Tại mỏ đất nằm trên địa bàn xã Phước Vinh, huyện Châu Thành vẫn có đất trữ để bán nên vấn đề niêm yết công khai giá đất san lấp tại mỏ, hoá đơn… rất được cơ quan có thẩm quyền quan tâm trong thời gian tới.
Trước những khó khăn về nguồn đất san lấp phục vụ cho các dự án giao thông trọng điểm của tỉnh, UBND tỉnh đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt nhưng đến nay tình hình vẫn chưa khả quan. Nhà thầu thi công vẫn còn “than” về giá đất san lấp cao hơn nhiều so với giá dự thầu, khó kiếm nguồn.
Tìm giải pháp tháo gỡ tình trạng khan hiếm đất san lấp
Là đơn vị được UBND giao làm chủ đầu tư nhiều dự án giao thông trọng điểm trong tỉnh, việc khan hiếm và giá đất san lấp cao làm nhiều dự án bị ảnh hưởng, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành giao thông (BQLDA) kiến nghị UBND tỉnh những nội dung cần xem xét để tháo gỡ tình trạng này.
Theo đó, BQLDA kiến nghị các sở, ngành và địa phương cần có các chế tài để quản lý các chủ mỏ có nguồn vật liệu đất san lấp còn đang khai thác, đánh giá trữ lượng còn lại và cần niêm yết giá bán công khai tại mỏ để đơn vị thi công có thể tiếp cận, mua được nguồn vật liệu đất san lấp thi công công trình.
Trường hợp các chủ mỏ không chấp hành hoặc không cung cấp cho đơn vị thi công, các sở, ngành cần tham mưu UBND tỉnh có biện pháp chế tài mạnh như xử phạt hành vi găm hàng chờ lên giá để trục lợi hoặc thu hồi giấy phép.
Ngoài ra, BQLDA còn kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành và các địa phương tháo gỡ các khó khăn về khan hiếm nguồn vật liệu (đất, sỏi đỏ) để thi công các dự án giao thông trọng điểm, xem xét quy hoạch và cấp phép khai thác mỏ vật liệu xây dựng (chỉ sử dụng để thi công các dự án trọng điểm hoặc đơn vị cấp phép phải cam kết ưu tiên cung cấp nguồn vật liệu cho các dự án trọng điểm và báo giá công khai tại hầm mỏ, đồng thời gửi báo cáo về Sở Xây dựng để niêm yết giá theo định kỳ tháng) tại các địa phương có dự án đi qua, nhằm tiết kiệm ngân sách Nhà nước, đẩy nhanh tiến độ thi công.
Hầu hết các chủ mỏ đều cho rằng, hằng tháng đều báo giá vật liệu xây dựng san lấp cho Phòng Kinh tế - Hạ tầng, Sở Xây dựng nhưng tại các mỏ thì gần như không thấy giá niêm yết. Có chủ mỏ cho biết giá bán tại mỏ đối với từng loại đất san lấp như mỏ đất tại xã Phước Vinh, huyện Châu Thành nhưng không hề có bảng giá niêm yết.
Tuy nhiên, tại mỏ đất nằm trên địa bàn xã Thạnh Bắc, huyện Tân Biên, khi trả lời chúng tôi, người được cho là nhân công khai thác mỏ cho biết không nắm giá vì chủ bán. Tuy nhiên trao đổi với các chủ xe, chủ lò gạch đều được nhận câu trả lời không niêm yết giá bán công khai vì chủ mỏ bán theo giá thoả thuận. Chỉ những khách hàng lớn có ký hợp đồng, chủ mỏ mới bán theo hợp đồng, còn mua đất vài xe thì phải trả tiền mặt.
Theo Đại diện Cục Quản lý thị trường tỉnh, qua rà soát văn bản pháp luật thì không quy định về việc niêm yết giá công khai tại mỏ khai thác mà chỉ quy định tại điểm tập kết. Vấn đề này, Cục Quản lý thị trường sẽ tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu.
