Từ chiếc hộp nhạc đến sao lưu não bộ
Vào cuối những năm 1700, những người thợ máy bắt đầu chế tạo hộp nhạc: những cỗ máy nhỏ tinh vi có thể tự phát ra hòa âm và giai điệu. Một số còn kết hợp cả trống, đàn organ, thậm chí violin, tất cả được điều phối bằng một trụ quay. Những ví dụ tham vọng hơn có thể kể đến là dàn nhạc cơ khí Panharmonicon được phát minh ở Vienna vào năm 1805, hay hộp Oschestrion được sản xuất hàng loạt tại Dresden (Đức) vào năm 1851.
Nhưng, công nghệ vẫn có những hạn chế. Để tạo ra được một tiếng vĩ cầm thuyết phục, người ta phải làm được một chiếc violin nhỏ, khá kỳ công về mặt kỹ thuật. Hay làm thế nào để tái tạo tiếng kèn trombone? Các nghệ nhân cho rằng toàn bộ những nhạc cụ phải được sao chép thật hoàn hảo để cho ra một dàn nhạc máy đúng nghĩa.
Ông chủ Facebook Mark Zuckerberg trong phòng thí nghiệm công nghệ thực tế ảo. Nguồn ảnh: Uploadvr
Vào năm 1877, nhà phát minh huyền thoại người Mỹ Thomas Edison đã cho ra mắt chiếc máy quay đĩa đầu tiên và lịch sử của âm nhạc đã thay đổi. Hóa ra, để tái tạo và bảo tồn âm thanh của một nhạc cụ, bạn không cần phải biết mọi thứ về nó, vật liệu hoặc cấu trúc vật lý của nó. Bạn không cần phải làm ra một dàn nhạc nhỏ thu gọn trong một cái hộp. Tất cả những gì ta cần là tập trung vào phần quan trọng nhất: ghi lại các sóng âm thanh, biến chúng thành dữ liệu và mang đến cho chúng sự bất tử.
Hãy tưởng tượng một tương lai mà tâm trí bạn không bao giờ chết, như những sóng âm thanh kia. Khi cơ thể bạn bắt đầu suy tàn, một chiếc máy sẽ quét não bạn đủ chi tiết để nắm bắt được các kết cấu và dữ kiện tinh vi của nó. Một hệ thống máy tính sử dụng dữ liệu để mô phỏng lại bộ não của bạn. Giống như máy quay đĩa, nó sẽ loại bỏ các cấu trúc thể lý không liên quan, chỉ để phần cốt lõi của các mẫu dữ liệu. Và sau đó là giây phút mà chính bạn, với những ký ức, cảm xúc, cách suy nghĩ lẫn cách ra quyết định, được dịch chuyển sang phần cứng máy tính dễ dàng như chúng ta sao chép một tệp văn bản ngày nay.
Phiên bản thứ hai này của bạn có thể sống trong một thế giới giả lập và hầu như không có sự khác biệt. Bạn có thể dạo quanh một vòng thành phố mô phỏng, cảm nhận làn gió mát, ăn uống tại một quán cà phê, nói chuyện với những người-mô-phỏng khác, chơi game, xem phim, tận hưởng bản thân. Đau đớn và bệnh tật được lập trình để không tồn tại. Nếu bạn vẫn quan tâm đến thế giới bên ngoài không gian mô phỏng của mình, bạn có thể tự mình gọi điện cho các thành viên khác trong gia đình.
Tầm nhìn về một thế giới thực tế ảo đã đi vào trí tưởng tượng của nhiều người qua truyện ngắn “Hầm ngầm thế giới” (1955) của nhà văn khoa học viễn tưởng người Mỹ Frederik Pohl, sau này là cảm hứng của bộ phim viễn tưởng “Tron” (1982). Tiếp theo, “Ma trận” (1999) đã chính thức phổ biến cho công chúng ý tưởng về một thực tại giả lập, thông qua việc kích hoạt các bộ não thực. Nó được chính những người có địa vị cao nhất của xã hội loài người tin tưởng: tỷ phú người Nga Dmitry Itskov đã từng khuấy động dư luận khi nói rằng ông muốn chuyển tâm trí mình vào một cỗ máy, nhờ đó đạt được sự bất tử. Nhà bác học người Anh Stephen Hawking thậm chí từng suy đoán rằng một thế giới bên kia được mô phỏng bằng máy tính và thuật toán có thể khả thi về mặt công nghệ.
Tháng 10 vừa qua, đến lượt ông chủ của Facebook - tỷ phú công nghệ Mark Zuckerberg, xác nhận rằng từ nay, mục tiêu của mạng xã hội số 1 hành tinh sẽ là xây dựng vũ trụ ảo (metaverse), nơi con người có thể tương tác với nhau trong một thế giới mới trên không gian kỹ thuật số. Để hiện thực hóa tầm nhìn này, Mark Zuckerberg đã đổi tên công ty thành Meta.
Cựu CEO của Google, Eric Schmidt, lo ngại rằng ý tưởng metaverse sẽ khiến xã hội loài người ngày càng “ảo” hơn. Thiên tài công nghệ John Carmack thì cho rằng metaverse sẽ khó trở thành hiện thực, với chỉ một mình nỗ lực của Facebook. Giới truyền thông trên toàn thế giới thì cho rằng đây đơn giản chỉ là bước đi cứu vớt danh tiếng đang ngập trong bê bối của Facebook, với các cáo buộc tin giả, thu thập dữ liệu và thao túng người dùng. Vũ trụ ảo đơn giản là một ảo vọng lớn.
Con người có thể bất tử nếu sao lưu được não bộ và cho chúng chạy trên một thế giới ảo?
Một thế giới thật khác
Thật dễ dàng để bỏ qua hoặc cười nhạo ý tưởng này, có vẻ rất giống một trò tưởng tượng của những mọt sách khoa học viễn tưởng. Nhưng, Michael Graziano, một nhà khoa học nghiên cứu thần kinh người Mỹ đang giảng dạy tại Đại học Priceton (New Jersey, Mỹ), đã xác nhận rằng việc sao chép lại não bộ và đưa chúng vào một thế giới khác là khả thi: “Trong gần 30 năm, tôi đã nghiên cứu cách các giác quan tiếp nhận và xử lý thông tin, cách các xung động được kiểm soát và gần đây, hiểu cơ chế mà mạng lưới nơ-ron thần kinh tính toán những tài nguyên vi diệu của nhận thức. Tôi tự hỏi, với những gì chúng ta biết về não bộ, liệu ta có thể thực sự tải được tâm trí của ai đó lên máy tính hay không. Và dự phóng khả quan nhất của tôi là: Có thể, gần như chắc chắn” - ông viết trong bài tiểu luận đăng trên trang khoa học và triết học Aeon.co.
Các nỗ lực đáng chú ý đã và đang xuất hiện, để đóng góp cho vũ trụ ảo. Liên minh châu Âu đã tài trợ cho các dự án Não Xanh (Blue Brain) và Não Người (Human Brain) của Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ ở Lausanne điều hành. Microsoft tuyên bố sẽ sớm ra mắt metaverse cho ứng dụng văn phòng vào năm 2022. Ngành công nghiệp giải trí đã bắt đầu vẽ ra viễn cảnh rằng bạn có thể chu du đi bất kỳ đâu với cảm giác sống động, trong môi trường giả lập. Bạn có thể đi từ châu Âu đến sao Hỏa, hay thậm chí vào thế giới của những con rồng hay khủng long.
Thậm chí, nếu ý tưởng sao chép và mô phỏng não bộ thành công, nếu bạn chết và được thay thế bằng một phiên bản mô phỏng thực sự tốt, mọi chuyện sẽ giống như bước vào một máy quét và bước ra ở một nơi khác. Bạn có thể sẽ thiếu một số kỷ niệm: nếu chỉ sao lưu não hằng năm, chẳng hạn như 8 tháng trước, bạn sẽ thức dậy mà thiếu 8 tháng đó. Nhưng, bạn vẫn có thể cảm thấy rằng bản thân, bạn bè và gia đình có thể dễ dàng điền vào khoảng trống mà bạn đã bỏ lỡ.
Một công nghệ như vậy thậm chí sẽ thay đổi định nghĩa về ý nghĩ của việc trở thành một bản thể và ý nghĩa của tồn tại. Chúng ta sẽ có xu hướng đối xử với cuộc sống và cái chết một cách ngẫu nhiên hơn nhiều. Mọi người sẽ sẵn sàng đặt mình và bản thân vào những tình thế hiểm nguy hơn, thậm chí nhìn nhận sự tôn nghiêm của cuộc sống theo một cách khinh bỉ giống như cách mà đám đông ưa thích kỹ thuật số hiện đại phán xét những người cổ hủ luôn nói về sự tôn nghiêm của một cuốn sách bìa cứng được bọc vải.
Sau đó, một lần nữa, chúng ta sẽ mở ra những cuộc xét lại về đạo đức trong cuộc sống kỹ thuật số. Liệu những người giả lập, sống trong một thế giới nhân tạo, có quyền con người giống chúng ta không? Liệu việc kéo dài phích cắm sự sống trên những người mô phỏng có phải là một tội ác? Có luân lý nào trói buộc những thử nghiệm trên ý thức mô phỏng không? Một nhà khoa học có thể thử tái tạo một cậu A nào đó, tạo ra một bản sao xấu, xóa bỏ những lần tái tạo không may cho đến khi có một phiên bản ưng ý?
Nếu bạn, với tư cách một phần của xã hội loài người, xem nhẹ những ý tưởng kiểu này, có thể bạn sẽ bối rối tột cùng với các nan đề đạo đức mới, vì bất chấp việc chúng ta có đồng thuận hay không, các công nghệ sẽ bẻ cong cuộc sống theo ảnh hưởng của chúng. Hãy nhớ về thời kỳ internet mới xuất hiện: có người cho rằng đây là chuyện vô bổ và máy fax có lẽ còn được phổ biến tốt hơn. Giờ thì máy fax đã chết và internet trở thành một trong những phát minh vĩ đại nhất của thời đại chúng ta, định hình lại cách con người tư duy, hành động và thậm chí là ý nghĩa của tồn tại.
Đối với các cá nhân, viễn cảnh kiểu này có 3 phần hấp dẫn và 7 phần kinh hoàng. Đây sẽ là một giai đoạn mới trong sự tồn tại của loài người, lộn xộn và khó khăn như bất kỳ giai đoạn nào đã từng xảy ra, một giai đoạn xa lạ với chúng ta bây giờ giống như thời đại internet trước mắt một công dân La Mã 2.000 năm trước. Nhưng, rồi những điều xa lạ sẽ lại được tôn vinh như là sự tiến bộ. Chúng ta luôn cố gắng sống sót một cách thoải mái, dù ít hay nhiều, trong một thế giới có thể sẽ khiến các thế hệ trước cảm thấy sợ hãi hoặc thậm chí là bị xúc phạm. Đấy là nan đề, mà cũng là vẻ đẹp bất tận của việc được sống.
Nguồn cand