Công nghệ phát triển như vũ bão trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 giúp báo chí có thêm công cụ tác nghiệp, thực hiện chức năng thông tin, đồng thời cũng đặt ra những áp lực cạnh tranh gay gắt với các phương tiện truyền thông xã hội.
Để đứng vững và khẳng định giá trị trong bối cảnh mới, bên cạnh việc không ngừng đổi mới cả về tư duy và phương thức thực hiện, điều quan trọng là các cơ quan báo chí cần phát huy thế mạnh của mình, đó là chất lượng thông tin, mức độ chính xác, tính khoa học, nhân văn và trách nhiệm xã hội.
Chùm 2 bài "Báo chí thời đại công nghệ 4.0" sẽ làm rõ những cơ hội và thách thức của báo chí hiện nay cũng như cách thức báo chí thế giới thích ứng với những thay đổi trong kỷ nguyên số.
Trong thời đại dữ liệu lớn (big data), báo chí không thể bỏ lỡ các thuật toán máy học để tăng hiệu quả thông tin. Ảnh minh họa: New York Times
Bài 1- “Phép thử” từ làn sóng chuyển đổi số
Cùng với sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực truyền thông, đặc biệt là AI tạo sinh, nghề báo đang bước sang giai đoạn chuyển đổi số mới, tác động đến mọi mặt từ nội dung đến thương hiệu, đạo đức, kinh doanh và thói quen lao động.
Có thể nói công nghệ hiện đại và hướng phát triển của báo chí cũng như của các nền tảng số hiện nay là “phép thử” lớn đối với người làm báo và các nhà quản lý báo chí, đặt ra hai thách thức lớn - đó là ứng dụng chuyển đổi số để cạnh tranh với đối thủ, giữ chân độc giả và vấn nạn tin giả.
Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ AI, đặc biệt là AI tạo sinh, đã đưa báo chí bước vào kỷ nguyên hoàn toàn mới. Báo chí sắp chứng kiến cuộc đua làm chủ các thuật toán và công cụ AI có khả năng sáng tạo nội dung. CEO tập đoàn truyền thông Axel Springer SE, nhà báo Đức Mathias Doepfner nhận định các chatbot như ChatGPT là một "cuộc cách mạng" đối với ngành báo chí.
Giám đốc dự án Journalism AI tại Đại học kinh tế London, ông Charlie Beckett khẳng định: “Không còn nghi ngờ gì nữa, AI tạo sinh là tác nhân thay đổi cuộc chơi và sẽ tác động lớn đến cả người làm báo và độc giả”. Ông cũng bày tỏ tin tưởng rằng AI tạo sinh sẽ tác động đến ngành báo tương tự như làn sóng chuyển đổi số đầu tiên, đồng thời nhấn mạnh “cần tận dụng công nghệ này giúp ích cho công việc của nhà báo”.
Thực tế cho thấy tin tức do AI tạo ra mang lại nhiều lợi ích tiềm năng cho các nhà báo và công ty truyền thông. AI có thể tạo ra tin tức một cách nhanh chóng và hiệu quả, đặc biệt quan trọng trong các tình huống tin tức "nóng". AI có thể tự động hóa một số công việc của nhà báo truyền thống, như phân tích dữ liệu và kiểm tra thực tế, nhờ đó giải phóng các nhà báo để tập trung vào các nhiệm vụ quan trọng khác như phỏng vấn hoặc viết bài phân tích.
Tin tức do AI tạo ra có thể được sản xuất với chi phí thấp hơn so với nội dung tin tức truyền thống vì cần ít thời gian và tài nguyên hơn. Điều này có thể đặc biệt quan trọng đối với các công ty truyền thông nhỏ hoặc những công ty hoạt động với ngân sách eo hẹp. Với AI, nội dung tin tức có thể nhanh chóng được chuyển thể sang nhiều ngôn ngữ và cho nhiều nền tảng khác nhau, giúp các công ty truyền thông tiếp cận khán giả mới và mở rộng dấu ấn toàn cầu của họ.
Hơn thế, AI có thể phân tích cách hành xử và những sở thích của người dùng để cung cấp các quảng cáo mục tiêu và tối ưu hóa quảng cáo, tăng thu nhập cho tờ báo. Nhìn chung, tin tức do AI tạo ra có thể giúp hợp lý hóa quy trình tạo tin tức, đồng thời cải thiện chất lượng và tốc độ của nội dung tin tức. Dù có thể không thay thế các nhà báo con người, nhưng đây có thể là một công cụ mạnh mẽ để hỗ trợ công việc và làm cho hoạt động báo chí hiệu quả hơn.
Cùng với quá trình số hóa đang diễn ra như vũ bão, xu hướng đọc của độc giả trong thời đại số cũng đang thay đổi mạnh mẽ. Báo cáo do Viện nghiên cứu Báo chí Reuters thuộc Đại học Oxford công bố mới đây cho thấy giới trẻ ngày càng có xu hướng thích đọc tin tức qua mạng xã hội thay vì các loại hình thông tin truyền thống.
