Công nhân sơ chế chuối xuất khẩu tại HTX cây ăn trái Tân Đông (huyện Tân Châu).
Theo Cục Thống kê, tình hình thế giới và khu vực được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp đã tác động không thuận lợi đến hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ba tháng đầu năm 2023, hoạt động sản xuất gặp nhiều khó khăn khi mà quy mô đơn hàng ngày một giảm, doanh nghiệp hoạt động cầm chừng để duy trì nguồn lao động, một số khác thì phải tạm dừng hoạt động.
Được biết, kim ngạch xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2023 ước đạt 1.175,5 triệu USD, giảm 19,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản ước đạt 34 triệu USD, giảm 43,3% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 1.121,7 triệu USD, giảm 18,2%. Trong nhóm hàng này, nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao giảm khá mạnh so với cùng kỳ như: phương tiện vận tải và phụ tùng, hàng dệt may, giày dép các loại, sợi dệt các loại, vải các loại.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm, với chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia, cùng với căng thẳng tại Nga - Ukraine khiến xu hướng mua sắm của người tiêu dùng trên thế giới giảm mạnh. Các doanh nghiệp thuộc hầu hết ngành nghề vẫn đang chật vật tìm cách duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục giảm ở một số ngành như: dệt may, da giày, thủ công mỹ nghệ…
Quý I.2023, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của tỉnh tập trung vào thị trường Trung Quốc, Mỹ, Campuchia, Nhật Bản, Indonesia. Đây là những nền kinh tế hàng đầu thế giới, nhưng các rào cản thương mại, kỹ thuật rất cao.
Thời gian qua, kim ngạch xuất khẩu sụt giảm do áp lực từ thị trường nhập khẩu, cạnh tranh về giá, hàng rào phí thuế quan... Cùng với đó, những biến động của thị trường thế giới đều có tác động nhất định đến kim ngạch xuất khẩu.
Theo nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, khó khăn về thị trường thế giới vẫn là rất lớn, nhất là sự cạnh tranh với các nước có sản phẩm giống nhau. Chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu cho các doanh nghiệp, vay vốn ngân hàng, kết nối chuỗi giá trị sản phẩm, xây dựng vùng nguyên liệu và hỗ trợ thủ tục hành chính cho doanh nghiệp là những vấn đề cần quan tâm tháo gỡ.
Công nhân làm việc tại một công ty dệt trên địa bàn tỉnh.
Theo Cục Hải quan, để tạo thuận lợi, thúc đẩy hoạt động thông quan, xuất khẩu hàng hoá, ngành Hải quan tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đặc biệt là số hoá, tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp.
Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thi hành Luật Hải quan và các văn bản hướng dẫn có liên quan. Thông qua việc rà soát, tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, các thủ tục hải quan được đơn giản hoá, các bước, trình tự quy trình thủ tục hải quan được tối ưu hoá, tạo thuận lợi tối đa cho người khai hải quan nhưng vẫn bảo đảm công tác quản lý của cơ quan Hải quan.
Đồng thời, tạo thuận lợi về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hoá xuất nhập khẩu thông qua việc chấp nhận chứng từ dưới dạng điện tử thay chứng từ giấy; tạo điều kiện và thực hiện thông quan ngay trong ngày đối với hàng hoá xuất khẩu là nông sản; phối hợp với các cơ quan chức năng để điều tiết lượng hàng hoá, phương tiện tránh ùn tắc tại các cửa khẩu; xây dựng phần mềm cảnh báo ùn tắc tại các cửa khẩu.
Công nhân đóng gói chuối xuất khẩu tại HTX cây ăn trái Tân Đông (huyện Tân Châu).
Trong thời gian tới, Cục Hải quan Tây Ninh tiếp tục đồng hành và chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp bằng cách giải quyết kịp thời các vướng mắc của doanh nghiệp qua việc trao đổi trực tiếp, trả lời bằng văn bản, giải đáp qua đường dây nóng, giải đáp trực tiếp tại các kỳ hội nghị đối thoại doanh nghiệp.
Nhi Trần