Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) - Do ảnh hưởng hoàn lưu các cơn bão, tình trạng mưa lớn diễn ra liên tục, gây ngập úng cục bộ tại nhiều nơi. Trong đó, trên địa bàn huyện Gò Dầu, đã có một số diện tích cây trồng bị chết
Từ đầu mùa mưa đến nay, do ảnh hưởng hoàn lưu các cơn bão, tình trạng mưa lớn diễn ra liên tục, gây ngập úng cục bộ tại nhiều nơi. Trong đó, trên địa bàn huyện Gò Dầu, đã có một số diện tích cây trồng bị chết, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân.
Trước tình hình trên, lãnh đạo ngành Nông nghiệp tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với địa phương tiến hành khảo sát thực tế và đưa ra nhiều giải pháp khắc phục.
Sẽ nạo vét tuyến kênh T14B
Ngày 31.10, Báo Tây Ninh có bài viết “Xã Phước Thạnh, huyện Gò Dầu: Nhiều diện tích trồng cây ăn trái bị chết do ngập úng”, ghi nhận phản ánh của người dân về tình trạng ngập úng cục bộ làm chết hàng trăm cây sầu riêng.
Theo Chi cục Thuỷ lợi, ngày 4.11, lãnh đạo Sở NN&PTNT đã đi kiểm tra thực tế khu vực ngập do Báo Tây Ninh phản ánh (thuộc khu vực tiếp giáp kênh tiêu T4B, đoạn từ Cầu Độn đến Cầu Đôi, do Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh quản lý); đồng thời có văn bản chỉ đạo Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh chủ động phương án xử lý (nạo vét, khơi thông dòng chảy...), giải quyết tình trạng ngập để đảm bảo kênh tiêu T4B tiêu thoát nước.
Ông Nguyễn Quang Nhân– Giám đốc Xí nghiệp thuỷ lợi huyện Gò Dầu cho biết, tuyến kênh tiêu Suối Cầu Độn trong bài viết chính là kênh tiêu T4B (tên người dân thường gọi là Suối Cả Năm) có chiều dài hơn 13km, đây là tuyến kênh thuỷ lợi vừa phục vụ nước tưới và tiêu cho sản xuất nông nghiệp của các xã: Bàu Đồn, Phước Thạnh, Hiệp Thạnh.
Thực hiện dự án phát triển hạ tầng phục vụ chuyển đổi cây trồng xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu, năm 2020, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đã tiến hành mục nạo vét kết hợp làm đường giao thông nội đồng 3 kênh tiêu, gồm: T4B, T4-B0, T4-B3, tổng chiều dài là 11,92km tổng mức đầu tư khoảng 12,4 tỷ đồng, phục vụ tưới và tiêu thoát nước cho khoảng 800 ha đất sản xuất nông nghiệp của xã Bàu Đồn.
Công trình được hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng tháng 4.2022, đã phát huy hiệu quả, bảo đảm tiêu thoát nước, phục vụ sản xuất nông nghiệp của người dân.
Tuy nhiên, do quá trình bồi lắng dòng chảy, khiến một số đoạn của tuyến kênh tiêu chưa bảo đảm việc tiêu thoát nước trong mùa mưa, đặc biệt là thời điểm mưa lớn liên tục do ảnh hưởng của những cơn bão thời gian vừa qua, dẫn đến xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ như phản ánh của báo chí và người dân.
Theo ông Nhân, qua đợt khảo sát thực tế, tuyến kênh T4B, đoạn từ K0 đến K11+42 đã được đầu tư nạo vét, mở rộng. Đoạn cầu Độn đến cầu Đôi bị bồi lắng, làm hạn chế dòng chảy, nên phía Xí nghiệp thuỷ lợi Gò Dầu đã đề xuất Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh đưa vào danh mục đầu tư nạo vét, đắp bờ bao. Dự kiến, dự án sẽ bắt đầu thực hiện vào cuối năm 2024.
