tấn (tăng 17,6%).

Cơ cấu chăn nuôi tiếp tục chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô trang trại tập trung, bảo đảm an toàn sinh học, với 627 trại chăn nuôi gia súc (125 trang trại chăn nuôi heo tập trung; 51 trang trại chăn nuôi trâu; 451 trang trại bò) tổng đàn 204.475 con (tăng 46% so với năm 2017) và 107 trang trại chăn nuôi gia cầm (76 trang trại gà và 31 trang trại vịt) với tổng đàn 6,4 triệu con, tăng 40,8%. Trong đó, có 73 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAHP; có 1 vùng thuộc huyện Dương Minh Châu và 6 cơ sở cấp xã thuộc huyện Gò Dầu được chứng nhận an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle trên gà; 6 cơ sở cấp xã thuộc huyện Bến Cầu an toàn dịch bệnh đối với bệnh lở mồm long móng và 74 cơ sở chăn nuôi gà, vịt, heo, bò được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh.

Trong 5 năm qua, đã có 148 dự án xin chủ trương đầu tư của và 112 dự án đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương với tổng vốn đầu tư 9.600 tỷ đồng, trong đó có: 34 dự án chăn nuôi gà với 9.457.500 con; 72 dự án chăn nuôi heo với 954.644 con; 1 dự án nuôi 450 bò thịt; 1 dự án kết hợp nuôi 1.000 con bò thịt và 102 con dê; 2 dự án nuôi 8.050 con bò sữa. Hiện đã có 51 dự án triển khai xây dựng và đi vào hoạt động (chiếm 45,5% số dự án được phê duyệt). Ngoài ra, trong giai đoạn 2019-2022, chăn nuôi yến trên địa bàn phát triển mạnh, hiện cả tỉnh có 683 nhà yến đang hoạt động và 386 cơ sở được thẩm định phù hợp đang thực hiện xây dựng (tăng 879 nhà yến), tổng sản lượng tổ yến năm 2022 đạt 4.600kg.

Rừng được bảo vệ

Công tác triển khai thực hiện cơ cấu lại lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, rừng được bảo vệ, phát triển ổn định cả về số lượng lẫn chất lượng. Giai đoạn 2017-2022, toàn tỉnh thực hiện khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên 1.198 ha/năm, trồng mới 1.376 ha và chăm sóc 3.829 ha rừng phòng hộ, đặc dụng.

Trong 5 năm qua, toàn tỉnh xảy ra 44 vụ cháy với diện tích thiệt hại 95,2 ha (giảm 50% số vụ và 146,6 ha thiệt hại so với giai đoạn 2011-2016). Độ che phủ của rừng tăng từ 16,1% năm 2017 lên 16,3% năm 2022.

Đến năm 2022, diện tích nuôi trồng thuỷ sản đạt 570 ha, giảm 27%, sản lượng nuôi trồng đạt 11.458 tấn, tăng 5,3%, sản lượng khai thác đạt 2.064 tấn, giảm 39%. Trên địa bàn tỉnh hiện có 34 cơ sở ương dưỡng thuỷ sản giống với sản lượng 53,28 triệu con.

Ngành nông nghiệp tỉnh thực hiện 5 lượt thả cá giống với tổng số trên 3,6 triệu cá giống vào hồ Dầu Tiếng, tổng kinh phí thực hiện là 3,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước. Giá trị sản phẩm bình quân thu được trên 1 ha đất nuôi trồng thuỷ sản đến năm 2022 đạt 796 triệu đồng/ha/năm, tăng 23,2% so với năm 2017.

Hạ tầng nông nghiệp nông thôn không ngừng được đầu tư

Theo ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở NN&PTNT, Tây Ninh là một trong những địa phương có hệ thống thuỷ lợi tương đối hoàn chỉnh với 1.742 tuyến kênh, trong đó, 1.185 tuyến được kiên cố hoá với 1.153,4km, đạt 71,22%. Trong những năm qua, hạ tầng thuỷ lợi thường xuyên được duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng và đầu tư theo hướng đa mục tiêu nhằm nâng cao năng lực phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, cung cấp nước cho dân sinh và ứng phó với biến đổi khí hậu. Diện tích sản xuất nông nghiệp được tưới đạt 149.416,2 ha (3 vụ), tăng 1.464,4 ha so với năm 2017; cấp nước công nghiệp khoảng 6,932 triệu mét khối.

Tổng kinh phí đầu tư nâng cấp, sửa chữa công trình thuỷ lợi giai đoạn 2017-2022 là 1.704.842 triệu đồng, trong đó, có giai đoạn 1 của Dự án Tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông phục vụ tưới tiêu và cấp nước cho sản xuất công nghiệp, sinh hoạt và chăn nuôi cho người dân 2 huyện Châu Thành và Bến Cầu và một số dự án thuỷ lợi phục vụ chuyển đổi cây trồng thuộc huyện Tân Biên, Dương Minh Châu, Gò Dầu được đầu tư đồng bộ, đáp ứng nhu cầu dùng nước sản xuất nông nghiệp và thực hiện hoàn thành tiêu chí thuỷ lợi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Mạng lưới cấp nước sạch nông thôn cũng được quan tâm đầu tư, kết nối, nâng cấp sửa chữa, trong giai đoạn 2017-2022, có 22 công trình được nâng cấp sửa chữa và đầu tư mới với tổng kinh phí thực hiện 95,2 tỷ đồng. Hiện toàn tỉnh có 77 trạm cấp nước sạch tập trung, với số hộ sử dụng nước là trên 21.374 hộ. Tỷ lệ dân nông thôn sử dụng nước sạch theo quy chuẩn của Bộ Y tế năm 2022 đạt 66%, tăng 6,02% so với năm 2017.

Chú trọng phát triển kinh tế nông nghiệp

Theo ông Trần Văn Chiến- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, qua 5 năm triển khai thực hiện Quyết định số 382/QĐ-UBND, ngành nông nghiệp của tỉnh vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế như: tăng trưởng của ngành còn chậm so yêu cầu, tốc độ chuyển đổi một số cây trồng (lúa, cao su, rau) không đạt như định hướng, chăn nuôi chưa phát triển mạnh như kỳ vọng; tỷ trọng giá trị sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản được sản xuất theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt vẫn còn thấp; thiếu công lao động, giá vật tư nông nghiệp tăng cao.

Thị trường tiêu thụ nhiều biến động nên đầu ra của sản phẩm chưa ổn định, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân. Việc thu hút, mời gọi đầu tư vào nông nghiệp- nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chế biến sâu vẫn còn chậm, thiếu liên kết trong việc phát triển vùng nguyên liệu. Đến nay, trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có vùng được công nhận vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến yêu cầu ngành nông nghiệp và các địa phương tập trung triển khai Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 và thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của tỉnh. Trong đó, tập trung đầu tư hạ tầng nông nghiệp, thuỷ lợi, giao thông, lưới điện... gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chú trọng phát triển kinh tế nông nghiệp, kinh tế tuần hoàn, gia tăng thu nhập cho người dân nông thôn. Đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác; hình thành các vùng sản xuất có quy mô lớn, chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông sản chủ lực đáp ứng tiêu chí sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Tăng cường xúc tiến thương mại, đa dạng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giải quyết đầu ra cho nông sản, nâng cao giá trị sản phẩm- nhất là các sản phẩm thế mạnh, sản phẩm OCOP tỉnh. Kết hợp du lịch và nông nghiệp hình thành các điểm du lịch nông thôn.

Minh Dương

Nguồn tin: baotayninh.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp