Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ tại đây, cảm ơn !

Phòng, chống buôn lậu: Cần giải pháp tạo sức mạnh

Thứ ba - 17/12/2024 21:55
Trong năm, lực lượng chức năng và Ban Chỉ đạo 389 các huyện, thị xã, thành phố phát hiện và bắt giữ 957 vụ/964 đối tượng, tang vật vi phạm trị giá hơn 22 tỷ đồng.

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trong năm, lực lượng chức năng và Ban Chỉ đạo 389 các huyện, thị xã, thành phố phát hiện và bắt giữ 957 vụ/964 đối tượng, tang vật vi phạm trị giá hơn 22 tỷ đồng.

Năm 2024, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới vẫn còn diễn ra, chủ yếu là các doanh nghiệp vận tải lợi dụng loại hình quá cảnh để vận chuyển hàng hoá giả mạo nhãn hiệu, giả mạo xuất xứ Việt Nam, hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, quá cảnh từ Trung Quốc qua lãnh thổ Việt Nam sang Campuchia.

Các đối tượng sử dụng phương thức, thủ đoạn tinh vi

Trong năm, lực lượng chức năng và Ban Chỉ đạo 389 các huyện, thị xã, thành phố phát hiện và bắt giữ 957 vụ/964 đối tượng, tang vật vi phạm trị giá hơn 22 tỷ đồng. Hàng hoá vi phạm chủ yếu là ma tuý, thuốc lá điếu, pháo, đường cát…

Trong năm 2024, lực lượng chức năng đã xử lý vi phạm hành chính tổng cộng 837 vụ; tổng số tiền nộp ngân sách hơn 40 tỷ đồng. Các lực lượng khởi tố 74 vụ/96 đối tượng, tăng 32 vụ và tăng 24 đối tượng.

Lực lượng Chi cục Hải quan Khu công nghiệp thị xã Trảng Bàng hoàn tất thủ tục đối với hàng hoá xuất khẩu

Các đối tượng chủ yếu là cư dân các xã biên giới; hành khách xuất nhập cảnh, đối tượng lái xe, phụ xe thường xuyên qua lại cửa khẩu để vận chuyển hành khách, giao nhận hàng hoá; doanh nghiệp kinh doanh quá cảnh..

Các đối tượng tập kết hàng hoá phía biên giới Campuchia, lợi dụng đêm tối chia nhỏ hàng hoá mang vác bộ hoặc sử dụng xe mô tô, xe máy cày, xe tải vận chuyển theo các đường mòn qua lại biên giới, hai bên cánh gà các cửa khẩu; hành khách xuất nhập cảnh, cư dân biên giới cất giấu tiền trong hành lý, để lẫn trong hàng hoá, lái xe, phụ xe gia cố phương tiện vận tải để chứa hàng lậu vận chuyển trái phép qua biên giới.

Đoàn giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh khảo sát thực tế tại Cửa khẩu Mộc Bài

Đồng thời, các đối tượng lợi dụng chính sách thông thoáng trong thủ tục hải quan để không khai hoặc khai sai so với thực tế về tên hàng, chủng loại, xuất xứ, số lượng, trọng lượng, chất lượng, trị giá đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu mà không có chứng từ để khai bổ sung; hàng hoá không khai báo để chung container với hàng hoá có khai báo trên tờ khai hải quan.

Ban Chỉ đạo 389 Tây Ninh cho biết, tình hình buôn bán, vận chuyển hàng cấm là ma tuý vẫn còn diễn ra do đây là loại hàng gọn nhẹ, lợi nhuận cao, các đối tượng có thể cất giấu trong người, phương tiện hoặc lẫn trong hàng hoá gây khó khăn cho việc kiểm tra, phát hiện, bắt giữ. Ngoài ra, các đối tượng lợi dụng các khu vực đường mòn, lối mở hai bên cánh gà cửa khẩu nơi có ít lực lượng chống buôn lậu canh gác để vận chuyển ma tuý từ Campuchia về Việt Nam.

Khó quản lý công tác buôn lậu trên nền tảng số

Năm 2024, các thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Tây Ninh, Ban Chỉ đạo 389 các huyện, thị xã, thành phố và các lực lượng chức năng đã nghiêm túc triển khai thực hiện các nội dung chỉ đạo trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên địa bàn quản lý.

