Trại lan cấy mô của chị Nguyễn Thị Cẩm Tiên.
Trên địa bàn xã Trường Đông, thị xã Hoà Thành có nhiều mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả như: nuôi ốc lác, dúi, chồn hương... những mô hình này đã giúp nông dân có thu nhập cao, tạo được công ăn việc làm cho lao động nông thôn, là những mô hình triển vọng để nhân rộng.
Mô hình nuôi chồn hương của ông Trần Văn Huỳnh, ngụ ấp Trường Lưu mang lại thu nhập ổn định cho gia đình. Sau gần 5 năm nuôi chồn hương theo hình thức nhốt chuồng, ông Huỳnh cho biết, nuôi chồn hương chi phí đầu tư thấp, ít tốn công chăm sóc, đầu ra ổn định, hiệu quả kinh tế cao.
Ông Huỳnh chia sẻ, năm 2019, ông nuôi thử nghiệm 9 con chồn hương giống mua từ tỉnh Đồng Nai, mỗi lứa chồn mẹ đẻ từ 3-4 chồn con, có con đẻ đến 5-6 con. Hiện nay, trại của ông Huỳnh có 11 cặp chồn bố mẹ để phát triển con giống, nhưng cũng không đủ cung cấp con giống cho bà con đặt mua.
Qua quá trình nuôi chồn, ông nghiên cứu để thay đổi thức ăn cho chồn và thiết kế chuồng sao cho phù hợp nhất với giống chồn này. Theo ông Huỳnh, chồn hương thích ăn các loại côn trùng (kiến, mối), chim, chuột hay các loại bò sát (rắn, thằn lằn) và một số loại trái cây (đu đủ, chuối chín…). Chồn hương là động vật hoang dã, rất dễ nuôi bởi sức đề kháng tốt, ít bệnh; không đòi hỏi nhiều công chăm sóc. Kinh nghiệm của ông là chú trọng đến cách chăm sóc, áp dụng đúng kỹ thuật về vệ sinh chuồng trại, thức ăn để phòng bệnh cho chồn hương.
Ông Huỳnh cho biết: “Hiện tại, tôi chỉ bán chồn hương giống khoảng 2 tháng tuổi trở lên, với giá từ 8-10 triệu đồng/cặp tuỳ theo trọng lượng. Chồn hương thương phẩm (trọng lượng từ 2,5kg trở lên) được bán với giá từ 1,4 triệu đồng - 1,5 triệu đồng/kg)”.
Mô hình nuôi chồn hương của ông Huỳnh vừa bảo đảm tính hợp pháp (có giấy phép của ngành chức năng), vừa bảo đảm vệ sinh môi trường xung quanh khu vực nuôi. Đặc biệt, ông Huỳnh sẵn sàng và nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật nuôi cho bà con nào đến mua chồn giống về nuôi theo mô hình này.
Ông Nguyễn Hồng Lấm- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Trường Đông cho biết: "Mô hình nuôi chồn hương là mô hình mới trên địa bàn xã. So với chăn nuôi bò thì chồn hương mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người nông dân. Qua đó, nhờ sự hỗ trợ của Ngân hàng Chính sách xã hội cho hộ dân vay vốn, giải quyết việc làm trong chăn nuôi, sản xuất giúp nhiều hộ dân ổn định phát triển kinh tế, tăng thu nhập".
Trong thời gian tới, theo định hướng của Hội Nông dân tỉnh, Hội Nông dân xã tiếp tục phát triển những mô hình mới phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương, cũng như nhân rộng các mô hình đạt hiệu quả, góp phần tăng thu nhập, cải thiện thu nhập cho người dân trên địa bàn xã. Trong quá trình chăn nuôi, sản xuất, người dân gặp khó khăn Hội phối hợp với Trạm Chăn nuôi, Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cử cán bộ kịp thời hỗ trợ về kỹ thuật trong chăn nuôi và sản xuất.
Lan cấy mô được chị Tiên đóng gói cẩn thận để giao cho khách hàng.
Trên địa bàn phường Ninh Sơn, TP. Tây Ninh có mô hình nuôi lan cấy mô, đây là mô hình phát triển kinh tế cần được nhân rộng.
