Khách hàng mua hàng hoá tại cửa hàng Bách Hoá Xanh.
Thời điểm cuối năm, thị trường bán lẻ hoạt động khá sôi nổi. Đây cũng là giai đoạn cao điểm để đẩy mạnh các chương trình kích cầu tiêu dùng hàng Việt, hưởng ứng cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Tuy nhiên năm nay, tác động của dịch Covid-19 khiến hoạt động thương mại - dịch vụ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, quảng bá thương hiệu việt
Để kích cầu sức mua, các đơn vị bán lẻ và doanh nghiệp chủ động tăng cường những hoạt động quảng bá, tiếp thị sản phẩm nhằm thu hút khách hàng, mở rộng các kênh tiêu thụ trong dịp cao điểm cuối năm.
Theo nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, hoạt động sản xuất đang dần được phục hồi sau nhiều tháng bị gián đoạn do dịch Covid-19. Đại diện Công ty TNHH Phúc An Phát (phường Hiệp Ninh, TP. Tây Ninh) cho biết, doanh nghiệp đang đẩy mạnh hoạt động cung ứng hàng hoá cho các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trong tỉnh và mở rộng ra thị trường các tỉnh, thành trong nước. Trong thời gian tới, tuỳ vào diễn biến dịch bệnh, công ty sẽ có kế hoạch để thích ứng, mở rộng các kênh phân phối sản phẩm.
Trong khi đó, các kênh bán lẻ, các siêu thị, trung tâm thương mại trong tỉnh đã triển khai nhiều chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng những tháng cuối năm, nhất là đối với các sản phẩm hàng Việt.
Ông Huỳnh Thới Vinh, quản lý chuỗi cửa hàng Bách Hoá Xanh khu vực TP. Tây Ninh cho biết, các mặt hàng tiêu dùng như sữa, bánh kẹo… được bày bán tại chuỗi cửa hàng Bách Hoá Xanh đều là sản phẩm Việt, có công bố nguồn gốc xuất xứ, gắn tem truy xuất để người tiêu dùng dễ dàng tìm hiểu, tạo được niềm tin cho người tiêu dùng.
Bà Nguyễn Thị Thanh, chủ một cửa hàng tiện lợi ở xã Thanh Điền, huyện Châu Thành cho biết: “Khách hàng rất quan tâm đến chất lượng và vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đối với tất cả mặt hàng tiêu dùng. Các sản phẩm Việt có uy tín trên thị trường như sữa Vinamilk, bánh kẹo thương hiệu Kinh Đô… được người dân tin tưởng và lựa chọn sử dụng nhiều”.
Theo bà Thanh, năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên lượng khách đến cửa hàng mua sắm giảm nhiều so với trước đây. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nhất là mùa mua sắm tết, cửa hàng cung cấp đầy đủ các mặt hàng thiết yếu và ưu tiên bán hàng Việt.
Không chỉ cung cấp hàng hoá bảo đảm chất lượng, cửa hàng còn tuân thủ tốt các biện pháp phòng dịch theo hướng dẫn của ngành chức năng, nhằm bảo vệ sức khoẻ cho khách hàng, ổn định hoạt động mua bán tại cửa hàng.
Chị Trần Thị Thu Thuỷ (xã Trường Đông, thị xã Hoà Thành) cho biết: “Gia đình tôi sử dụng hàng hoá phần lớn có xuất xứ trong nước, vì chất lượng hàng Việt đã được nâng cao, mẫu mã rất đa dạng, nhất là hàng nông sản có hướng dẫn sử dụng, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tôi rất yên tâm lựa chọn sử dụng”.
Tại siêu thị Co.opMart thành phố Tây Ninh, khách đến mua sắm tại siêu thị khá ổn định. Đặc biệt, siêu thị đã hoạt động trở lại chương trình khuyến mãi với giá đặc biệt, nhiều sản phẩm giảm giá sâu tới 50% vào những ngày cuối tuần. Chương trình này áp dụng nhiều đối với các loại thực phẩm, hoá mỹ phẩm, may mặc, đồ gia dụng… trong đó, hàng trong nước chiếm tỷ lệ lớn.
Ngoài việc tăng dự trữ hàng hoá thiết yếu, bảo đảm cung ứng đầy đủ các mặt hàng tiêu dùng dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2022, các doanh nghiệp, đơn vị bán lẻ còn triển khai đa dạng các chương trình kích cầu tiêu dùng như: giảm giá sản phẩm, tặng quà kèm theo sản phẩm, nhân điểm tích lũy cho các thành viên, bán hàng đồng giá, tăng thời hạn bảo hành sản phẩm với các chính sách hậu mãi tốt…
Tại siêu thị Vinmart (Trung tâm Plaza Vincom), trên 75% hàng hoá ở đây là sản phẩm trong nước. Các nhà sản xuất đưa ra nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá sản phẩm từ 10%-30% đối với các loại thực phẩm, hoá mỹ phẩm, may mặc và đồ gia dụng. Việc giảm giá sản phẩm là cách để quảng bá, tiếp thị sản phẩm hiệu quả nhất của các nhà sản xuất trong nước.
Nhiều giải pháp kích cầu thị trường bán lẻ
Để tạo điều kiện cho các đơn vị trong hệ thống bán lẻ kích cầu tiêu dùng những tháng cuối năm, Sở Công Thương tăng cường rà soát, đôn đốc các doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh thực hiện các chương trình khuyến mại, nhất là với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng theo dõi, nắm bắt tình hình cung - cầu, giá cả các loại hàng hoá để có giải pháp bình ổn thị trường phù hợp.
Bên cạnh đó, các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tăng cường tìm kiếm, khai thác, dự trữ hàng hoá bảo đảm đủ phục vụ tết, ưu tiên hàng hoá sản xuất trong nước; tăng cường tổ chức mạng lưới bán lẻ tại các huyện, thành phố, góp phần bình ổn giá cả thị trường, nhất là địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đi vào chiều sâu, tạo chỗ đứng vững chắc cho hàng Việt tại thị trường nội địa, Sở Công Thương tiếp tục đẩy mạnh công tác hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, phát triển hệ thống phân phối. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động để người tiêu dùng trong và ngoài nước biết, hiểu, đánh giá đúng về chất lượng sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, khả năng sản xuất, kinh doanh.
Trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Sở Công Thương linh động tổ chức các hình thức xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu trên nền tảng số, trực tuyến để hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp trong tỉnh tìm kiếm, mở rộng các kênh tiêu thụ sản phẩm trong tình hình mới; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi phân phối sản phẩm trong nước và nước ngoài; tiếp tục tăng cường các hoạt động xúc tiến, kết nối giữa nhà sản xuất, cung ứng với các nhà phân phối, các tổ chức xúc tiến thương mại trong và ngoài nước; kiểm tra, kiểm soát thị trường; tăng cường các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đẩy mạnh lưu thông và triển khai đồng bộ, linh hoạt các giải pháp kích thích tiêu dùng hàng Việt Nam; có cơ chế điều tiết, lưu thông phân phối hàng hoá, bảo đảm cung ứng nguồn hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp.
Nhi Trần