Các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các lực lượng chức năng thường xuyên thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân, nhất là nhân dân trên tuyến biên giới không tham gia, tiếp tay cho buôn lậu, không sử dụng hàng lậu... góp phần chuyển biến nhận thức của người dân trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo 389 Tây Ninh cho biết, đường biên giới kéo dài, nhiều đường mòn lối mở ở khu vực biên giới, mặt khác các đối tượng vận chuyển hàng lậu gồm nhiều thành phần, chủ yếu là cư dân biên giới thông thuộc địa hình nên việc kiểm tra, kiểm soát gặp nhiều khó khăn.

Các đối tượng thường xuyên thay đổi quy luật, sử dụng nhiều phương thức thủ đoạn khác nhau lợi dụng các đường tiểu ngạch, đường mòn, lối mở, kênh rạch trên tuyến biên giới để vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới nhằm trốn tránh sự kiểm tra, giám sát và kiểm soát của các lực lượng chức năng.

Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên nền tảng số, thương mại điện tử... còn gặp nhiều khó khăn do công chức chưa có nhiều kinh nghiệm; các đối tượng buôn lậu hoạt động ngày càng tinh vi; hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng lậu được thực hiện trên các nền tảng mạng xã hội như: Zalo, Facebook khó kiểm soát.

Ban Chỉ đạo 389 Tây Ninh cho biết thêm, hiện nay, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu đường dây vận chuyển trái phép hàng hoá, hàng cấm, nơi thường trú ở bên Campuchia hoặc các tỉnh, thành nội địa trong nước. Phương thức thủ đoạn hoạt động tinh vi, liên lạc giao dịch chủ yếu bằng điện thoại qua các trang mạng xã hội như: Facebook, Wechat, Telegram, Zalo... giao dịch xong xoá hết các dữ liệu trong điện thoại, chuẩn bị trước các nội dung khai báo với lực lượng chức năng, gây khó khăn cho việc khai thác dữ liệu trong điện thoại, đấu tranh khi bắt giữ. Nhiều đối tượng vận chuyển hàng thuê không biết địa chỉ, nhân thân lai lịch cụ thể của đối tượng “chủ nậu” nên rất khó phát hiện, bắt giữ mở rộng vụ việc.

Tập trung phòng, chống buôn lậu trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025

Ban Chỉ đạo 389 Tây Ninh nhận định, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới trên địa bàn có khả năng diễn biến phức tạp tuỳ thuộc vào sức mua của thị trường.

Ngày 10.12, Ban Chỉ đạo 389 Tây Ninh có Tờ trình số 200/TTr-BCĐ 389/TN ban hành kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.

Theo đó, Ban Chỉ đạo đề nghị các sở, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Tây Ninh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và Ban Chỉ đạo 389 các huyện, thị xã, thành phố chủ động nắm chắc diễn biến tình hình; xác định đối tượng, tuyến, địa bàn, hàng hoá trọng điểm; tăng cường lực lượng, phương tiện tuần tra, kiểm soát chặt chẽ trên các tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ, các đường mòn, lối mở, khu vực tập kết hàng hoá gần biên giới để ngăn chặn hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng nhập lậu vào nội địa; kiểm soát chặt chẽ các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, đại lý, cửa hàng tạp hoá, sàn giao dịch thương mại điện tử, mua, bán online, các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo, TikTok...) mua bán trực tuyến, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng hoạt động kinh doanh để mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ... (tập trung vào hàng cấm, hàng kém chất lượng, hàng hoá nhập khẩu có điều kiện, hàng hoá có thuế suất cao, hàng hoá thiết yếu phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán...).

Đối với Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Tây Ninh (Cục Quản lý thị trường tỉnh Tây Ninh), Ban Chỉ đạo đề nghị đơn vị tập trung tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về đầu cơ găm hàng, niêm yết giá, thương mại điện tử, kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng... chú trọng các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 như: hàng điện tử, điện lạnh, vàng, quần áo, gày dép, bánh kẹo, đường cát, hoa quả, thuốc lá điếu, thuốc lá thế hệ mới, rượu, bia, nước giải khát, gia súc, gia cầm, các mặt hàng thực phẩm tươi sống...

Đồng thời, phối hợp, trao đổi thông tin với các lực lượng chức năng như: Công an, Hải quan, Bộ đội Biên phòng... tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại các khu vực biên giới, kho hàng, điểm tập kết hàng hoá...

Nhi Trần

 

Nguồn tin: baotayninh.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp