Một năm đầy biến động trôi qua – kinh tế Việt Nam 2021 có những điểm sáng, có cả những gam trầm, và nông nghiệp cùng xuất khẩu là hai trong số nhiều điểm sáng – tạo nền tảng, tạo đà cho phục hồi, tăng trưởng kinh tế đất nước.
Nhưng có lẽ phải khẳng định, nỗ lực chuyển đổi số trên tất cả các khía cạnh là giải pháp tình thế mà thực tế, hữu hiệu và đóng góp nhiều nhất cho nỗ lực chung này. Chuyển đổi số là “vaccine” cần có, cần tăng cường sử dụng, để tiến trình phục hồi kinh tế thời gian tới được nhanh hơn và bền vững như kỳ vọng.
Từ cuối năm 2020 – năm đầu tiên chịu tác động từ đại dịch Covid-19, UBND Quận 3, TP.HCM đã ưu tiên thực hiện giải quyết hồ sơ trực tuyến, nên bước sang năm 2021 cán bộ cơ sở đã tương đối thuần thục trong triển khai hoạt động này. Giai đoạn thành phố giãn cách cao độ vì diễn biến căng thẳng của dịch bệnh, đơn vị này tiếp tục đưa ứng dụng “Quận 3 trực tuyến” lên điện thoại thông minh, vận động người dân sử dụng, tăng cường giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến, mang lại nhiều lợi ích cho cả người dân và chính quyền, đặc biệt là ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh, tiết giảm chi phí.
“Trong mùa dịch tôi rất ngại khi phải ra đường, nhưng dịch vụ công trực tuyến giúp tôi bớt đi lại nhiều lần, chỉ lên lấy hồ sơ nên cảm giác an tâm hơn”, ông Trương Thanh Lộc ở Quận 3 khẳng định.
Chuyển đổi số có dấu ấn quan trọng-nổi bật trên nhiều hoạt động, ở hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề. Ảnh minh họa: DN Hội nhập
Thực hiện thủ tục hành chính dựa trên công nghệ thông tin nói riêng, dựa trên nền tảng số nói chung, chính là một phần của quá trình chuyển đổi số ở hoạt động sản xuất kinh doanh. Livestream bán hàng là ví dụ thực tiễn khẳng định tính hữu dụng của chuyển đổi số đối với hoạt động giao thương suốt gần 2 năm qua, đặc biệt là trong đợt dịch lần thứ 4. Đây là hình thức quảng bá sản phẩm, kết nối nhu cầu mua-bán, thực hiện giao dịch hàng hóa dựa trên nền tảng thương mại điện tử - một trong những lĩnh vực đã được khẳng định đóng góp nhiều nhất cho tăng trưởng kinh tế.
Tương tự, chuyển đổi số có dấu ấn quan trọng-nổi bật trên nhiều hoạt động, ở hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề, từ cấp Trung ương cho tới các Bộ, ngành, địa phương; trong công tác, chỉ đạo, điều hành, cho đến triển khai thực hiện như: ngoại giao trực tuyến, họp trực tuyến, xúc tiến xuất khẩu trực tuyến, giáo dục trực tuyến, khám bệnh từ xa…
Bà Nguyễn Thị Hương – Tổng cục Trưởng Tổng cục thống kê, Bộ Kế hoạch và đầu tư nhìn nhận, rút kinh nghiệm từ những đợt trước, Chính phủ và các địa phương đã bình tĩnh, chủ động đối phó với dịch bệnh. Ở các vùng chưa có dịch vẫn có những hoạt động sản xuất, đời sống sinh hoạt bình thường chứ không phong toả trên diện rộng như năm 2020.
“Chúng ta cũng linh hoạt hơn và áp dụng công nghệ thông tin, tăng cường sử dụng các sàn giao dịch điện tử do đó chúng ta vẫn thông thương được hàng hoá trong bối cảnh dịch Covid-19. Sự điều hành linh hoạt này đã giúp đóng góp vào mức tăng trưởng”, bà Hương đánh giá.
Phải khẳng định trong gần 2 năm qua, đặc biệt trong năm 2021 với diễn biến khôn lường của đợt dịch lần thứ tư, hoạt động chuyển đổi số thể hiện mạnh mẽ trên cả 3 phương diện như Chính phủ kỳ vọng là: Chính phủ số, xã hội số và kinh tế số.
“Dù chưa thể thống kê, định lượng đóng góp của quá trình này bằng một con số, nhưng đây chắc chắn là giải pháp mạnh nhất trong tất cả các giải pháp đang được vận dụng, hỗ trợ thiết thực cho nhịp tăng trưởng. Khảo sát của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 152.000 doanh nghiệp Việt Nam, đã có trên 30% doanh nghiệp đầu tư công nghệ, đặc biệt là công nghệ số và chuyển đổi cách thức vận hành sản phẩm sản xuất kinh doanh ở mức độ khác nhau. Đó là một tín hiệu rất tích cực”, chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành nhìn nhận.
Không chỉ vậy, nhiều chuyên gia kinh tế như TS Lê Duy Bình – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế Economica Việt Nam khẳng định, Covid-19 là cú huých trăm năm để toàn nền kinh tế nhận ra tính ưu việt của chuyển đổi số và thúc ép bản thân, thúc ép nội ngành, nội tỉnh, thúc ép quốc gia, dân tộc nỗ lực đẩy nhanh tiến trình này. Chuyển đổi số cần được coi như vaccine hỗ trợ phục hồi, tăng tốc kinh tế xã hội, đặc biệt là giai đoạn hậu đại dịch.
“Tuy nhiên, để có thể trở thành một quốc gia chuyển đổi mạnh mẽ công nghiệp số thì những khó khăn, thuận lợi hoặc chất xúc tác trong đại dịch-trong thời gian qua đã mang lại cho nền kinh tế mới chỉ là những tín hiệu, là những con số ban đầu. Chúng ta còn rất nhiều việc phải làm!”, TS Lê Duy Bình nêu ý kiến.
Cần xây dựng các doanh nghiệp chuyển đổi số để làm những đầu tàu xây dựng Chính phủ số. Ảnh minh họa: Hà Nội mới
Đồng thuận quan điểm này, ông Nguyễn Đình Thắng – Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam phân tích, mục tiêu-nhiệm vụ tiên quyết được Đảng, Chính phủ xác định trong thời gian tới là kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo nền tảng phục hồi kinh tế. Coi chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, ngành nghề, bằng những hành động nhỏ nhất trong đời sống kinh tế-xã hội của từng người dân, doanh nhân, doanh nghiệp là vaccine giúp tăng sức đề kháng cho toàn nền kinh tế, hướng tới mục tiêu này là đúng. Nhưng nguồn vaccine chuyển đổi số có thể lấy ở đâu và làm thế nào bao phủ vaccine này trên toàn hệ thống là cả vấn đề.
“Để có vaccine chuyển đổi số phải có chủ trương và làm thế nào để đưa vaccine này trở thành đại trà đến cho doanh nghiệp, người dân, đến toàn hệ thống chính quyền cần khâu tổ chức thực hiện. Cần xây dựng các doanh nghiệp chuyển đổi số để làm những đầu tàu xây dựng Chính phủ số, làm hạ tầng tầng chuyển đổi số. Thực tế VN cũng đang sản xuất vaccine này nên giờ cần tuyên truyền, hướng dẫn và tiêm vaccine chuyển đổi số đó đến doanh nghiệp, người dân và có liều hỗ trợ từ các chủ trương, chính sách thì những liều vaccine đó là tốt nhất và kích thích được nền kinh tế”, ông Nguyễn Đình Thắng khuyến nghị.
Hiệu quả của chuyển đổi số với nhịp tăng trưởng kinh tế suốt gần 2 năm Covid-19 tác động, đặc biệt trong năm 2021 là rất rõ ràng, nên quan điểm coi chuyển đổi số là vaccine cho tiến trình phục hồi, tăng trưởng là hợp lý-nhận được sự đồng thuận. Tuy nhiên, như những phân tích, khẳng định từ các chuyên gia, để bao phủ vaccine chuyển đổi số lên toàn nền kinh tế-tăng sức chống chịu và tạo đà tăng trưởng cho các giai đoạn kinh tế tiếp theo, còn nhiều việc phải làm.
Đây là trách nhiệm không chỉ của Đảng, Chính phủ, các cơ quan chức năng, của các doanh nghiệp lĩnh vực công nghệ, mà là trách nhiệm của từng người dân, doanh nhân, doanh nghiệp, ở mọi lĩnh vực ngành nghề – trong nỗ lực tiếp cận, tiếp nhận và hành động chuyển đổi số an toàn, thông minh, trong bối cảnh mới - trước tiên là từ nhận thức.
Nguồn VOV