Chị Nguyễn Thị Cẩm Tiên, chủ trại lan cấy mô ở khu phố Ninh Lộc, phường Ninh Sơn, TP. Tây Ninh cho biết, để có những cây giống đồng đều, bảo đảm chất lượng bằng phương pháp nuôi cấy mô. Thì khâu chọn cây mẹ nhân giống, thời điểm chọn mẫu cấy, lấy vào giai đoạn tăng trưởng mạnh nhất của cây mẹ là rất quan trọng.
Tại khu vực nuôi cấy mô, chị Tiên cẩn thận nhấc từng chai thuỷ tinh có chứa những mầm cây giống, chị giới thiệu về quy trình nhân giống hoa bằng phương pháp nuôi cấy mô một cách lưu loát, không khác gì một kỹ sư nông nghiệp.
Chị Tiên cho biết: “Trong quá trình nuôi và nhân giống, tôi gặp một số khó khăn như: cách khắc phục tỷ lệ hao hụt khi mới bắt đầu gieo trồng ra môi trường bên ngoài, dịch bệnh… Nuôi lan cấy mô đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao, ngoài kinh nghiệm của bản thân, tôi còn học hỏi thêm kinh nghiệm từ các chủ vườn lan khác trong và ngoài tỉnh”.
Chị Tiên chia sẻ thêm về kỹ thuật nuôi cấy mô: “Sau khi lấy mô của một phần trên cây cần lấy giống, đem khử trùng cho vào ống nghiệm chứa môi trường nuôi cấy. Môi trường này chứa chất kích thích sinh trưởng để tái sinh các bộ phận như chồi hoặc phôi…
Sau đó, mới tạo cây hoàn chỉnh để nuôi cấy và bắt đầu nhân giống. Mỗi loài có một điều kiện sống khác nhau, do đó khi nuôi cấy cần phải tìm được môi trường chuyên biệt như: nhiệt độ, ánh sáng, dinh dưỡng... của từng loại cây”.
Chị Nguyễn Thị Cẩm Tiên chia sẻ: “Xuất phát từ đam mê, tôi thực hiện mô hình nuôi lan cấy mô. Với khoảng 50 loại lan, nhưng hiện tại thì người tiêu dùng vẫn ưa chuộng nhất là loại lan ngọc điểm, đenrô, vũ nữ…
Mỗi tháng tôi bán sỉ và lẻ khoảng 10-15 ngàn cây lan, khách hàng chủ yếu ở các tỉnh miền Tây và miền Bắc. Mô hình này mang lại thu nhập ổn định cho gia đình, với giá bán hơn 10 ngàn/cây lan tuỳ loại, trừ hết chi phí, thu nhập hơn 30 triệu đồng/tháng”.
Theo chị Tiên, cây giống được sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô có những đặc tính vượt trội so với các phương pháp nhân giống cây truyền thống. Cây giống hoàn toàn sạch bệnh và thừa hưởng tất cả gen của cây gốc ban đầu mà không bị lai tạp.
Ông Nguyễn Thanh Phong- Chủ tịch Hội Nông dân phường Ninh Sơn cho biết, mô hình nuôi lan cấy mô là mô hình mới của địa phương. Đây là mô hình đạt hiệu quả cần nhân rộng, phát triển tại các khu phố, cũng như các địa phương khác.
Sản phẩm lan cấy mô của chị Tiên đưa ra thị trường khá lớn ở các tỉnh lân cận. Ngoài ra, chị Tiên còn thực hiện tốt công tác an sinh xã hội tại địa phương, hỗ trợ tặng quà cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn, tạo công ăn việc làm cho 5-7 lao động tại địa phương có thu nhập ổn định.
Ngoài ra, để tạo điều kiện cho người dân sản xuất những mô hình mới, Hội Nông dân giới thiệu cho chị Tiên vay vốn khởi nghiệp là 200 triệu đồng để đầu tư kỹ thuật vào mô hình trồng lan cấy mô.
Đối với các mô hình khác như nuôi chồn hương, nuôi dúi, ốc núi… Hội Nông dân tiếp tục tạo điều kiện để phát triển mô hình, thường xuyên tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật và chăn nuôi, sản xuất đạt hiệu quả cao hơn.
Nhi Trần - Nhật Quang