Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) - Kiệu An Thới khác với kiệu của những vùng đất khác vì có phần gốc cao, củ kiệu rất chắc và thơm.
Gia đình ông Tỷ vào mùa thu hoạch kiệu.
Có lẽ mùa xuân ở Tây Ninh đến sớm nhất với những cánh đồng trồng kiệu khu phố An Thới, phường An Tịnh, thị xã Trảng Bàng. Bởi vì ngay từ cuối tháng 11 âm lịch, khi trời chớm se lạnh, những cánh đồng này đã bắt đầu toả ngát hương kiệu, một trong những mùi hương đặc trưng của những ngày tết.
Những cánh đồng kiệu này không lớn, nếu gộp chung chỉ khoảng gần 20 ha. Hiện nay, ở ô 3, khu phố An Thới, hầu như nhà nông nào cũng trồng kiệu.
Trong đó, ông Phạm Văn Tỷ là một trong những nhà nông đầu tư trồng loại cây hàng bông này với số lượng lớn nhất. Mùa kiệu năm nay, lão nông này trồng 900kg kiệu giống, trên 6 công đất. Từ đầu tháng 12 âm lịch, ông Tỷ đã bắt đầu thu hoạch kiệu với số lượng trung bình từ 500kg - 1.000kg/ngày, tuỳ mối lái đặt hàng.
Ông Tỷ cho biết: “Năm ngoái, tôi trồng 8 công, thu hoạch được khoảng 25 tấn. Năm nay thời tiết không thuận lợi, kiệu không được mùa, ước tính sẽ thu hoạch được khoảng 13- 14 tấn, nếu giá thị trường như hiện nay, tôi có lời hơn 100 triệu đồng”.
Theo lời ông Tỷ, thổ nhưỡng ở khu phố An Thới là đất cát hạt to nên khá thích hợp với trồng kiệu. Kiệu An Thới khác với kiệu của những vùng đất khác vì kiệu ở đây có phần gốc cao, củ kiệu rất chắc và thơm.
Ông Tỷ nhớ lại, nghề trồng kiệu ở đây có từ mấy chục năm qua, từ thời cha mẹ của ông truyền lại. Hằng năm, vào khoảng rằm tháng Tám âm lịch, người dân ở đây bắt đầu xuống giống. Đến cuối tháng 11, đầu tháng 12 âm lịch bắt đầu thu hoạch.
Ngay sau khi thu hoạch, cả thân và củ kiệu được vận chuyển về nhà, bó lại thành từng bó, rửa sạch dưới vòi nước mạnh. Thương lái từ các huyện Gò Dầu, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Long An, TP. Hồ Chí Minh tìm đến tận nhà thu mua. “Đây là nghề truyền thống, năm nào bà con ở đây cũng nôn nao chờ đến mùa tết để trồng kiệu”- ông Tỷ nói.
Người nông dân thứ hai trồng nhiều kiệu ở làng An Thới là bà Phạm Thị Năng. Nữ nông dân kể: “Tôi làm nghề trồng kiệu từ khi còn độc thân, sống chung với cha mẹ ruột.
Năm 1982, tôi lập gia đình ra ở riêng, từ đó đến nay, năm nào tôi cũng trồng kiệu tết. Ngoài 0,8 ha của gia đình, có năm, tôi còn thuê thêm đất của người khác để trồng. Những năm trúng mùa, trúng giá, thu nhập mấy trăm triệu đồng là chuyện bình thường”.
Bà Năng gắn bó với nghề trồng kiệu từ khi còn sống chung với cha mẹ ruột đến nay.
Bà Năng kể, những năm trước, khi cả nước xảy ra đại dịch Covid-19, thực hiện giãn cách xã hội, ở đây không ai dám trồng kiệu, vì sợ không bán được, bà là người duy nhất của làng dám đầu tư mua hơn 900kg cây giống về trồng trên 8 công đất.
Câu nói cửa miệng “có gan làm giàu” quả đúng với trường hợp của nữ nông dân này. Mùa kiệu tết năm ấy bà thắng đậm, thương lái ùn ùn kéo đến nhà bà thu mua kiệu với giá cao để bán cho những người dân vui mừng ăn Tết lớn vì đã thoát được đại dịch.
Mỗi năm, cứ vào mùa gió heo may là cánh đồng kiệu An Thới bắt đầu ra hoa, toả hương, cho củ. Tuy chưa quy mô hoành tráng như những làng kiệu khác trên cả nước, nhưng làng kiệu An Thới trở thành một nét xuân rất riêng của vùng đất Tây Ninh. Qua tết, bà con ở đây sẽ bắt tay vào trồng dưa leo, bầu, bí, đậu phộng, khoai mì để chờ đến mùa kiệu năm sau.
Đại Dương