Thời gian qua, thực hiện chương trình hợp tác với các tỉnh Đông Nam bộ, Tây Ninh và Long An đã hợp tác đầu tư, đưa vào khai thác nhiều dự án hạ tầng giao thông quan trọng, giúp kết nối giữa hai tỉnh, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân.
Dự kiến tuyến đường mới kết nối hai tỉnh Tây Ninh - Long An đầu tư theo tiêu chuẩn cấp III. Ảnh minh hoạ
Các công trình đã được đầu tư và đưa vào sử dụng gồm: đường 787A, 786 (đoạn từ cầu Truông Dầu đến cầu Đường Xuồng) và cầu Đường Xuồng, đường 838C (Long An), gia cường cầu Quan, đầu tư bến phà Phước Chỉ (thị xã Trảng Bàng) - Lộc Giang (Đức Hoà, Long An) phục vụ nhu cầu đi lại của người dân…
Theo Sở Giao thông Vận tải Tây Ninh, sắp tới đây, UBND hai tỉnh Long An, Tây Ninh sẽ tổ chức hội nghị sơ kết thoả thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2018-2020 và ký kết nội dung hợp tác đến năm 2025 giữa hai địa phương.
Trong đó, Sở Giao thông Vận tải 2 tỉnh thống nhất tham mưu UBND 2 tỉnh nội dung kết nối hạ tầng giao thông, bổ sung vào quy hoạch của mỗi địa phương để thực hiện các dự án như: mở mới tuyến giao thông kết nối trung tâm xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh với trung tâm xã Mỹ Thạnh Bắc, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An (dự kiến đầu tư trước năm 2030), cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Đông tại bến khách ngang sông Phước Chỉ - Lộc Giang giai đoạn sau năm 2030.
Ngày 30.5 vừa qua, tại cuộc họp bàn về việc kết nối giao thông giữa 2 tỉnh Tây Ninh và Long An, Sở Giao thông Vận tải 2 tỉnh đã trao đổi, bàn bạc và thống nhất phương án phối hợp thực hiện dự án mở mới tuyến giao thông kết nối trung tâm xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh với trung tâm xã Mỹ Thạnh Bắc, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An.
Tuyến đường mới dự kiến đầu tư tiêu chuẩn cấp III, điểm đầu tại ngã ba Bà Xẩm (tiếp giáp đường An Thạnh - Trà Cao, xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng, Tây Ninh) và điểm cuối tại ngã ba giao với đường 838 (xã Mỹ Thạnh Bắc, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An). Trong đó, có xây dựng mới cầu kết nối Tây Ninh - Long An qua cầu Rạch Tràm. Tổng kinh phí khái toán cả dự án trên 155 tỷ đồng.
Về vận tải, Sở Giao thông Vận tải 2 tỉnh duy trì hoạt động 6 tuyến vận tải cố định, gồm: tuyến bến xe Tây Ninh - bến xe Long An, bến xe Tây Ninh - bến xe Kiến Tường, bến xe Tây Ninh - bến xe Đức Huệ, bến xe Tây Ninh - bến xe Tân Hưng, bến xe Tây Ninh - bến xe Vĩnh Hưng, bến xe Tân Hà - bến xe Đức Huệ. Ngoài ra, hai tỉnh còn phối hợp mời gọi đơn vị vận tải khai thác tuyến xe buýt, xe khách liên tỉnh Tây Ninh - Long An phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân.
Tuyến đường mới sẽ nối xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng, Tây Ninh với đường 838 xã Mỹ Thạnh Bắc, huyện Đức Huệ tỉnh Long An.
Bên cạnh đó, Tây Ninh cùng với các tỉnh Bình Dương, Bình Phước kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm đầu tư hoàn thành giai đoạn 1 dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hoà. Dự án đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định 1032/QĐ-BGTVT ngày 28.7.2022, quy mô đường cấp III, nền đường 12,25m, mặt đường 11,25m, tổng mức đầu tư 2.293 tỷ đồng, dự kiến khởi công trong năm 2023, hoàn thành năm 2025.
Theo lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Tây Ninh, thực hiện chương trình hợp tác với các tỉnh, thành, đến nay nhiều tuyến đường giao thông quan trọng, kết nối vùng đã được các tỉnh phối hợp đầu tư, đưa vào sử dụng, như: hương lộ 10, đường Lộc Phước - Sông Lô, đường Trung Hưng - Bàu Mây và hoàn thành xây dựng cầu từ hương lộ 12 bắc qua kênh Đông nối liền với đườ ng suối Bà Tươi - Trảng Sa giúp kết nối thị xã Trảng Bàng với Thành phố Hồ Chí Minh.
Đồng thời, Tây Ninh đang đầu tư đường liên tuyến kết nối vùng N8-787B-789; phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh đầu tư đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, dự kiến khởi công năm 2024 và hoàn thành năm 2027.
Tây Ninh cùng với tỉnh Bình Dương đầu tư kết nối từ đường ĐT.784 (Tây Ninh) đến ĐT.744 (Bình Dương), trong đó xây dựng mới cầu bắc qua sông Sài Gòn; gia tải cầu Sài Gòn. Hai địa phương đang xem xét đầu tư thêm 1 tuyến kết nối từ đường 789 (Tây Ninh) đến đường 744 (Bình Dương).
Cùng với Bình Phước xây dựng cầu Sài Gòn 2 và nâng cấp, mở rộng các tuyến đường kết nối giữa 2 tỉnh như đường 794, 792. Đang nghiên cứu đầu tư tuyến đường giao thông và cầu kết nối từ xã Tân Hoà, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh với xã Tân Hiệp, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước (khu vực bến phà Cây Khế trên sông Sài Gòn) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, du lịch và bảo đảm an ninh quốc phòng.
Minh Dương