Anh Tuấn giám sát công nhân sửa chữa hệ thống điện
Anh Nguyễn Minh Tuấn- Kỹ sư điện, Bí thư Đoàn cơ sở Công ty Điện lực Tây Ninh, Chủ tịch Công đoàn bộ phận Điện lực Gò Dầu, Trưởng Phòng Kế hoạch - Kỹ thuật Điện lực Gò Dầu là một trong 3 gương mặt trẻ của tỉnh Tây Ninh; một trong 22 cá nhân của Điện lực Việt Nam được vinh danh “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc năm 2023. Với những sáng kiến hữu ích, anh Tuấn đã đóng góp trí tuệ, sự sáng tạo cho đơn vị, góp phần xây dựng, phát triển hệ thống mạng lưới điện tại địa phương.
Những sáng kiến đến từ thực tế
Năm 2007, sau khi tốt nghiệp Trường đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh, ngành Điện - Điện tử, hệ thống điện, anh Tuấn ở lại Thành phố làm việc để trau dồi kỹ năng, kiến thức. Năm 2012, anh Tuấn xin chuyển công tác về Công ty Điện lực Tây Ninh với mong muốn gần gũi gia đình, đóng góp trí tuệ cho quê hương.
Làm việc đúng ngành, đúng nghề, anh Tuấn như “cá gặp nước” thoả sức sáng tạo, đề ra nhiều sáng kiến hữu ích làm lợi cho công ty, áp dụng vào thực tiễn mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội cao và giúp công đoạn thi công diễn ra thuận lợi, nhanh chóng, bảo đảm an toàn cho công nhân.
Từ năm 2020 đến nay, anh Tuấn đã có 6 sáng kiến được Điện lực Tây Ninh công nhận, trong đó có 2 sáng kiến được Tổng Công ty Điện lực miền Nam công nhận và áp dụng vào công tác thi công mạng lưới điện ở 21 tỉnh, thành trên khu vực miền Nam. Đó là sáng kiến “Thước đo mẫu dây đấu nội bộ thùng công-tơ” và “Vách ngăn lắp công-tơ thuận lợi cho quan sát, kiểm tra hệ thống đo đếm gián tiếp hạ áp”.
Những sáng kiến của anh có tính ứng dụng và hiệu quả cao, không chỉ góp phần đẩy mạnh công tác thi công mạng lưới điện, giảm sự cố điện cho Điện lực Tây Ninh, mà còn góp phần nâng cao chất lượng cung cấp điện cho khách hàng tại địa phương
Sáng kiến “Thước đo mẫu dây đấu nội bộ thùng công-tơ” nảy sinh từ quá trình quan sát việc thi công lắp dây đặt điện, gắn công-tơ mới cho khách hàng. Khi thi công, nhân viên tổ điện phải ướm thử dây để đo kích thước và cắt dây đấu nội bộ thùng công-tơ, mất nhiều thời gian, công sức. Từ đó anh nảy ra ý tưởng làm thước đo mẫu để công nhân dễ dàng đo và cắt dây điện một cách dễ dàng những có tính chuẩn xác cao.
Thước đo mẫu được thiết kế đơn giản bằng nhôm và được anh tính toán độ chính xác bằng cách đo thử nghiệm nhiều lần. Sau hơn 1 tuần thử nghiệm, anh cho ra đời thước đo mẫu dây đấu nội bộ thùng công-tơ chuẩn xác, công nhân thi công chỉ cần áp thước đo vào dây và cắt dây điện một cách dễ dàng. Từ đó, tiến độ lắp dây đặt điện, gắn công-tơ cho khách hàng cũng trở nên chuẩn xác, nhanh chóng hơn, tiết kiệm thời gian và chi phí thi công rất nhiều.
Đối với sáng kiến “Vách ngăn lắp công-tơ thuận lợi cho quan sát, kiểm tra hệ thống đo đếm gián tiếp hạ áp”, anh Tuấn cho biết đây là một sáng kiến khá đơn giản nhưng có tính ứng dụng cao trong quá trình thi công. Sáng kiến được anh đề ra dựa trên sự hạn chế trong công tác kiểm tra, lắp đặt CT hạ áp (máy biến dòng - thiết bị biến đổi dòng điện).
Trước đó, muốn thực hiện việc kiểm tra, nhân viên phải thực hiện cắt điện ở trạm, cắt niêm chì và tháo dây đấu nối vào công-tơ, tháo vách ngăn gây tốn nhiều thời gian, ảnh hưởng đến chỉ số độ tin cậy cung cấp điện.