Thế nhưng có một thực tế, dù các mỏ khai thác không niêm yết giá công khai nhưng không ít mỏ có trữ vật liệu san lấp sẵn tại mỏ và bán công khai. Đây là một vấn đề mà BQLDA kiến nghị là có cơ sở.
Xe lấy đất từ mỏ đất trên địa bàn xã Thạnh Bắc, huyện Tân Biên (gần trụ sở UBND xã Thạnh Bắc) đưa đi tiêu thụ.
Có chăng việc đầu cơ, găm hàng?
Một chủ mỏ đất trên địa bàn xã Thạnh Bắc, huyện Tân Biên (gần UBND xã) giải thích với chúng tôi, bãi đất lớn đang trữ tại mỏ đã bán cho một cá nhân 1.000 xe, nhưng do người này chưa có chỗ chứa nên để tạm trong khuôn viên mỏ đất. Dù BQLDA, các nhà thầu than nhiều về tình trạng khan hiếm nguồn vật liệu san lấp như đất san lấp, sỏi đỏ.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, tại bãi trữ đất lớn nằm trên đường 793, ấp Thạnh Tân, xã Mỏ Công, huyện Tân Biên, hằng ngày có nhiều xe tải loại lớn (xe ben 4 chân) chở đất đầy thùng đổ vào bãi. Phần lớn các xe tải chở đất đều xuất phát từ hướng xã Thạnh Bắc, huyện Tân Biên.
Hiện dự án đường 793 đã hoàn thành, dự án đường 795 vào giai đoạn thảm nhựa. Dư luận cho rằng, lượng đất trữ tại bãi trên không để phục vụ cho công trình giao thông trọng điểm nào, mà có thể là một dạng đầu cơ đất san lấp, găm hàng, tăng giá. Do đó, dư luận mong muốn ngành chức năng vào cuộc tìm hiểu, làm rõ tính pháp lý của bãi trữ đất trên như hoá đơn bán hàng, nguồn gốc đất, vấn đề bảo vệ môi trường.
Theo UBND huyện Tân Biên, trên địa bàn có 13 mỏ khai thác khoáng sản đang hoạt động với diện tích 64,09 ha, trữ lượng khai thác 4.029.668m3. Trữ lượng đã được cấp phép, công suất khai thác hằng năm trung bình 681.300m3 bảo đảm cung cấp thực hiện xây dựng các công trình, dự án, hạ tầng và nhu cầu xây lắp của người dân trên địa bàn huyện.
UBND huyện cũng nhìn nhận, vẫn còn khó khăn trong công tác thống kê trữ lượng. Công tác quản lý nhà nước về khai thác hoạt động khoáng sản còn những hạn chế như tình trạng cá nhân, tổ chức vi phạm trong hoạt động khoáng sản ngày càng tinh vi, phức tạp, hoạt động này thường diễn ra vào thứ bảy, chủ nhật, địa bàn rộng, lực lượng làm công tác chuyên môn cấp huyện mỏng; công tác giám sát, báo cáo tại địa phương chưa kịp thời nên việc phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm còn khó khăn.
Một số doanh nghiệp chưa lắp đặt trạm cân, camera giám sát, công tác giám sát trong việc xác định độ sâu khai thác còn hạn chế; công chức làm công tác kiểm tra chủ yếu đo đạc thủ công bằng thước dây…
Có thể nói huyện Tân Biên hiện đang là một trong những địa phương có nhiều mỏ hoạt động khai thác khoáng sản vật liệu san lấp trong tỉnh. Với những gì ghi nhận về hoạt động khai thác khoáng sản tại huyện Tân Biên, cũng như những tồn tại, hạn chế mà UBND huyện thừa nhận, có thể thấy rằng, việc công khai giá đất san lấp tại mỏ, vấn đề đánh giá trữ lượng, quản lý thuế, hoá đơn đối với khoáng sản, vấn đề đầu cơ, găm hàng… cần được cơ quan có thẩm quyền vào cuộc, làm rõ để hoạt động khai thác khoáng sản đất san lấp đi vào nề nếp, đúng quy định, hạn chế thất thoát thuế, thất thoát tài nguyên.
Tầm Hoan