Dự án sẽ thực hiện nạo vét, đắp bờ bao đoạn còn lại của tuyến kênh tiêu T4B, từ k10+50 đến k11+42 (từ cầu Độn đến cầu Đôi) kết hợp làm đường giao thông nội đồng, bảo đảm tiêu thoát nước. “Trong quá trình thi công, nếu người dân có nhu cầu lắp đặt cống để chủ động việc lấy nước tưới hoặc tiêu thoát, chống ngập úng có thể mua cống, phía đơn vị thi công sẽ hỗ trợ lắp đặt đúng quy cách”- ông Nhân cho biết.
Chuyển đổi cây phù hợp với điều kiện tự nhiên để giảm thiểu thiệt hại
Trên thực tế, việc nạo vét 3 tuyến kênh tiêu: T4B, T4-B0, T4-B3 đã phát huy hiệu quả, chống ngập úng trong mùa mưa; chủ động nâng mực nước ngầm, tạo độ ẩm cho cây trồng trong mùa khô, tạo điều kiện cho nông dân trên địa bàn xã Bàu Đồn tăng diện tích chuyển đổi cây trồng trên địa bàn sang cây trồng có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, việc hình thành đường giao thông nội đồng hai bên bờ kênh giúp cho việc đi lại, vận chuyển hàng hoá phục vụ cho sản xuất, đã góp phần giảm bớt chi phí đầu tư, gia tăng lợi nhuận sản xuất nông nghiệp, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh có những diễn biến bất thường, cực đoan, thường xuyên xảy ra ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cây trồng.
Để ứng phó với tình hình thời tiết bất lợi, bảo đảm sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp tỉnh đã tập trung đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng thuỷ lợi đồng bộ theo hướng đa mục tiêu, nâng cao năng lực phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, cung cấp nước cho dân sinh và ứng phó với biến đổi khí hậu, giúp nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, tăng hiệu quả kinh tế, hạn chế tình trạng mùa khô lo thiếu nước, mùa mưa sợ ngập.
Theo đó, giai đoạn từ năm 2020 đến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi khoảng 16.255 ha cây trồng, gồm: chuyển đổi từ đất trồng lúa khoảng 14.384 ha, trong đó có 10.604 ha từ lúa chuyển sang trồng cây hàng năm khác (bắp, rau các loại, mía, mì…) và 3.780 ha từ lúa chuyển đổi sang cây lâu năm (cây ăn quả, cây công nghiệp, tre, keo lá tràm…); chuyển đổi từ cây mía sang các loại cây trồng như chuối, mì, lúa, mãng cầu, sầu riêng… là 758 ha; chuyển đổi từ cây cao su sang trồng chuối, sầu riêng, mít, mì… khoảng 386 ha; chuyển đổi từ cây mì sang các loại cây trồng như chuối, mít, sầu riêng, cây có múi… khoảng 292 ha.
Ngoài ra, còn có khoảng 435 ha cây trồng khác được chuyển đổi như: từ cây chuối chuyển sang trồng điều, mì; từ mãng cầu chuyển sang trồng mì, sầu riêng; từ mít chuyển sang trồng mì, chuối… từng bước hình thành các vùng trồng tập trung, một số mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết, góp phần tạo công việc ổn định, cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống nông dân.
Tại huyện Gò Dầu, với điều kiện tự nhiên thổ nhưỡng thuận lợi, thực hiện đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng những năm gần đây, nhiều diện tích đất sản xuất lúa, cao su kém hiệu quả trên địa bàn huyện đã được người dân chuyển đổi sang canh tác cây sầu riêng và một số loại cây ăn trái khác có giá trị kinh tế cao như: dưa lưới, bưởi, nhãn, thanh long... hiện, diện tích cây ăn trái của huyện là hơn 2.900 ha; trong đó, diện tích của cây sầu riêng khoảng 1.400 ha, cây sầu riêng đang cho trái khoảng 1.100 ha.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng giúp khai thác hợp lý nguồn tài nguyên đất, nước, đa dạng hoá sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng thu nhập cho người nông dân trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên, để việc chuyển đổi đạt hiệu quả cao, nông dân cần chú trọng lựa chọn cây trồng phù hợp với thời tiết của địa phương.
Minh Dương