Thấy được thực trạng đó, anh đã nảy ra ý tưởng thiết kế một tấm vách ngăn bằng kính trong suốt gắn vào CT hạ áp để công nhân có thể dễ dàng kiểm tra và nghiệm thu sau khi thi công. Ý tưởng tuy đơn giản nhưng đã giúp rút ngắn thời gian thi công, đẩy nhanh tiến độ kiểm tra các hệ thống CT hạ áp, đồng thời giúp công nhân thi công quan sát kiểm tra có động vật (chuột, rắn, thằn lằn…) vào làm tổ, trú ngụ hay không, qua đó hạn chế được sự cố điện gây ra do động vật.
Anh Tuấn cho biết thêm, hầu hết sáng kiến của anh đều rút ra từ quan sát thực tế và lắng nghe ý kiến, những khó khăn trở ngại của anh em công nhân trong quá trình thi công. Theo anh Tuấn, bộ phận kỹ thuật là bộ phận quan trọng, hỗ trợ tối đa trong công tác thi công, bảo trì, sửa chữa điện. Vì vậy, kỹ sư điện phải là người có tính tỉ mẫn để bảo đảm an toàn cho công nhân thi công và người sử dụng điện.
Anh Tuấn năng nổ tham gia tổ chức các hoạt động phong trào cho ĐVTN tham gia.
“Niềm vui của một kỹ sư điện không gì hơn là được đem kiến thức của mình làm lợi cho công ty, giúp ích cho đồng nghiệp, nhân dân. Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, thực hiện các sáng kiến khắc phục sự cố điện từ động vật và chống sét. Đây là vấn đề chung của Công ty Điện lực Tây Ninh cũng như ngành Điện lực Việt Nam quan tâm, nghiên cứu nhiều năm qua”- anh Tuấn chia sẻ.
Nhiều năm làm việc và cống hiến cho ngành Điện lực tỉnh nhà cũng như Điện lực Việt Nam nói chung, anh Tuấn đã được Tổng Công ty, Công ty Điện lực Tây Ninh ghi nhận thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất, hoạt động sáng tạo.
Trong đó, anh nhận được bằng khen của Tập đoàn Điện lực Việt Nam là cá nhân có thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác năm 2018; được Tổng Công ty Điện lực miền Nam công nhận và khen thưởng các cá nhân đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở Tổng Công ty Điện lực miền Nam năm 2020; đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở Tổng Công ty Điện lực miền Nam năm 2022.
Bí thư Đoàn cơ sở năng nổ, nhiệt huyết
Bên cạnh vai trò kỹ sư điện, anh Tuấn còn là một cán bộ Đoàn nhiệt huyết, năng nổ. 6 năm qua, Đoàn cơ sở Điện lực Tây Ninh có 10 chi đoàn trực thuộc với 172 đoàn viên thanh niên đã trở thành một đoàn thể gắn kết, có nhiều hoạt động tình nguyện, an sinh xã hội đóng góp cho cộng đồng.
Trong đó có thể kể đến các hoạt động như hiến máu tình nguyện, thực hiện công trình thắp sáng đường quê, sửa chữa điện cho trường học, hộ nghèo... và đẩy mạnh các hoạt động thi đấu thể dục thể thao, văn hoá văn nghệ.
Các hoạt động giúp ĐVTN vừa phát huy năng lực chuyên môn vừa góp phần phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của thanh niên ngành Điện lực. Đặc biệt, tháng 4 vừa qua, anh Tuấn lan toả đam mê của mình khi vận động được hơn 200 ĐVTN, CBCNVC tham gia Giải chạy Bà Đen Moutain Marathon năm 2023. Qua đó, góp phần đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao trong ĐVTN và nâng cao sức khoẻ cho nhân viên công ty.
Từ hoạt động đó, nhận thấy tinh thần yêu thích thể thao của ĐVTN cũng như cán bộ, công chức, người lao động của công ty, anh Tuấn đã lên kế hoạch thành lập Nhóm chạy Điện lực Runner với gần 100 ĐVTN, CBCNVC tham gia. Đây là một mô hình anh rất tâm đắc và mong muốn nó trở thành một sân chơi lành mạnh cho ĐVTN Điện lực Tây Ninh trong thời gian tới.
Ngọc Bích