Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ tại đây, cảm ơn !

Đề nghị điều chỉnh tiến trình đầu tư cao tốc Gò Dầu - Xa Mát trước năm 2030 

Thứ sáu - 13/08/2021 08:16
BTNO - Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Tây Ninh, vừa qua, Bộ GTVT có tờ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có tuyến cao tốc Gò Dầu - Xa Mát dài 65km, quy mô 4 làn xe, tiến trình đầu tư sau năm 2030.

Tuyến cao tốc Gò Dầu - Xa Mát được hình thành và đi vào khai thác sẽ giảm áp lực cho quốc lộ 22B hiện nay (ảnh minh hoạ)

Sau đó, UBND tỉnh Tây Ninh đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT điều chỉnh tiến trình đầu tư cao tốc Gò Dầu - Xa Mát trước năm 2030, phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn.

Trong giai đoạn 1, đầu tư đoạn từ Gò Dầu đến thành phố Tây Ninh (dài khoảng 28km, khởi công và hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025, dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 5.600 tỷ đồng).

Trong giai đoạn 2, đầu tư đoạn còn lại từ thành phố Tây Ninh đến cửa khẩu Xa Mát, khởi công và hoàn thành trong giai đoạn 2026-2030, dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh, Sở GTVT lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, nội dung báo cáo đã thông qua các sở, ngành và địa phương có liên quan. Một số nội dung chính của báo cáo nghiên cứu tiền khả thi như sau: 

Dự án có điểm đầu giao với đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Mộc Bài tại khoảng Km38+800 thuộc xã Phước Thạnh, huyện Gò Dầu; điểm cuối khoảng Km27+820 giao với đường 781, thuộc địa phận xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu. Tổng chiều dài nghiên cứu của tuyến khoảng 27,82km.  Tuyến đi qua địa phận các huyện Gò Dầu, Dương Minh Châu và thị xã Hoà Thành. Quy mô đầu tư mặt cắt ngang giai đoạn 1 gồm 4 làn xe, bề rộng nền đường là 17m, vận tốc thiết kế 80km/h.

Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 dự kiến khoảng 5.159 tỷ đồng. Trong đó, phân theo chi phí, gồm có: Chi phí xây dựng, thiết bị 3.057 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn đầu tư, chi phí khác và lãi vay trong quá trình xây dựng 367 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng 1.062 tỷ đồng; chi phí dự phòng 673 tỷ đồng.

Phân theo cơ cấu nguồn vốn và trách nhiệm chi trả từ nguồn ngân sách địa phương: Nguồn vốn kêu gọi đầu tư theo hợp đồng BOT là 2.609 tỷ đồng (chiếm 51%), bao gồm vốn chủ sở hữu và vốn huy động của nhà đầu tư theo quy định. Nguồn vốn ngân sách địa phương thực hiện là 2.550 tỷ đồng (chiếm 49%). Phương án huy động vốn dự kiến lấy từ nguồn đấu giá quyền sử dụng đất.

An Khang

Nguồn tin: baotayninh.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp