Dù bạn có sẵn sàng hay không, cuộc cách mạng AI đang thực sự diễn ra và cùng với nó, cách con người chia sẻ và thu thập thông tin cũng đang thay đổi mạnh mẽ.
ChatGPT là một chatbot trí tuệ nhân tạo đàm thoại của OpenAI được ra mắt vào cuối năm 2022. Chỉ sau vài tháng ra mắt, siêu AI này đã được lan truyền một cách mạnh mẽ bởi khả năng tương tác thú vị và trả lời đa dạng các thể loại câu hỏi, tạo ra một làn sóng tàn tán cực kỳ sôi nổi cả trong và ngoài lĩnh vực công nghệ về loại Chatbot hoàn toàn mới này.
Ngay sau đó, gã khổng lồ công nghệ Google đã có động thái đáp trả một cách công khai bằng việc thông báo về sự xuất hiện của Bard - AI đàm thoại đến từ “ông vua tìm kiếm”. Ban đầu, AI đàm thoại mang logo Google được cung cấp theo một cách rất hạn chế, cả về khả năng và phạm vi những người có thể sử dụng. Nhưng chỉ vài tuần nữa thôi, mọi thứ có thể sẽ thay đổi đáng kể.
Chatbot AI mới của Google dự kiến sẽ đối đầu trực tiếp với siêu AI ChatGPT đến từ OpenAI.
Hiện tại, ChatGPT là một dịch vụ miễn phí mà bất kỳ ai cũng có thể sử dụng để nhập các câu hỏi, mệnh lệnh và AI đàm thoại sau đó sẽ phản hồi lại. Ví dụ: bạn có thể yêu cầu ChatGPT viết cho bạn một bài hát rap về ông già Noel và chỉ vài giây sau, bạn sẽ có một bản nhạc hoàn chỉnh.
ChatGPT thậm chí có thể thực hiện đúng một số yêu cầu phức tạm trong thời gian nhắn, chẳng hạn khi bạn nhập lệnh tạo một câu chuyện ngắn 500 từ về một nhân vật cụ thể đang trải qua một hiện tượng nhất định, ChatGPT sẽ chỉ mất chưa đầy một phút để AI tạo ra tác phẩm bằng văn bản .
Mặc dù những tiến bộ nhanh chóng như vậy trong AI có sẵn cho tất cả mọi người đã mang lại một số mối quan ngại rất thực tế, nhưng không có gì ngăn cản được sự phát triển của công nghệ này. OpenAI đã thông báo về gói đăng ký trả phí 20 USD (472.000 đồng) mỗi tháng cho dịch vụ của mình và Microsoft có kế hoạch sử dụng khoản đầu tư vào công ty để củng cố công cụ tìm kiếm Bing vốn khá mờ nhạt của mình.
Được biết, tập đoàn Microsoft có “mối quan hệ đối tác chiến lược” với OpenAI khi rót hàng tỷ đô vào công ty kể từ 2019. Trước tất cả những điều này, không có gì ngạc nhiên khi Google nhanh chóng huy động để giới thiệu một giải pháp thay thế của riêng mình và tất nhiên, công nghệ của họ được tích hợp chặt chẽ với sản phẩm Google Tìm kiếm của chính công ty.
Một nhân viên Google từng bị sa thải vì tuyên bố Ai của công ty sở hữu tri giác.
Quay lại một chút khoảng thời gian giữa năm 2022, một nhân viên của gã khổng lồ công nghệ Google từng đưa ra một tuyên bố giật gân về việc chatbot AI của công ty đã đạt được mức độ nào đó của cái gọi là tri giác (ý thức). Nhân viên đó bị sa thải ngay lập tức và một số cuộc thảo luận vô cùng sôi nổi đã nổ ra vào thời điểm đó xoay quanh câu hỏi liệu tri giác của máy móc có khả thi vào bất kỳ thời điểm nào trong tương lai gần hay không?
Cụ thể, tuyên bố đó được đưa ra về Mô hình ngôn ngữ dành cho ứng dụng đối thoại của Google, thường được gọi là LaMDA, trí tuệ nhân tạo sẽ hỗ trợ chatbot Bard mới được công bố của Google. Pichai giải thích trong một bài đăng trên blog của Google rằng công ty đã làm việc trên Bard trong một khoảng thời gian không xác định sau khi giới thiệu LaMDA vài năm trước và mặc dù nó chưa sẵn sàng để tung ra đại chúng nhưng nó đang được tiếp cận với " những người thử nghiệm đáng tin cậy."
Google Tìm kiếm vốn là một công cụ với các thuật toán vô cùng thông minh.
Khả năng cao là bạn không phải là một trong những người thử nghiệm đó, nhưng điều đó dường như không quan trọng lắm, vì Pichai tiếp tục giải thích rằng Google sẽ cung cấp AI đàm thoại "rộng rãi hơn cho công chúng trong những tuần tới." Vậy có gì đáng mong đợi khi Chatbot AI này thực sự ra mắt? Nói một cách đơn giản, có vẻ như Bard sẽ hoạt động như Google Tìm kiếm, bởi Google Tìm kiếm vốn đã đủ thông minh để xử lý khối lượng thông tin do con người viết và chia sẻ, sau đó tạo ra một bản tóm tắt, giải thích, tạo hoặc đề xuất mà không cần bất kỳ thông tin đầu vào thực tế nào từ họ.
Đó là một viễn cảnh vừa thú vị vừa đáng sợ, mặc dù Google khẳng định rằng họ sẽ triển khai công nghệ của mình theo một cách “táo bạo và có trách nhiệm", với các tính năng sẽ "sớm ra mắt" trên Google Tìm kiếm. Ban đầu, công ty đang sử dụng một phiên bản nhẹ hơn của LaMDA, theo Google, đặt ít yêu cầu hơn đối với phần cứng sẽ cung cấp năng lượng cho nó và do đó có thể khởi chạy nó theo cách rộng hơn./.
Nguồn VOV.VN
Theo Slash Gear