Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ tại đây, cảm ơn !

Khởi nghiệp thành công với mô hình trồng nho kẹo ghép gốc nho Ninh Thuận - Báo Tây Ninh Online

Thứ hai - 17/04/2023 03:34
BTN - Từ một người chưa từng biết về cây nho, chị Hà đã trồng thành công vườn nho, tạo điểm đến tham quan cho nhiều người trong và ngoài tỉnh.

Chị Ngọc Hà bên vườn nho đang chuẩn bị thu hoạch vào dịp 30.4

Những năm gần đây, vườn nho ở khu vực ấp Trường Phú, xã Trường Đông, thị xã Hoà Thành được nhiều người biết đến. Chủ nhân của vườn là chị Đặng Thị Ngọc Hà (sinh năm 1980). Từ một người chưa từng biết về cây nho, chị Hà đã trồng thành công vườn nho, tạo điểm đến tham quan cho nhiều người trong và ngoài tỉnh.

Về cơ duyên đến với cây nho, chị Hà cho biết nhà có khoảng 0,5 công đất. Trước đây, chị trồng hàng bông nhưng cứ được mùa thì mất giá và được giá lại không thu hoạch được gì. Suy nghĩ phải chuyển đổi cây trồng, chị lên mạng tìm hiểu và chọn giống nho Ninh Thuận để bắt đầu hành trình "phiêu lưu" của mình.

Chị Hà suy nghĩ, Tây Ninh nhiều nắng như đất Ninh Thuận, trồng cây nho chắc sẽ thích hợp. Năm 2018, chị ra Ninh Thuận đặt mua 3.000 gốc nho, giá thành mỗi gốc 200.000 đồng. Chưa từng trồng nho, không có kinh nghiệm, chị Hà phải thuê kỹ sư từ Ninh Thuận vào hướng dẫn.

Làm được vài vụ, nhận thấy cây nho vẫn chưa đạt năng suất như mong muốn, chị Hà quyết định chuyển đổi cách làm. “Cách đây 3 năm, tôi quyết định bỏ bớt 2.000 gốc nho, bán cho khách đến tham quan mua về trồng kiểng, chỉ chừa lại 1.000 gốc chăm sóc cho trái. Phần đất còn lại, tôi đầu tư 300 gốc táo dây, loại táo của Ninh Thuận, không có gai, rất dễ thu hoạch”- chị Hà nhớ lại.

Với 1.000 gốc nho còn lại, chị Hà tìm hiểu, học hỏi cách làm và thêm lần nữa, quyết định thay đổi. Chị mua giống nho kẹo 126 ghép vào gốc nho Ninh Thuận. Sau nhiều lần mời kỹ sư vào tận vườn hướng dẫn cách chăm sóc, lần này, chị Hà quyết định ra Ninh Thuận để học hỏi và bắt đầu áp dụng những kiến thức học được vào vườn nho ở Tây Ninh.

Chị Hà cho biết thêm: “Trước đây đón các kỹ sư vào hướng dẫn kỹ thuật trồng nho, mình tốn rất nhiều chi phí mà chỉ biết được cách chăm sóc vườn tại thời điểm đó. Còn nay, tôi đón xe đi đến nơi, được các anh kỹ sư đưa đến các vườn nho khác nhau, có vườn đang làm trái, có vườn đang tỉa nhánh… để mình tham quan, học theo. Đi như vậy, tuy hơi cực nhưng học được rất nhiều”.

Cứ vậy, chị Hà tích luỹ dần kinh nghiệm và dồn hết tâm huyết vào vườn nho. Chị không thuê mướn ai chăm sóc, mà tự tay làm hết mọi công đoạn. Từ việc tỉa cành, dọn cỏ, bón phân, chị chăm chút, quan sát từng gốc nho qua từng ngày, từng tháng. Những thay đổi nhỏ của cây là chị nhận biết ngay. Qua thời gian, cây trồng không phụ công người chăm sóc. Những cây nho kẹo bắt đầu ra hoa, đậu trái. Từng chùm nho kẹo đầu tiên lúc lỉu trên giàn khiến chị Hà mừng rỡ, hạnh phúc.

 “Tôi ghép nho được 3 vụ rồi. Cây cho trái đều đặn và thu nhập ổn hơn trước. Nho kẹo hiện nay tôi bán giá 150.000 đồng/kg, khách tham quan tại vườn và tự tay hái. Vụ năm nay so với các vụ trước đạt hơn hết. Có thể do kỹ thuật của mình ngày một đúng hơn. Vườn vụ này cho được 2 tấn nho. Tầm khoảng 10 ngày nữa là nho chín, kịp phục vụ cho du khách tham quan vào dịp lễ 30.4”- chị Hà nói.

Bên cạnh đó, với vườn táo 300 gốc hiện nay, mỗi mùa chị Hà thu hoạch được 5 tấn, giá bán tại vườn cho khách tham quan là 40.000 đồng/kg. So với nho, kỹ thuật trồng táo đơn giản hơn. Nho và táo được chị Hà canh cho trái xen kẽ. Nho thu hoạch xong 2 tháng, táo sẽ chín, cho vụ trái kéo dài từ 5-6 tháng. Lúc nào vườn cũng có trái cây phục vụ khách tham quan.

“Mỗi đợt có trái cây, mình mở vườn là có vài trăm khách đến tham quan. Nho mỗi năm cho 2 vụ, táo 1 năm 1 vụ. Thu nhập cao hơn so với trồng hàng bông, nhưng cực lắm. Xong vụ táo là phải cắt cành, đôn lại cho cây ra nhánh mới. Tôi làm vườn chỉ có một mình, mình làm mới vừa ý, cây đạt năng suất mà không bị hư. Cực nhưng rất vui”- chị Hà hồ hởi nói.

Sau khi đầu tư vườn trái cây, du khách đến tham quan ngày càng nhiều, chị Hà nghĩ đến việc mở quán ăn nhỏ phục vụ mọi người, vừa tăng thêm nguồn thu cho gia đình. Công việc trong quán, ngoài vườn đều một tay chị quán xuyến, cả ngày gần như không có thời gian nghỉ ngơi, nhưng nhìn thành quả của mình, chị Hà quên hết mệt nhọc.

Gần đây, chị Hà được Hội LHPN xã Trường Đông giới thiệu cho vay vốn giải quyết việc làm từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư phân tro, sửa lại giàn nhà lưới. “Vừa qua, chị Hà có trao đổi với Hội cần nguồn vốn đầu tư thêm cho vườn, Hội đã tạo điều kiện để chị vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm. Thấy chị Hà làm ăn hiệu quả, Hội rất mừng. Nhất là với mô hình làm quán ăn, chị Hà đã tạo việc làm cho 4 lao động nữ tại địa phương”- bà Võ Thị Ngọc Diệu- Chủ tịch Hội LHPN xã Trường Đông nói.

Với những kiến thức có được từ chăm sóc nho, chị Ngọc Hà cho biết, ai có nhu cầu lập vườn nho chị sẵn sàng hỗ trợ mua cây giống và hướng dẫn cách trồng, chăm sóc để đạt năng suất. “Mình làm nông nên hiểu, khi tìm được một cây trồng phù hợp, cho thu nhập ổn định sẽ giúp người dân vui như thế nào. Nếu ai cần, mình sẵn sàng hỗ trợ”- chị Ngọc Hà nói.

Ngọc Diêu

Nguồn tin: baotayninh.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp