Đường 789 đang được các nhà thầu tranh thủ thi công khi có mặt bằng.
Trong một vài số báo gần đây, Báo Tây Ninh đã phản ánh những khó khăn khi triển khai công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện các công trình giao thông, nhất là những công trình trọng điểm. Nhằm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập, ngày 18.5.2021, UBND tỉnh ban hành Công văn 1494 về việc triển khai Chỉ thị 04-CT/TU ngày 14.4.2021 của Tỉnh uỷ về đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, đề án, chương trình trọng điểm phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, nhất là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Nỗ lực của tỉnh, trách nhiệm của huyện
Theo công văn trên, UBND tỉnh yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành giao thông tỉnh phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Dương Minh Châu, UBND thị xã Trảng Bàng khẩn trương triển khai bảo đảm tiến độ dự án nâng cấp, mở rộng đường ĐT.782-ĐT.784; đường Đất Sét - Bến Củi; đường liên tuyến kết nối vùng N8 - 787B - 789. Quá trình thực hiện có khó khăn phải khẩn trương báo cáo ngay UBND tỉnh để kịp thời chỉ đạo tháo gỡ.
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các ngành, UBND cấp huyện phát huy nguồn lực từ đất; thực hiện nghiêm pháp luật về đất đai để hạn chế đầu cơ đất; tập trung hoàn thành sắp xếp đất đai của các công ty nông nghiệp.
Phối hợp Sở Nội vụ và các đơn vị có liên quan tổ chức bồi dưỡng, nâng cao trách nhiệm, năng lực, kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, quản lý nhà nước tại cơ quan, đơn vị các cấp, chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án trong quá trình tham mưu, tổ chức hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi cho các bộ chuyên trực tiếp làm công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; có biện pháp tháo gỡ, hỗ trợ nhà đầu tư khắc phục các khó khăn, vướng mắc, vấn đề phức tạp mới phát sinh, bảo đảm dự án được triển khai thuận lợi, đúng tiến độ.
UBND tỉnh yêu cầu UBND cấp huyện ưu tiên bố trí đầy đủ nhân lực để đẩy nhanh thời gian giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo về lĩnh vực bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; tập trung nắm chắc, kịp thời, giải quyết triệt để, thoả đáng, đúng quy định các thắc mắc, kiến nghị chính đáng của người dân, không để các đối tượng xấu lợi dụng sơ hở, thiếu sót để xuyên tạc, kích động chống đối.
Khi thành lập Ban Chỉ đạo bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với các dự án, công trình trọng điểm, có quy mô lớn hoặc có vướng mắc khi triển khai, phải mời đại diện các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp uỷ, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tham gia để thống nhất phương án tuyên truyền và nắm dư luận, tâm trạng xã hội.
Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm túc các kế hoạch, phương án hỗ trợ, tái định cư đã được phê duyệt, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong vùng dự án sớm ổn định chỗ ở, ổn định cuộc sống, có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập; việc tái định cư phải bảo đảm điều kiện sống và sinh kế bằng và tốt hơn cho người dân. Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra việc thực hiện để ngăn ngừa, xử lý kịp thời các hiện tượng tiêu cực.
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, trách nhiệm của UBND cấp huyện trong vấn đề bồi thường giải phóng mặt bằng được nêu cụ thể, do đó, UBND huyện chủ động triển khai tốt, công tác này sẽ thuận lợi.
Đại diện nhà thầu thi công đi kiểm tra tiến độ công trình để đẩy nhanh tiến độ thi công đường 789.
Những phát sinh “khó xử”
Thực tế cho thấy, công tác giải phóng mặt bằng bị kéo dài khiến chủ đầu tư và nhà thầu thi công bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Đơn cử như đường 784, đại diện nhà thầu cho biết, khi có mặt bằng, nhà thầu đã cho triển khai thi công một đoạn đường ngắn để bảo đảm an toàn giao thông, thuận lợi cho phương tiện lưu thông, người dân đi lại. Tuy nhiên, thảm bê tông nhựa xong đoạn đường trên, những đoạn còn lại của gói thầu phải kéo dài đến 2 năm sau mới có mặt bằng thi công.
Do thảm bê tông nhựa không cùng lúc, đoạn đường làm cách đây 2 năm trải qua quá trình đưa vào sử dụng, có sự không “đồng bộ” với đoạn mới triển khai. Chính vì thế, để bảo đảm chất lượng và thẩm mỹ công trình, nhà thầu phải chấp nhận thiệt hại thảm thêm lớp bê tông nhựa dày 30cm. Khi gói thầu được nghiệm thu, nhà thầu có trách nhiệm thực hiện việc bảo hành theo quy định của ngành GTVT tỉnh, trong khi có những đoạn đưa vào sử dụng đã lâu, nên nhà thầu phải chịu “thiệt đơn, thiệt kép”.
Chẳng hạn như công trình đường 787 (giai đoạn 2), dù người dân đã đồng ý bàn giao mặt bằng nhưng khi thấy nhà thầu móc nền hạ để thi công, người dân tự ý móc đất di chuyển đi nơi khác, khiến nền hạ bị sâu hơn thiết kế. Bởi đất mà nhà thầu móc đi khi thi công nền hạ theo thiết kế được tận dụng lại nhưng người dân móc đi khiến nhà thầu phải tìm nguồn đất khác để bù đắp.
Chủ đầu tư, nhà thầu phản ánh đến chính quyền địa phương về tình trạng này nhưng không được giải quyết dứt điểm nên nhà thầu đành phải mua đất để đổ lại nền hạ, phát sinh thêm kinh phí.
Mới đây, nhà thầu thi công đường 789 gặp cảnh tương tự, dù nhà thầu, cán bộ giám sát của chủ đầu tư ra sức giải thích nhưng không có kết quả. Chứng kiến một người dân thuê máy xúc móc đất đường 789 (đoạn xã Đôn Thuận, thị xã Trảng Bàng), người viết hỏi, người dân này trả lời đường này trước đây thấp nên ông đổ đất thêm cho cao, thuận lợi vào nhà. Còn bây giờ Nhà nước thi công thì đất ông đổ trước đây, ông móc lại là bình thường (!?). Nói rồi, người đàn ông này kêu máy xúc tiếp tục móc đất trước sự chứng kiến của người viết, cán bộ giám sát công trình.
Theo cán bộ quản lý dự án được phân công giám sát dự án tuyến đường này, người dân cần phải hiểu và chia sẻ với chủ đầu tư và nhà thầu thi công khi đã nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng. Vấn đề này nếu chính quyền địa phương không vào cuộc hỗ trợ tuyên truyền, xử lý những cá nhân cố tình “móc đất” để kinh doanh thì nhà thầu tuyến đường này cũng rơi vào hoàn cảnh như nhà thầu đường 787 trước đây. Do đó, chủ đầu tư, nhà thầu rất mong sự vào cuộc hỗ trợ của chính quyền địa phương cấp xã trong việc giải quyết những khó khăn phát sinh trong quá trình thi công.
Thiên Tâm