Theo báo cáo, tỷ lệ người trên toàn cầu xem tin tức thông qua trang web hoặc ứng dụng đã giảm 10 điểm phần trăm kể từ năm 2018 và các nhóm trẻ tuổi có xu hướng thích đọc tin tức qua mạng xã hội, công cụ tìm kiếm hoặc công cụ tổng hợp tin tức trên thiết bị di động.
TikTok là mạng xã hội phát triển nhanh nhất và được tới 20% người dùng từ 18 - 24 tuổi sử dụng để xem tin tức. Theo Giám đốc Viện nghiên cứu báo chí Reuters, Rasmus Nielsen, khó có thể hy vọng thế hệ ra đời sau năm 2000 quan tâm đến các trang web kiểu cũ, hay tin tức trên đài phát thanh và báo giấy, bởi đơn giản những phương tiện truyền thông này đã trở nên lạc hậu.
Ngay cả ở Nhật Bản, nơi đa phần dân số già vẫn thích đọc báo giấy truyền thống, số lượng độc giả báo giấy và khán giả theo dõi truyền hình đang giảm dần theo thời gian, đòi hỏi các đơn vị báo chí tại Nhật Bản phải đẩy mạnh việc chuyển đổi số để thích ứng với kỷ nguyên mới.
Trước những thay đổi về nhiều mặt trong lĩnh vực báo chí, ông Alex Connock, tác giả cuốn "Quản lý truyền thông và trí tuệ nhân tạo", khẳng định việc làm chủ được các công cụ AI hay không sẽ là yếu tố quyết định sự thành - bại của các công ty truyền thông trong những năm tới. Tuy nhiên, đây cũng là tiền đề cho nguy cơ thứ hai đe dọa nền báo chí hiện đại - đó là vấn nạn tin giả.
Biểu tượng của OpenAI và ChatGPT. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Chuyên gia nghiên cứu hàng đầu về AI của Canada, ông Yoshua Bengio cảnh báo một số hệ thống trí tuệ nhân tạo như ChatGPT đã phát triển và có thể vượt con người trong giao tiếp trực tuyến, gây ra nhiều rủi ro về khuếch đại và truyền tải thông tin sai lệch, đặc biệt khi các công nghệ như deepfake – sử dụng trí tuệ nhân tạo để giả lập khuôn mặt, bị lạm dụng để phát tán thông tin sai sự thật. Cách thức các ứng dụng trí tuệ nhân tạo như ChatGPT thu thập và xử lý dữ liệu cũng có thể là rủi ro về mặt bản quyền, các quyền riêng tư…
Sự phát triển của AI với các ứng dụng như công cụ chatbot, tạo hình ảnh, nhân bản giọng nói… làm gia tăng lo ngại về việc phát tán tin giả dưới mọi loại hình thông tin. Điều này đòi hỏi các hãng truyền thông, các cơ quan báo chí cùng các nhà quản lý phải phối hợp để thống nhất cách hành xử.
Dù AI có thể tạo ra nội dung tin tức nhanh chóng và hiệu quả, nhưng điều quan trọng là phải đảm bảo rằng nội dung đó chính xác và có trách nhiệm giải trình. Điều này cần sự giám sát của con người và kiểm tra thực tế. Bên cạnh đó, các công ty truyền thông phải minh bạch về việc họ sử dụng tin tức do AI tạo ra.
Công chúng nên được biết về việc sử dụng công nghệ này và nó có thể ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng và độ tin cậy của nội dung tin tức. Bằng cách đó, họ có thể đảm bảo rằng nội dung tin tức mà họ sản xuất là đáng tin cậy, chính xác và đáng tin cậy. Mới đây,
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã đề xuất một bộ quy tắc ứng xử quốc tế chống tin giả, đồng thời ủng hộ các ý kiến đề xuất thành lập một cơ quan quốc tế giám sát AI tương tự như Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) trong lĩnh vực hạt nhân. Theo ông Guterres, những hồi chuông cảnh báo về AI đã được gióng lên, và thế giới cần nghiêm túc xem xét những cảnh báo đó.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Thị Thu Hằng – Trưởng Ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định: “Công nghệ càng phát triển thì tạo cơ hội rất lớn cho báo chí, nhưng thách thức đối với báo chí còn lớn hơn nhiều. Bởi lẽ nếu người làm báo không nhanh chóng, nắm bắt được công nghệ hiện đại, không khắc phục được những hạn chế, thách thức, đe dọa đến an ninh truyền thống, cũng như những vấn nạn liên quan đến tin giả, thì có thể nói rằng khó đảm trách tốt hơn chức năng điều hướng dư luận xã hội của báo chí”.
Người làm báo và các nhà quản lý báo chí cần nhanh chóng tận dụng sức mạnh của AI, trong khi chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp quyết liệt ngăn chặn các tác động tiêu cực có thể kèm theo. Điều quan trọng là phải giải quyết các tác động về đạo đức và xã hội, đồng thời đảm bảo rằng nội dung do AI tạo ra là chính xác, đáng tin cậy và phù hợp với các tiêu chuẩn báo chí. Sự kết hợp giữa AI và sự giám sát của con người có thể tạo ra một quy trình sản xuất tin tức mạnh mẽ và hiệu quả, mang lại lợi ích cho cả nhà báo và độc giả.
Bài cuối: Thích nghi để đồng hành cùng công chúng
Nguồn TTXVN