Anh Tú đang bắt cá bán cho khách.
Năm 2016, anh Tú vay 20 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội mua thêm đất ruộng để đào ao, mở rộng diện tích phát triển nghề nuôi cá. Đến nay gia đình anh Tú có 8 ao nuôi cá, thả nuôi hơn 20 loại cá giống các loại.
Ban đầu, ngoài vốn kiến thức, kinh nghiệm nuôi cá được truyền dạy từ gia đình, anh Tú còn tìm đến các trang trại nuôi cá hiệu quả trên địa bàn tỉnh và huyện Châu Thành tham quan, học tập kinh nghiệm.
Anh Tú cho biết mua cá giống ở các tỉnh miền Tây, mỗi lần từ 70 - 80kg, sau 1 tuần dưỡng là có thể xuất bán.
Anh Tú chia sẻ, đối với việc nuôi cá giống, chi phí bỏ ra không lớn, không tốn nhiều công chăm sóc, thức ăn cho cá cũng khá đơn giản chỉ là cám viên nổi; tuy nhiên, cá giống là loại cá nhỏ, dễ chết nên quá trình vận chuyển, nuôi ươm đều phải có kỹ thuật.
Để cá đạt tỷ lệ sống cao đòi hỏi người nuôi phải chọn nhập nguồn giống nuôi tốt; thức ăn bảo đảm hàm lượng dinh dưỡng, cho cá ăn đúng giờ. Để phòng ngừa bệnh cho cá, trước khi thả nuôi phải vệ sinh ao sạch sẽ bằng cách rắc vôi bột.
Hiện nay, nguồn cá giống của trang trại anh Tú sau 1 tuần ươm là đã bán hết. Trung bình một tháng, sau khi trừ các chi phí anh thu về lợi nhuận khoảng trên 15 triệu đồng. Với nghề ươm cá giống, kinh tế gia đình ổn định, nuôi 2 con học đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh.
“Từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi giúp gia đình anh Nguyễn Ngọc Tú từng bước thoát nghèo vươn lên làm giàu. Từ mô hình này, Hội Nông dân xã nhân rộng để hội viên áp dụng mang lại nguồn thu nhập ổn định, phát triển kinh tế”- bà Nguyễn Thị Thu Giang- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Khởi chia sẻ.
Tố Tuấn