Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) - Những năm gần đây, cùng với việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhiều người dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi.
Phước Chỉ là một trong hai xã biên giới phía Tây của thị xã Trảng Bàng có địa hình trũng thấp, với nhiều kênh rạch đan xen trên đất nông nghiệp, đời sống nhân dân nơi đây chủ yếu dựa vào cây lúa là chính.
Những năm gần đây, cùng với việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhiều người dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, trong đó, mô hình tận dụng diện tích mặt nước để nuôi cá trong vèo và mô hình kết hợp nuôi trồng thuỷ sản trong ruộng lúa của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp - nuôi trồng thuỷ sản Tràm Cát (HTX Tràm Cát) đã và đang đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao đời sống phát triển kinh tế gia đình các thành viên.
Vèo nuôi cá lóc trên rạch Tràm của gia đình chị Nguyễn Thị Thuý An.
Tiền thân của HTX Tràm Cát là Tổ hợp tác nuôi trồng thuỷ sản Tràm Cát. Tháng 9.2021, HTX Tràm Cát được thành lập tại xã biên giới Phước Chỉ với 45 thành viên, tập trung sản xuất lĩnh vực nuôi trồng, chế biến thuỷ sản và các sản phẩm từ thuỷ sản.
Sau hơn 3 năm phát triển, đến nay, HTX có 53 thành viên, tổng diện tích nuôi các loại cá khoảng 5,3 ha. Mỗi thành viên nuôi từ 5.000 đến 10.000 con cá giống, thời gian nuôi mỗi lứa cá trung bình từ 5 đến 6 tháng. Lợi nhuận từ nuôi cá giúp nhiều hộ trong tổ thoát nghèo.
Tận dụng diện tích mặt nước của đoạn kênh Rạch Tràm trước nhà, gia đình bà Nguyễn Thị Thuý An , thành viên HTX Tràm Cát ngụ ấp Phước Long, xã Phước Chỉ đã đầu tư gần 25 vèo nuôi cá lóc thịt. Sau hơn 3 năm thả nuôi, đến nay, đời sống kinh tế gia đình chị Thuý An đã dần ổn định.
Chị Thuý An chia sẻ: trước đây do không có ruộng đất sản xuất, chị đi làm công nhân trong khu công nghiệp, thu nhập hằng tháng chỉ đủ trang trải chi phí sinh hoạt hằng ngày. Năm 2020, được sự vận động và hướng dẫn của anh Nguyễn Trường Giang - Giám đốc HTX Tràm Cát, chị bắt đầu gom hết vốn liếng trong nhà để làm vèo và mua con giống cá lóc thịt về nuôi. Sau nhiều lứa cá có hiệu quả, đến nay gia đình chị phát triển được 25 vèo nuôi, với 3 đợt nuôi mỗi năm thu hoạch khoảng 50 tấn cá lóc thương phẩm, giá bán ổn định trên 40.000 đồng/kg, ước tính lợi nhuận khoảng 250 triệu đồng/năm.
Theo chị An, ngoài việc xuất cá lọc thịt thương phẩm, để đa dạng hoá sản phẩm, nâng cao giá trị, chị đang chế biến sản phẩm khô cá lóc một nắng.
Ông Nguyễn Trường Giang- Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Tràm Cát cho biết, trước đây, nguồn kinh tế của người dân trên địa bàn chủ yếu đến từ sản xuất lúa. Tuy nhiên, việc thâm canh cây lúa mỗi năm 2 vụ, giá lúa sau thu hoạch còn thấp. Sau nhiều năm trăn trở, tìm kiếm hướng đi mới phát triển kinh tế gia đình, nhận thấy khu vực các ấp ven sông Vàm Cỏ Đông có điều kiện tự nhiên thuận lợi với nhiều kênh rạch phù hợp nuôi trồng thuỷ sản, anh đã đi tiên phong trong việc triển khai mô hình nuôi cá kết hợp trồng lúa.
Theo anh Giang, năm 2018, sau khi tìm hiểu kỹ, anh bắt đầu cải tạo một phần mảnh ruộng lúa của gia đình đầu tư lứa cá lóc gióng đầu tiên. Sau hơn 5 tháng, lợi nhuận lứa cá này cao gấp 3 lần sản xuất lúa cả năm cộng lại. Hiện tại, gia đình anh đang sở hữu 13 vèo, mỗi vèo có diện tích gần 20m2, cá lóc trong vèo 7.000 con.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Giang còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi với nhiều người dân trên địa bàn, hình thành nên tổ hợp tác chuyên nuôi cá lóc. Đến tháng 8.2021, được sự vận động của Hội Nông dân xã Phước Chỉ, anh Giang cùng 45 hộ nuôi cá trên địa bàn đã cùng thành lập HTX dịch vụ nông nghiệp - nuôi trồng thuỷ sản Tràm Cát.
Hiện HTX đã phát triển trên 50 thành viên, tổng diện tích nuôi trồng khoảng 5,3 ha. HTX chủ yếu phát triển mô hình nuôi cá trong vèo, trung bình 1 vèo có diện tích khoảng 18m2, thả nuôi khoảng 5000 con. Sau 5 tháng, thu hoạch khoảng 900kg, với giá bán 43.000 đồng. Chi phí vốn 33,7 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, người nuôi có lợi nhuận mỗi vèo cá khoảng 5 triệu đồng.
Bên cạnh đó, một số thành viên đang thực hiện và phát triển nhân rộng mô hình nuôi cá kết hợp canh tác lúa được Trung tâm Khuyến nông chuyển giao từ năm 2022 với diện tích khoảng 3 ha.
Cũng theo anh Giang, từ nay đến tết, HTX dự kiến thu hoạch khoảng 200.000 con, khoảng 34 tấn cá tươi. Trong đó, 1 tấn được chế biến thành khô một nắng. Đây là sản phẩm mới được các thành viên HTX thực hiện từ sau năm 2021 đến nay, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và lợi nhuận từ nghề nuôi cá lóc.
Nói về dự định trong tương lai, anh Giang chia sẻ, hiện nay, HTX đang xây dựng quy trình để được đăng ký VietGAP, đồng thời, hướng tới HTX sẽ đăng ký sản phẩm OCOP để được vào các chuỗi siêu thị, mở rộng thị trường phân phối, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm của HTX.
Thiện Đức